Một bệnh nhân bị tả đang được chăm sóc tại bệnh viện ở Sanaa, Yemen hôm 6-5 - Ảnh: REUTERS |
Theo WHO, từ 27-4 đến 7-5, hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh tả và tiêu chảy cấp được ghi nhận ở 9 tỉnh, trong đó có thủ đô Sana'a. 34 ca đã tử vong.
Những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất gồm Amran, Hajjah, Al-Dhale', Taiz và Ibb, theo Tổ chức thầy thuốc không biên giới (MSF). Tổ chức này cũng cảnh báo dịch bệnh có thể vượt ngoài tầm kiểm soát.
MSF cho biết các nhóm điều trị của họ đã nhận điều trị cho hơn 780 bệnh nhân tại 5 bệnh viện và các cơ sở y tế khác trên cả nước, và hiện họ rất lo ngại về diễn biến của dịch bệnh.
"Chúng tôi rất quan ngại rằng dịch bệnh sẽ tiếp tục lan rộng và vượt ngoài tầm kiểm soát", ông Shinjiro Murata, trưởng phái đoàn của MSF tại Yemen, nói. Ông cũng kêu gọi quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo để giúp hạn chế dịch bệnh lây lan.
Theo RT, đây là lần thứ hai dịch tả bùng phát trên phạm vi rộng chỉ trong vòng chưa đầy một năm ở Yemen. Trước đó trong khoảng thời gian từ tháng 10-2016 đến tháng 3-2017, nước này ghi nhận khoảng 23.506 trường hợp mắc bệnh tả, trong đó có 108 ca tử vong.
Theo đánh giá của WHO, khoảng 7,6 triệu người Yemen đang sống trong các khu vực có dịch tả và nguy cơ mắc bệnh là rất cao.
Trong khi đó, với chỉ 45% cơ sở y tế còn hoạt động, Yemen khó ứng phó nổi dịch tả do thiếu trang thiết bị, thuốc men và nhân viên.
Yemen là nước nghèo nhất ở vùng Ảrập. Nội chiến liên miên và các cuộc không kích do Saudi Arabia dẫn đầu đã tàn phá nặng nề nước này.
Trong hai năm qua kể từ khi Saudi Arabia can thiệp quân sự, hơn 102.000 người đã bị giết chết tại Yemen, ít nhất 40.000 người khác bị thương trong khi hơn 3 triệu người mất chỗ ở.
Bệnh tả, gây tiêu chảy nặng và ói mửa nghiêm trọng, thường bùng phát ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém. Hầu hết người dân bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm. Nếu không điều trị hiệu quả, bệnh có thể dẫn đến tử vong. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận