13/03/2020 10:38 GMT+7

Dịch làm khó gấp đôi, chúng ta phải cố gắng gấp ba

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp 3. Sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện nhưng sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều.

Dịch làm khó gấp đôi, chúng ta phải cố gắng gấp ba - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò của kinh tế tư nhân - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân vào ngày 12-3 nhằm lắng nghe những sáng kiến, hiến kế của các doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng toàn cầu, đồng thời chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp. 

Dưới đây là một số nội dung mà Thủ tướng đã đặt hàng cùng doanh nghiệp và cam kết các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan liên quan để giúp doanh nghiệp “cố gắng gấp 3”.

Nhiều đòi hỏi cao hơn

* Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện thể chế và có những kịch bản ứng phó với tình hình mới một cách phù hợp, không để đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, doanh nghiệp đình đốn.

* Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển.

* Các địa phương trong cả nước phải có những biện pháp như chúng ta đang làm hiện nay để tháo gỡ trực tiếp, chứ không phải chỉ có Chính phủ.

* Chống dịch, chống suy thoái xã hội, đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, chống thất nghiệp, bảo đảm kinh tế vĩ mô là những yêu cầu đặt ra, chứ không phải tập trung riêng một khía cạnh nào.

Cam kết hỗ trợ doanh nghiệp

* "Tôi vừa nói với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng là giảm lãi suất và chúng ta sẽ tiếp tục kích cầu nền kinh tế với những gói phù hợp, nhưng luôn luôn nhớ rằng phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đấy là cái tiền đề rất quan trọng, chứ không phải phát triển làm phá vỡ hệ thống của chúng ta".

* Chúng ta sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn - hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19. Sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều. Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu.

* Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 phòng dịch chặt chẽ nhưng linh hoạt, không cứng nhắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam, kể cả thủ tục về thị thực nhập cảnh và những biện pháp cách ly phù hợp.

Đặt hàng với doanh nghiệp

* Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp 3. Chính các bạn, những nhà đầu tư, những doanh nghiệp phải thúc đẩy quá trình ấy bằng trí tuệ, nghị lực của mình.

* Các doanh nghiệp có các kịch bản để bảo đảm hoạt động doanh nghiệp liên tục, không bị gián đoạn vì bất cứ tình huống nào.

* Tôi đã nhận được một số thông tin cho rằng một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... sẽ sớm phục hồi sản xuất rất nhanh, do đó chúng ta phải đón bắt thời cơ này, như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ.

* Tôi đã tuyên bố bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực cho nhân dân, không để thiếu hàng, tăng giá. Quý vị - các doanh nghiệp - cũng phải đóng góp cho vấn đề này.

* Các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận.

Liên quan đến buổi làm việc của Thủ tướng, Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến đóng góp của một số doanh nghiệp:

* Bà Hồ Ngọc Yến Phương (phó tổng giám đốc Vietjet):

Giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay

Doanh nghiệp rất tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 và bản thân doanh nghiệp cũng đã có kịch bản ứng phó. Chẳng hạn, Vietjet đã khởi động ủy ban khẩn cấp phòng chống dịch vào ngày 21-1, góp một phần trách nhiệm của mình để giải quyết phương tiện đi lại tuyệt đối an toàn cho hành khách, kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tập trung cho ngành hàng không, du lịch, là gói tín dụng ưu đãi giảm phí như phí cầu cảng, phí hạ cánh; các khoản thuế như thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu xăng hiện nay là 3.000 đồng, chiếm tỉ lệ lớn trong chi phí giá thành. Có chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử...

* Ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn thực phẩm Massan):

Thúc đẩy thương mại điện tử

Đây là thời điểm thúc đẩy thương mại điện tử. Các nhà máy của tập đoàn đang chạy hết công suất để bảo đảm cung ứng thực phẩm cho người dân.

Tập đoàn có kế hoạch để làm sao ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà mua hàng mà không cần trực tiếp đến siêu thị. Ngoài ra, vấn đề ổn định tâm lý người dân cần được đặt lên hàng đầu nhằm có chính sách tuyên truyền phù hợp.

* Ông Trần Bá Dương (chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO):

Trong khó khăn vẫn có nhiều cơ hội

Các địa phương cũng cần học tinh thần của Thủ tướng, mời các doanh nghiệp đến lắng nghe ý kiến, hiến kế, vừa về biện pháp chống dịch vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.

Sự đồng hành, chia sẻ giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh có dịch bệnh. Trong khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, trong đó có nông nghiệp. Vì thế, THACO đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực này.

* Bà Nguyễn Thị Nga (chủ tịch Tập đoàn BRG):

Cần gói kích cầu tiêu dùng trong nước

Thị trường nội địa rất quan trọng, vì vậy cần có gói kích cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là kích cầu du lịch.

Chính phủ cần có gói vay ưu đãi lãi suất thấp, giãn nợ vay ngân hàng 1-2 năm thay vì 3-6 tháng. Ngoài giãn thời hạn nộp thuế VAT, tiền thuê đất, cần giải quyết thủ tục thuê đất nhanh chóng cho doanh nghiệp...

NGỌC AN

Thủ tướng gọi điện động viên cộng đồng doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19 Thủ tướng gọi điện động viên cộng đồng doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19

TTO - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết ông nhận được cuộc gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cộng đồng này “tham chiến” mạnh mẽ, vượt khó trong đại dịch.

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên