Khi nhận giải thưởng Phan Châu Trinh về dịch thuật năm 2018, dịch giả Nguyễn Tùng tự nhận xét mình là một “dịch giả tài tử”, một người “dở dở ương ương”. Nhưng những ai biết đến các cuốn sách nhân học do ông dịch đều kinh ngạc trước sức làm việc như không biết mệt mỏi của ông. Dịch giả Nguyễn Tùng tại chùa Tây Phương (Hà Nội) tháng 3-2018. Ảnh: NVCC Nhiều lúc chúng ta như “ếch ngồi đáy giếng” Thưa dịch giả Nguyễn Tùng, khi đọc các tác phẩm dịch của ông, tôi tự hỏi từ đâu mà ông quan tâm và say mê ngành nhân học đến vậy? - Năm 1963, sau khi đậu “tú tài”, tôi được học bổng sang Paris học môn sử ở Đại học Sorbonne. Nhưng vì không biết tiếng Latin vốn rất cần cho môn cổ sử của Pháp, tôi đã chuyển sang học xã hội học, nhân học và triết học. Sau năm 1975, do không thể nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam vì đòi hỏi phải tiến hành các cuộc điều tra mà Nhà nước ta lúc đó chưa cho phép, tôi đã nghiên cứu theo phương pháp nhân học, chủ yếu dựa trên sự quan sát gắn liền với sự tham gia mà nhà nhân học Ba Lan nổi tiếng Bronislaw Malinowski đã áp dụng từ năm 1916. Ông ấy nghiên cứu người Melanesia bằng cách chia sẻ trong nhiều năm lối sống của họ và tham gia các sinh hoạt của họ nên được họ chấp nhận. Để quan sát xã hội theo phương pháp nhân học, giới nghiên cứu có thể làm việc hoàn toàn độc lập mà không phải xin phép chính quyền. Theo tôi biết, một trong những nhà nhân học mà ông rất khâm phục là Claude Lévi-Strauss vì ông bảo khi đọc những tác phẩm của nhà nhân học này, ông thấy mình như bỗng dưng “thông minh ra”. Tôi rất tò mò muốn được nghe ông tâm sự về một khoảnh khắc “thông minh ra” như thế. - Tất cả chúng ta đều biết Claude Lévi-Strauss là cha đẻ của thuyết cấu trúc trong nhân học và đây là một thuyết rất khó hiểu. Tuy thế, nhờ lối văn uyển chuyển, chính xác và trong sáng, ông giúp người đọc có đủ kiên nhẫn từng bước “chứng ngộ” được những phát hiện của ông. Chẳng hạn trong cuốn Định chế tôtem hiện nay, ông cho rằng định chế này thực ra chỉ là một ảo tưởng của môn dân tộc chí (ethnographie) do lầm lẫn về mức độ. Ảo tưởng về tôtem dường như đã là một phương tiện cho phép người da trắng phương Tây của thế kỷ 20 tự cảm thấy họ hoàn toàn khác với những người “hoang dại” (sauvage). Theo Lévi-Strauss, việc phát hiện “định chế tôtem” cũng giống như việc phát hiện bệnh “cuồng loạn” vào cuối thế kỷ 19 vậy. Anh nhớ là thời ấy, nhà thần kinh học Pháp Jean-Martin Charcot cho rằng người mắc bệnh này hoàn toàn khác với người bình thường. Và nó cũng giống với việc có người cho rằng lối vