Các du khách đeo khẩu trang chụp ảnh tại sân bay quốc tế Yangon, Myanmar, ngày 31-1 - Ảnh: REUTERS
Dù các chuyên gia đã đưa ra nhiều dự báo và đánh giá về sự bùng phát của chủng virus mới 2019-nCoV, nhưng chưa ai dám chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
"Sẽ không có nhà khoa học nào có thể nói chính xác thời điểm dịch bệnh sẽ lên đến đỉnh điểm" - tạp chí Time dẫn lời ông Michael Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về chủng virus mới này.
Virus 2019-nCoV, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), cùng họ hàng loại virus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hay Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Một nghiên cứu đăng ngày 29-1 trên tạp chí y khoa Lancet đánh giá 41 trường hợp đầu tiên nhiễm virus 2019-nCoV cho thấy chủng virus gây các triệu chứng tương tự như SARS.
Tính đến ngày 31-1, chủng virus mới này đã giết chết 213 người trên 9.692 trường hợp bị nhiễm toàn cầu, tức là tỉ lệ tử vong vào khoảng 2-3%. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong ở dịch SARS năm 2003 là gần 10% và MERS lên đến 34,5%.
Tuy nhiên, nhà dịch tễ học David Fisman của Đại học Toronto (Canada) nhận định rằng các số liệu ban đầu chưa thể phản ánh chính xác mức độ nguy hiểm của chủng virus mới khi mà dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn.
Nhiều khả năng số người bị nhiễm bệnh thực sự cao hơn so với các số liệu được công bố. Trong trường hợp chỉ 2/3 số người bị nhiễm bệnh được ghi nhận, tỉ lệ tử vong có thể giảm xuống còn 1%, theo ông Fisman.
Tuy nhiên, chuyên gia Trish Perl của Đại học Texas (Mỹ) cho biết virus 2019-nCoV đang lây lan nhanh hơn so với SARS. Nghiên cứu đăng trên trang New England Journal of Medicine ngày 29-1 cho thấy số lượng người nhiễm tăng gấp đôi gần như mỗi tuần trong những tuần đầu tiên bùng phát dịch.
Chỉ trong thời gian ngắn sau khi bùng phát, số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục đã lên gần 10.000 trường hợp tính đến ngày 31-1, vượt qua số ca nhiễm trong suốt sáu tháng bùng phát của dịch SARS, với khoảng 5.237 trường hợp nhiễm tại Trung Quốc và 8.000 trường hợp toàn cầu.
Dù virus corona hiện tại cùng họ hàng với virus gây dịch SARS, bà Perl cho rằng thế giới ngày nay đã khác nhiều so với khi bùng phát dịch SARS cách đây gần hai thập kỳ.
"18 năm trước, hạ tầng và du lịch vào Trung Quốc thấp hơn rất nhiều. Hạ tầng hiện tại phức tạp hơn với những chuyến bay toàn cầu ra và vào trong ngày..." - bà Perl nhận xét.
Bà cho rằng dù việc du lịch, đi lại đã bị hạn chế ở Trung Quốc, nhưng dịch bệnh có thể đã lây lan rộng trước khi các lệnh cấm có hiệu lực.
Đến nay, việc kiểm soát dịch bệnh vẫn là yếu tố thách thức nhất.
"Thời gian xảy ra các trường hợp lây truyền thứ phát càng lâu, chúng ta càng có thể yên tâm rằng với các biện pháp y tế cộng đồng và phòng ngừa lây nhiễm, chúng ta sẽ khống chế được dịch" - bà Jeanne Marrazzo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Alabama (Mỹ), nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận