TTCT - Cải cách ngành cấp nước cần sự đồng thuận của người dân và một lộ trình quản trị thay đổi hợp lý. Việt Nam nói chung, hay những đô thị lớn như TP.HCM nói riêng, không cần phải tìm kiếm bài học đâu xa. Ek Sonn Chan, tổng giám đốc Công ty Cấp nước Phnom Penh giai đoạn 1993-2011, kể lại vào năm 1994, khi công ty đến lắp đồng hồ nước để triển khai chính sách cải tiến dịch vụ nước máy và tăng giá nước sinh hoạt, một vị tướng quyền lực của Campuchia đã chĩa súng vào đầu ông bắt dừng lại. Cùng thời điểm đó, khảo sát diện rộng cho thấy người dân nghèo Phnom Penh sẵn lòng trả tiền để có nước máy sử dụng. Khẩu súng không thắng được ý nguyện của dân, lộ trình cải cách giá và chất lượng nước sinh hoạt được thực hiện. Chất lượng dịch vụ ngành cấp nước Phnom Penh hiện được giới chuyên gia đánh giá là vượt trội so với các đô thị tương tự.Nhân viên Nhà máy nước Tân Hiệp kiểm tra, theo dõi chất lượng nước tại khu vực bể lắng lọc. Ảnh: LÊ PHANPhnom Penh đã làm thế nào?Đầu những năm 1990, như hầu hết đô thị ở các nước đang phát triển, Phnom Penh có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tệ hại. Nước cung cấp không đủ cho người dân, hệ thống đường ống nước máy không đến các khu vực nghèo khó. Cúp nước xảy ra thường xuyên và chất lượng nước không đảm bảo. Công ty Cấp nước Phnom Penh (PPWSA) không đủ kinh phí hoạt động chứ đừng nói đầu tư cải tạo hệ thống. Thất thoát doanh thu từ nước lên đến 80%. Tình hình tài chính bê bết một phần do giá nước rất thấp, đã vậy người dân tìm ra nhiều cách tránh né, không đóng tiền nước. Vòng xoáy luẩn quẩn bó buộc các bên: người dân không muốn trả tiền cho dịch vụ tệ hại và công ty nước không có nguồn thu đủ để cải tiến dịch vụ.Thay đổi quản lý và cải cách giá nước bắt đầu từ 1993. Từ 1997, PPWSA tăng giá nước theo lộ trình ba giai đoạn trong vòng 7 năm, song song với cải thiện dịch vụ. Cải cách giá nước sinh hoạt và các cải cách khác đã thực sự cải thiện chất lượng dịch vụ của PPWSA, bù đắp được đủ chi phí và tăng sự hài lòng của người dân. Ngày nay Campuchia có một trong những công ty cấp nước hoạt động tốt nhất trong các nước đang phát triển cùng trình độ.Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổng kết hai bài học kinh nghiệm lớn từ thành công của PPWSA.Thứ nhất, cần lộ trình cải cách giá đúng đắn. Cải cách giá nước phải dựa trên nguyên tắc bù đắp được chi phí sản xuất và phân phối dịch vụ. Yêu cầu người tiêu dùng trả giá nước sinh hoạt cao hơn để có dịch vụ cải thiện không phải lúc nào cũng được đón nhận, nên PPWSA đã cải tạo hệ thống từng phần, với nguồn vốn và kỹ thuật "mồi" từ Ngân hàng Thế giới và ADB. Khách hàng đã thấy và cảm nhận được lợi ích của cải cách trước khi biểu giá mới được áp dụng.Thứ hai, cần quản trị đúng đắn. Được trao quyền tự chủ để thực hiện các cải cách triệt để, PPWSA chủ động chuẩn bị kế hoạch đầu tư hằng năm trình hội đồng quản trị và các bộ liên quan phê duyệt. Trong trường hợp này, có thể coi PPWSA là một chủ thể "lai" giữa nhà nước và thị trường: vẫn hoạt động theo các nguyên tắc thương mại, song có hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm giải trình.Chính sách giá đúngTừ kinh nghiệm quản trị thay đổi ở Phnom Penh và với ngành cấp nước trên thế giới, các chuyên gia chính sách công đúc kết ngắn gọn rằng điều kiện tiên quyết là một chính sách giá đúng - "getting prices right". Đây là tiền đề quan trọng cho đổi mới hoạt động, cải tiến quản trị và vận hành hệ thống bền vững. Chính sách giá đúng phải dựa trên nguyên tắc thu hồi được chi phí mà không gây bất ổn xã hội và đảm bảo tiếp cận nước sạch cho mọi người.Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Kinh Tế Và Chính Sách Nước (Water Economics and Policy), nhóm nghiên cứu của ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết trung bình mỗi hộ dân ở TP tiêu thụ 21m3 nước/tháng, tiền nước sinh hoạt trả cho công ty cấp nước vào khoảng 180.000 đồng - cao hơn so với các đô thị khác ở Việt Nam, nhưng vẫn chỉ chiếm 0,9% thu nhập của một hộ gia đình trung bình tại TP.Tuy nhiên, chi phí thực tế cho nước sinh hoạt cao hơn mức này do rất hiếm hộ gia đình sử dụng nước trực tiếp từ vòi không qua đun nấu. Khoảng 98% trong hơn 2.000 hộ được khảo sát cho biết có dùng dụng cụ lọc nước hoặc đun nấu trước khi sử dụng. Hơn 50% số hộ có mua nước đóng chai để uống với mức chi phí gần 300.000 đồng/tháng. Chi phí gia tăng này, cộng với tiền nước, chiếm 1,9% thu nhập của hộ gia đình trung bình.Như vậy trên thực tế, công ty cấp nước thu được gần một nửa tổng chi phí nước sạch người dân bỏ ra, phần còn lại chia ra cho các dịch vụ tự nâng cấp chất lượng nước của hộ dân. Câu hỏi là có hiệu quả hơn không nếu các chi phí này tập trung lại, để công ty cấp nước cung cấp sản phẩm cuối cùng với chất lượng bằng hoặc cao hơn hiện nay? Khoản thu thêm này có thể giúp ngành cấp nước đầu tư cải tiến hạ tầng, nâng cấp chất lượng xử lý nước, ứng phó với rủi ro môi trường và biến đổi khí hậu.Kết quả thú vị nhất của nghiên cứu là câu hỏi về tính hợp lý của giá nước sinh hoạt. Nhìn chung, người trả lời cho rằng chi phí nước sinh hoạt hợp lý lẽ ra phải cao hơn hiện giờ một chút. Đặc biệt, hơn 90% cho rằng giá nước thấp (ví dụ nhờ trợ giá) là phi lý. Như vậy, cung cấp nước sạch giá rẻ hay miễn phí không được người dân coi là hợp lý. Người dân cũng nhận thức rằng nước sinh hoạt là hàng hóa như những hàng hóa thị trường khác, cần được hoàn trả chi phí (hơn 25% nói nguyên nhân chính cần trả giá nước hợp lý là để công ty cấp nước thu hồi được chi phí bỏ ra).Kết quả khảo sát cho thấy người dân có xu hướng không xem nước sinh hoạt là hàng hóa công cần được Nhà nước cung cấp miễn phí hay trợ giá phần lớn. Đây là nền tảng đồng thuận quan trọng cho các chính sách cải cách giá nước sinh hoạt trong tương lai.■ Một khía cạnh đáng lưu tâm về tính công bằng trong tiếp cận dịch vụ nước sạch: Hộ dân có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng phải chi 4,5% thu nhập cho nước sinh hoạt hằng tháng, trong khi hộ có thu nhập trên 45 triệu đồng/tháng chỉ chi 0,9% cho khoản này.TP.HCM thật ra cũng đã có lộ trình với chính sách nước sạch. Cụ thể, dịch vụ nước sinh hoạt ở đô thị lớn nhất Việt Nam cần đạt mục tiêu Phát triển Bền vững 6 (SDG 6): "Đến năm 2030, đạt được tiếp cận công bằng và phổ cập nguồn nước uống an toàn và có thể chi trả được cho tất cả mọi người". TP.HCM còn được kỳ vọng dẫn đầu cả nước về cung cấp nước sạch - một dịch vụ cơ bản, thiết yếu - cho người dân. Có thể nói không ngoa là mọi chính sách khác về chất lượng cuộc sống, cơ sở hạ tầng, thậm chí thu hút đầu tư hay thu hút nhân tài, đều phải xây dựng trên cơ sở mục tiêu về dịch vụ nước.Nhưng TP.HCM đang đối mặt nhiều thách thức trong đảm bảo cung cấp nước sạch về dài hạn, nổi bật là tình trạng chất lượng nước thô suy giảm