Bác sĩ Nguyễn Xuân Chính (Bệnh viện 108) thăm khám bệnh cho hai chị em cùng bị sốt xuất huyết - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Từ một tháng trở lại đây, khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ (Hà Nội) đã có 5 người phải nghỉ bệnh nhưng do tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) căng thẳng nên các y, bác sĩ này vẫn phải khắc phục sớm, tỉnh táo một chút là đi làm luôn.
Tuy nhiên, vẫn còn hai y tá bị sẩy thai, bị sinh non chưa thể đi làm lại.
Gãy chân cũng phải đi làm
Các y tá, bác sĩ phải choàng gánh thêm việc cho những người nghỉ ốm trong khi áp lực quá tải người bệnh SXH luôn thường trực.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa cấp cứu, cho biết suốt một tháng nay các y bác sĩ trong bệnh viện nói chung phải làm thông (làm suốt tất cả các ngày trong tháng, không có ngày nghỉ trực hay ngày nghỉ trong tuần), đi sớm về muộn, ăn uống không đúng giờ.
Đã có người bị gãy chân nhưng vẫn phải đi làm do không có nhân lực. Các y, bác sĩ phải tạm hoãn kỳ nghỉ, chăm sóc nhà cửa, con cái, dành hết cho việc chăm sóc người bệnh trong bệnh viện...
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh - phó trưởng khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hà Đông - cho biết tình trạng làm việc thông, không có ngày nghỉ để điều trị người bệnh SXH diễn ra từ tháng 5 cho đến nay.
Trong khi nhân lực của bệnh viện mỏng, chỉ có 6 bác sĩ, trong đó có 2 người tham gia công tác sàng lọc nên thực tế chỉ có 4 người điều trị cho 100 người bệnh mỗi ngày, có thời điểm điều trị cho 110 - 120 người bệnh. Làm việc căng thẳng nhưng hiện chưa có thêm chế độ gì.
Thời tiết xấu, khó giảm muỗi, lăng quăng
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện số ca SXH trong cộng đồng không còn tăng nhưng chưa thể đánh giá thêm vì mới chỉ qua một tuần cao điểm dập dịch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết công tác phòng dịch tại Hà Nội đang gặp trở ngại vì tình hình thời tiết xấu, mưa gió nhiều suốt mấy ngày qua.
"Vừa đổ nước có ổ bọ gậy (lăng quăng) đi thì trời lại mưa làm đầy nước, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển, đẻ trứng nở thành bọ gậy"- ông Hạnh nói.
"Mưa kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến công tác phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Nếu phun hóa chất bằng máy phun công suất lớn từ ngoài đường chĩa vào khu vực chợ, trường học sau khoảng 1-2 tiếng hóa chất lơ lửng trong không khí vẫn có hiệu quả diệt muỗi nhưng nếu mưa ngay thì trôi hết hóa chất. Công tác phòng dịch đang hết sức khó khăn".
Ông Hạnh cũng cho biết phòng chống SXH hiện nay chủ yếu vẫn là diệt bọ gậy và chống muỗi đốt, nhưng chỉ một ngành y tế không một mình làm được mà cần sự ủng hộ của các cấp các ngành và đặc biệt là người dân.
Trong khi đó, các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ cho biết đã tìm thấy những ổ bọ gậy ở những khay chứa nước đằng sau tủ lạnh, trong thùng inox chứa nước... Các chuyên gia khuyến cáo người dân phải kiểm tra từng ngóc ngách trong nhà, ngoài sân vì chỉ cần một chén nước để lâu ngày cũng có thể là ổ bọ gậy.
Chú ý lây nhiễm chéo
Tại buổi họp với Sở Y tế mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhiều lần nhấn mạnh: "Phải sàng lọc, phân loại bệnh nhân tránh tình trạng quá tải, nằm ghép, dồn ứ một nơi dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo” - bà Tiến nói. Phường Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội) cách đây hai tuần đã ghi nhận một trường hợp bị SXH liên tục trong thời gian ngắn do nhiễm hai chủng virút khác nhau. Người bệnh nữ, sinh năm 2007, từng điều trị SXH ở Bệnh viện Hà Đông sau đó được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Sau khi điều trị khỏi, ra viện thì 10 ngày sau bệnh nhân nữ này lại tiếp tục nhập viện vì SXH. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận