04/03/2019 06:17 GMT+7

Dịch tả heo châu Phi đã lan ra 7 tỉnh thành, tiêu hủy gần 4.000 con

KHIẾT HƯNG thực hiện
KHIẾT HƯNG thực hiện

TTO - Trong vòng một tháng qua, dịch tả heo châu Phi đã lan ra 7 tỉnh thành ở phía Bắc và đang có nguy cơ lây lan rất cao. Đâu là những giải pháp phòng chống dịch bệnh này?

Dịch tả heo châu Phi đã lan ra 7 tỉnh thành, tiêu hủy gần 4.000 con - Ảnh 1.

Tại những điểm xuất hiện dịch tả heo châu Phi trên địa bàn TP Hải Phòng đều có các chốt phun hóa chất cho các phương tiện ra vào - Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

Tuổi Trẻ trao đổi với ông PHÙNG ĐỨC TIẾN, thứ trưởng Bộ NN&PTNT.

* Thưa ông, vì sao lại nhận định dịch tả heo châu Phi có nguy cơ lây lan nhanh?

- Cả nước hiện đã có Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương có dịch bệnh. Số lượng heo phải tiêu hủy đến ngày 3-3 là 3.925 con. Hiện nay, Hưng Yên tương đối nặng nề, Thái Bình lây lan nhanh.

Bệnh chỉ gây ra đối với heo (không lây nhiễm, gây bệnh ở người) với tốc độ lây rất nhanh nên nguy cơ thiệt hại rất lớn. Heo mắc bệnh không điều trị được, khả năng chết lên đến 100%. Virút gây bệnh có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm của heo, lan truyền qua không khí, thức ăn, nước uống, phương tiện vận chuyển... nên rất phức tạp.

* Đó là những yếu tố khách quan. Thực tế có nhiều nguyên nhân chủ quan cũng đang khiến dịch lan rộng?

- Việt Nam có nhiều cửa khẩu, hàng trăm đường mòn, lối mở nên việc kiểm soát rất phức tạp. Tại một số địa phương, có ngày trên 10.000 lượt người qua lại ở biên giới hai nước. Khách du lịch châu Á có thói quen mang theo thực phẩm chứa thịt heo, nên có thể đưa mầm bệnh vào Việt Nam. Hàn Quốc, Nhật Bản xuất hiện dịch bệnh là do du khách mang xúc xích heo từ nơi có dịch vào.

Dịch tả heo châu Phi đã lan ra 7 tỉnh thành, tiêu hủy gần 4.000 con - Ảnh 2.

Ông Phùng Đức Tiến - Ảnh: VIỆT DŨNG

Hoạt động thương mại, giết mổ, vận chuyển thịt heo rất lớn. Chúng ta còn gần 50% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh làm không tốt. Những nơi xuất hiện dịch vừa qua chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cách ly không tốt nên rất dễ lây lan. Thời tiết mùa này lại ẩm thấp, mưa phùn, là điều kiện cho virút xâm nhiễm.

* Vai trò của cơ quan thú y ở đâu trong thời gian qua khiến dịch bệnh lây lan nhanh như vậy, thưa ông?

- Từ cuối năm 2018, nhiều địa phương đã sáp nhập cơ quan thú y và bảo vệ thực vật thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp nên việc triển khai phòng chống dịch bệnh bị trì trệ, không hiệu quả, nhiều bất cập. Không có đủ người nên không chủ động giám sát kịp thời dịch bệnh. Không có chân rết trong khi chống dịch bệnh phải như cứu hỏa.

Việc quản lý sản phẩm heo và thịt heo ở những điểm xuất phát dịch bệnh chưa triệt để. Chế độ cho người phòng chống dịch 50.000 đồng/ngày nên huy động rất khó. Phương tiện trang thiết bị cũ, đã hỏng. Mua hóa chất phòng chống dịch phải đấu thầu, không được chỉ định thầu nên mất thời gian, nhất là khi dịch xảy ra ở phạm vi rộng. Đấy là những bất cập cần tháo gỡ.

Chúng tôi cũng kiến nghị các địa phương đã sáp nhập cơ quan thú y với các ngành nghề khác cần kiện toàn lại theo quy định của Luật thú y.

* Có phải vì mức hỗ trợ tiêu hủy thấp, người dân đem heo bệnh đi bán khiến dịch bệnh càng có nguy cơ lây lan?

