TTCT - Nguyễn Phan Quế Mai - nhà văn Việt Nam được chọn vào vị trí nhà văn châu Á đáng chú ý và là giảng viên chương trình viết quốc gia lần thứ 51 của Đại học Silliman, Philippines. Hiện sống tại Philippines, mỗi năm vẫn tham dự nhiều sự kiện văn học quốc tế của các nước, Quế Mai đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi về cơ hội cho văn học Việt Nam ở nước ngoài. Nguyễn Phan Quế Mai giao lưu với độc giả TP.HCM trong một ngày hội văn hóa - Ảnh: Thái PhiênGiới xuất bản nước ngoài đang “săn lùng” tác phẩm Việt Nam* Cuối năm 2012, chị từng cho biết có những nhà làm sách nước ngoài muốn xuất bản sách dịch từ Việt Nam?- Gần đây tôi có cơ hội tham gia một số liên hoan văn học quốc tế và gặp một số đại diện các nhà xuất bản. Họ đều nói với tôi rằng đang tìm kiếm bản thảo đã dịch sang tiếng Anh của Việt Nam.Cụ thể, tại Liên hoan văn học quốc tế Manila 2011, ông Ravi Mirchandani (tổng biên tập Nhà xuất bản Atlantic Book, Anh), bà Rachel B. Kahan (phụ trách biên tập Nhà xuất bản Putnam, Mỹ), bà Jayapriya Vasudevan và bà Priya Doraswamy (đại diện văn học của nhiều tác giả châu Á) đã nói rằng họ đang “săn lùng” các tác phẩm văn học hư cấu và phi hư cấu của Việt Nam viết bằng tiếng Anh hoặc đã được dịch sang tiếng Anh.Năm nay, cũng tại liên hoan văn học này tôi gặp cô Juliet Grames, biên tập của Nhà xuất bản Soho Press, Mỹ. Juliet cho biết cô đã sang Việt Nam và sẽ thật tuyệt nếu được biên tập và xuất bản các tiểu thuyết hình sự của Việt Nam vì đây là thể loại ăn khách nhất hiện nay.Bạn đọc thế giới vẫn luôn tìm kiếm những món ăn tinh thần có hương vị khác lạ. Tôi tin văn học Việt Nam có nhiều món ăn đặc biệt nhưng vẫn nằm phía trong biên giới vì chưa được chuyển ngữ. Vừa qua nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho tôi biết rằng trung tâm dịch thuật Việt Nam sắp được thành lập. Nếu vậy, tôi sẵn sàng làm cầu nối giới thiệu các bản dịch hay với những nhà xuất bản và đại diện văn học mà tôi biết.Gần đây tôi cũng rất vui mừng khi biết nhà nghiên cứu, phê bình Đoàn Cầm Thi vừa thành lập tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” tại Nhà xuất bản Riveneuve. Tôi hi vọng sẽ có thêm một tủ sách tương tự bằng tiếng Anh. “Một nhà văn Việt Nam hoàn toàn có cơ hội nhận được một giải thưởng văn học quốc tế như Man Asian. Dĩ nhiên, để được xem xét cho giải thưởng này, tiểu thuyết phải được dịch sang tiếng Anh hoặc viết bằng tiếng Anh. Càng làm việc với các dịch giả, tôi càng nhận ra rằng dịch văn học chính là một loại hình nghệ thuật. Chẳng thể nào dịch thẳng tuột một tác phẩm hư cấu sang một ngôn ngữ khác. Thật không may là một tiểu thuyết tuyệt vời ở dạng nguyên bản thường có thể mất đi rất nhiều sự lung linh và tươi mới của nó khi bị khoác lên mình một bản dịch kém hoặc thiếu cảm hứng”.Nhà văn MONIQUE TRUONG (giám khảo giải Man Asian 2012, tác giả của hai tiểu thuyết The Book of Salt và Bitter in the Mouth)* Nhận thức của người ở nước ngoài hiện nay về văn học Việt Nam chủ yếu qua những nguồn nào?- Văn học Việt Nam rất ít được giới thiệu trên các kênh tiếng Anh mà tôi hay tham khảo. Không phải họ không quan tâm mà có rất ít tác phẩm được dịch và giới thiệu.Còn một kênh khác là các nhà sách. Trong các hiệu sách lớn ở các nơi như Mỹ, Đức, Bỉ, Hà Lan, Philippines, Trung Quốc, Úc, Ý, Hong Kong..., tôi chưa bao giờ tự mình tìm thấy tác phẩm nào của Việt Nam. Trong khi đó, tác phẩm của các tác giả châu Á khác như Mạc Ngôn (Trung Quốc), Haruki Murakami (Nhật), Shin Kyung Sook (Hàn Quốc), Tan Twan Eng (Malaysia)... thường được bày bán rộng rãi và trưng bày ở khu trang trọng nhất.Về hội nhập, văn chương Việt Nam còn khá trầm lắng. Ví dụ như cách đây năm năm, giải thưởng văn học hàng đầu châu Á The Man Asian Literary Prize đã được thành lập để vinh danh tiểu thuyết xuất sắc của một nhà văn châu Á viết bằng tiếng Anh hoặc được dịch sang tiếng Anh.Trên thực tế, từ năm 2007 không có tác phẩm Việt Nam nào có mặt ở vòng sơ khảo của giải thưởng này. Tác phẩm duy nhất “dính dáng” đến Việt Nam được lọt vào vòng sơ khảo là bản dịch tiếng Anh tiểu thuyết Ru của nhà văn Kim Thúy, một Việt kiều sống ở Canada và viết bằng tiếng Pháp.* Giải Man Asian có vai trò thế nào đối với danh tiếng của nhà văn và doanh số bán sách? Chẳng hạn trường hợp Shin Kyung Sook, tác giả Hãy chăm sóc mẹ, cuốn sách cũng bán rất chạy ở Việt Nam, người thắng giải năm 2011?- Với một tác giả châu Á thì giải Man Asian là cánh cửa vàng. Sau khi đoạt giải thưởng này năm 2011, Shin Kyung Sook trở thành một trong những tác giả nổi tiếng nhất châu Á. Điều cần nói là Shin Kyung Sook đã nổi tiếng từ rất lâu ở Hàn Quốc và giành được nhiều giải thưởng trong nước. Hãy chăm sóc mẹ là tiểu thuyết đầu tiên của bà được dịch sang tiếng Anh và lập tức đưa bà ngang tầm với các nhà văn xuất sắc của thế giới. Tiểu thuyết được chuyển thể thành kịch sân khấu và nhạc kịch và đã bán được trên 2 triệu bản.Gần đây, khi nhà văn người Malaysia Tan Twan Eng thắng giải thưởng Man Asian cho tiểu thuyết The Garden of evening mists (Vườn sương đêm), các hãng thông tin lớn nhất của thế giới như CNN, BBC, Reuters đều đưa tin chi tiết, kéo theo là vô số các bài phê bình, những lời nhận xét về tiểu thuyết này. Ở Manila, Philippines nơi tôi đang sống, hiệu sách mà tôi thường lui tới lập tức trưng bày quyển sách ở vị trí trang trọng nhất.* Vậy theo đánh giá của chị, trong tương lai gần, văn chương Việt Nam có cơ hội ở giải Man Asian không?- Nếu tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được viết trong năm năm gần đây, tôi tin chắc rằng nó cũng đã được trao giải thưởng Man Asian. Tôi nghĩ nhà văn Hồ Anh Thái sẽ là ứng cử viên sáng giá của giải thưởng này vì anh liên tục cho ra đời những tiểu thuyết hay và nhiều tác phẩm của anh đã được dịch và in ấn ở Mỹ.Tôi cũng hi vọng vào những hạt mầm văn chương mà những cây bút văn học của chúng ta đang gieo trên cánh đồng màu mỡ của văn hóa và lịch sử Việt Nam. Một nhà văn Mỹ đã nói với tôi rằng: “Ở Mỹ, tôi nhìn quanh và chẳng thấy có gì để viết. Khi sang Việt Nam, trò chuyện với ai, tôi cũng thấy đời họ là một quyển tiểu thuyết đầy kịch tính”.Một điều hơi buồn là vừa qua nhà tài trợ của giải Man Asian đã rút nguồn hỗ trợ vì những khó khăn tài chính. Ban tổ chức giải đang cố gắng tìm kiếm nguồn tài trợ mới cho năm 2013 và các năm sau. Từ năm 2013, tên của giải thưởng sẽ không còn chữ “Man” nữa, vì đang thu xếp nhà tài trợ mới.Văn chương Việt cần những dịch giả tài năng* Liên hệ với trường hợp nhà văn Kim Thúy như chị nhắc đến ở trên, tác giả là người gốc Việt nhưng viết bằng tiếng Pháp chứ không phải tiếng Việt. Chị nghĩ một tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ gốc là tiếng Việt, một ngôn ngữ không phổ biến lắm, có gây khó khăn cho nó khi tiếp cận với độc giả nước ngoài không?- Kim Thúy viết tiếng Pháp vì cô ấy sang Canada và học bằng tiếng Pháp từ khi còn nhỏ. Và thật may mắn, người chuyển ngữ Ru từ tiếng Pháp sang tiếng Anh là dịch giả Sheila Fischman - người đã dịch 150 tiểu thuyết, được trao nhiều giải thưởng dịch thuật danh giá và được chính phủ trao tặng huy chương về những đóng góp xuất sắc cho văn học Canada.Đọc Ru, tôi ước có một dịch giả như Sheila Fishman để chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam. Ngôn ngữ Việt vô cùng phong phú nên việc chuyển ngữ theo tôi thật sự khó khăn, để đảm bảo cho giọng văn của tác giả. Ví dụ như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có lối viết độc đáo tưng tửng của người Nam bộ, nếu dịch không khéo thì văn của Tư bằng tiếng Anh sẽ mất hết duyên. Nhưng không phải là không dịch được.Khi tôi hỏi bạn bè nước ngoài, những người đã đến Việt Nam và sau đó tìm mua Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Những ngôi sao, trái đất, dòng sông của Lê Minh Khuê, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp và Trong sương hồng hiện ra của Hồ Anh Thái, họ nói rằng bản tiếng Anh rất tốt. Vậy nên vấn đề lớn của việc quảng bá văn học Việt Nam chính là dịch thuật.* Lại nói về dịch thuật. Chị là một dịch giả năng động, nhất là ở mảng dịch thơ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài, nhưng dịch văn thì ít, tại sao vậy?- Tôi từng dịch thơ Việt Nam sang tiếng Anh in trên các tạp chí văn học quốc tế, đọc trên đài phát thanh tại Mỹ hoặc được trình bày trong các cuộc giao lưu văn học quốc tế. Hai tập thơ Ký ức mắt đen - tuyển thơ Nguyễn Trọng Tạo và Cánh đồng người - tuyển thơ Trần Quang Quý mà tôi dịch cùng Hillary Watts và Jennifer Fossenbell đã được phát hành.Tôi đến với dịch thuật bằng niềm say mê và nhu cầu bức thiết của giao lưu văn học chứ chưa hề có kinh nghiệm hoặc được đào tạo bài bản. Càng ngày tôi càng nhận ra những khiếm khuyết của mình và quyết định theo học một khóa học văn chương bằng tiếng Anh nhằm nâng cao kỹ năng viết và dịch.Còn dịch tiểu thuyết Việt Nam sang tiếng Anh là một cuộc chạy đường dài mà tôi là người quen với các chặng đua ngắn. Tôi vẫn đang chuẩn bị cho mình kỹ năng và thời gian, tiếc rằng hiện nay quỹ thời gian của tôi quá hạn hẹp.* Cảm ơn chị và chúc chị thành công kể cả trên những “chặng đua ngắn”. Nguyễn Phan Quế Mai là tác giả các tập thơ: Trái cấm, Cởi gió, Những ngôi sao hình quang gánh. Ấn phẩm mới nhất là bản dịch tiểu thuyết Hành trình đến biển sông (ảnh) của Eva Ibbotson do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào tháng 5-2013 trong khuôn khổ Liên hoan văn học châu Âu.Bản gốc tiếng Anh này đã giành được Giải vàng Smarties năm 2001. Chị đại diện cho Việt Nam tham gia một trong những liên hoan thơ lớn nhất thế giới: Liên hoan thơ quốc tế Medelline ở Colombia từ ngày 6 đến 13-7-2013. Tags: Văn họcDịch thuậtNguyễn Phan Quế MaiQuảng bá văn học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.