do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu dẫn đến xâm nhập mặn sâu vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Quá trình xử lý nước trở nên phức tạp và đòi hỏi công nghệ tiên tiến hơn.Hoạt động kinh tế gia tăng cũng tạo ra thách thức lớn với ngành cấp nước. Nguồn cung cấp nước chính cho TP là hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, mà dọc theo các chi lưu lớn đã tồn tại nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và khu đô thị dày đặc.Sản xuất công nghiệp xả thải gây ô nhiễm nước. Hoạt động nông nghiệp cũng ảnh hưởng lớn lên nguồn nước cung cấp cho TP qua quá trình sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không an toàn. Chi phí xử lý nguồn nước ô nhiễm để có nước sạch ngày một lớn. Thêm nữa, với nước sinh hoạt đã qua thời người dân chỉ cần nước máy đủ dùng cho nhu cầu hằng ngày. Mức sống cao hơn, nhiều hộ gia đình muốn nước máy phải có áp lực mạnh, luôn có sẵn và thậm chí nước phải uống được trực tiếp từ vòi.Công ty cổ phần Nước Sài Gòn (SAWACO) được thành lập năm 1874 (lúc bấy giờ với tên Sở Cung cấp nước đô thành Sài Gòn), đảm nhận dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân TP. Theo số liệu của SAWACO, hệ thống cấp nước tại TP.HCM có công suất 1,9 triệu m3 nước thô/ngày, chuyển tải qua 8.200km mạng lưới phân phối với hơn 2 triệu kết nối, cung cấp nước sinh hoạt cho 100% dân số TP. Hầu hết đường ống được xây dựng từ tận những năm 1960, rồi mở rộng và cải thiện cho tới nay. Phần lớn cơ sở hạ tầng này đã xuống cấp và không được nâng cấp phù hợp, dẫn đến tỉ lệ thất thoát nước sạch còn rất cao, hơn 20%.Mạng lưới truyền nước dạng vòng dài có tuổi thọ gần 60 năm không còn đảm bảo duy trì áp lực và chất lượng nước. Áp lực nước trong mạng lưới truyền dẫn không đồng đều - cao ở khu vực gần nhà máy và thấp ở cuối nguồn, dẫn đến hiện tượng lắng cặn trên đường ống khiến nước sạch bị đục hoặc có màu khi có xáo trộn thủy lực.Trong khi nguồn nước thô đầu vào thiếu bền vững do tác động của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, hệ thống xử lý và phân phối nước sạch có lịch sử hơn 100 năm đã quá lạc hậu, không theo kịp nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế. Chưa bao giờ những thay đổi theo hướng bền vững và bao trùm lại là cấp thiết như lúc này với ngành cấp nước TP.HCM. Tags: Nước sinh hoạtNhà máy nước Tân HiệpNước đang phát triểnCung cấp nướcKinh phí hoạt độngTình hình tài chínhĐồng hồ nướcNgười tiêu dùngNhóm nghiên cứuSử dụng nướcCung cấp nước sạchPhát triển bền vữngÔ nhiễm môi trườngNguồn cung cấpNguồn nước ô nhiễmHệ thống cấp nước
Cục diện phim Tết phức tạp sau khi 3 phim đều đã lộ diện, Nụ hôn bạc tỉ của Thu Trang xé túi mù LÊ GIANG 25/01/2025 Tối 24-1, phim 'Nụ hôn bạc tỉ' của Thu Trang chiếu ra mắt truyền thông, chốt lại bộ ba phim Tết năm nay, bên cạnh 'Bộ tứ báo thủ' và 'Yêu nhầm bạn thân'.
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Nga tuyên bố dùng drone cảm tử hạ xe tăng Abrams ở vùng Kursk THANH BÌNH 25/01/2025 Nga cho biết các lực lượng nước này đã dùng máy bay không người lái cảm tử (kamikaze) phá hủy chiếc xe tăng M1 Abrams của Ukraine tại vùng biên giới Kursk.
Tin tức thể thao sáng 25-1: Djokovic úp mở chuyện giải nghệ trong năm nay ĐỨC KHUÊ 25/01/2025 Djokovic có thể không trở lại thi đấu ở Giải Úc mở rộng và úp mở chuyện giải nghệ; Kyle Walker rời Man City tới cuối mùa... là những tin tức thể thao chính sáng 25-1.