- Giá heo 45.000-50.000 đồng/kg nhưng mức đền bù chỉ 38.000 đồng/kg, nhiều tỉnh chỉ hỗ trợ được 27.000 đồng/kg. Thủ tục lại lằng nhằng, vài tháng sau mới lấy được nên người dân bán hết heo bệnh.

Bộ đã kiến nghị Thủ tướng đưa vào nghị quyết thường kỳ của Chính phủ cho phép hỗ trợ tối thiểu 80% giá thị trường đối với heo thịt, heo con và tăng gấp 1,5-1,8 lần đối với heo nái, heo đực giống buộc phải tiêu hủy. Kinh phí sẽ lấy từ quỹ phòng chống thiên tai của các địa phương.

* Theo ông, cần làm gì nữa để ngăn chặn ngay dịch bệnh?

Từ tháng 8-2018, khi dịch bệnh có khả năng lây lan vào Việt Nam, bộ đã tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị với các bộ ngành, địa phương có dịch bệnh. Lãnh đạo bộ trực tiếp đến các địa phương có dịch bệnh để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống.

Ngoài vấn đề kinh phí hỗ trợ, chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lậu heo, sản phẩm heo. Các tỉnh phải có kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện, đồng thời phải chịu trách nhiệm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm, lây lan trên diện rộng.

Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng các giải pháp về kinh phí, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để tổ chức triển khai, phòng chống dịch tả heo châu Phi và các bệnh khác ở động vật.

Công tác thông tin, truyền thông cũng rất quan trọng để người dân không hoang mang, bình tĩnh xử lý, không bán tháo, bán chạy heo bệnh, không quay lưng với thịt heo.

* Về lâu dài thì sao, thưa ông?

- Mặc dù bệnh được phát hiện tại Kenya (châu Phi) từ năm 1921 nhưng thế giới vẫn chưa tìm được văcxin phòng bệnh. Song không thể vì thế mà chúng ta không nghiên cứu. Chúng tôi sẽ cùng Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Y tế triển khai nghiên cứu dịch tễ học, xử lý các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, nghiên cứu kit chẩn đoán nhanh và nghiên cứu sản xuất văcxin.

Bộ cũng sẽ đề nghị các tổ chức quốc tế xem xét, hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch, ứng dụng khoa học - công nghệ để đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

* Ông có lo ngại các địa phương sẽ giấu dịch hay không?

- Việc giấu dịch chắc sẽ có, không tránh được. Đấy là lý do chúng tôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phát hiện, giám sát chặt chẽ việc ra vào khu vực có dịch, ngăn chặn việc vận chuyển heo bệnh, xử lý triệt để khi phát hiện dịch bệnh. Hôm phát hiện heo mắc bệnh ở Hưng Yên, khi kiểm tra, nhìn bệnh tích, tôi chỉ đạo phải tiêu hủy ngay trong đêm dù chưa có kết quả xét nghiệm.

Tôi tin qua thông tin tuyên truyền, người dân sẽ nâng cao được ý thức, không vì lợi ích cá nhân. Khi có mức hỗ trợ hợp lý, người dân sẽ không bán heo bệnh, mà đem tiêu hủy.

Thủ tướng họp trực tuyến chỉ đạo chống dịch tả heo

kiem tra thuc dia (1)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng ngày 2-3 - Ảnh: TIẾN THẮNG

Bộ NN&PTNT cho biết hôm nay 4-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành bàn thêm các giải pháp cấp bách chống dịch tả heo châu Phi.

Thủ tướng cũng sẽ nghe báo cáo tình hình phòng chống dịch, kiến nghị cụ thể của các địa phương, đặc biệt là giải pháp chống lây lan vào phía Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, các kiến nghị theo hướng tăng mức hỗ trợ với trường hợp heo bị dịch, hạn chế việc vận chuyển heo ra vào vùng dịch… đang được Chính phủ xem xét.

Tính đến chiều 3-3, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 202 hộ nuôi của 7 tỉnh thành và đang diễn biến khó lường, do tình trạng heo vận chuyển liên tỉnh nhiều vì chênh lệch giá.

NGUYỄN TRÍ

Báo động dịch tả heo châu Phi: không hỗ trợ phù hợp sẽ lây lan rất cao

TTO - Ngày 1-3, Bộ NN&PTNT trình Chính phủ sửa đổi nghị định 02/2017 về cơ chế hỗ trợ người dân có heo bị mắc dịch tả châu Phi với mức hỗ trợ tương đương 70% giá thị trường, nhằm khuyến khích người dân tự giác báo tiêu hủy khi đàn heo bị mắc dịch.

KHIẾT HƯNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên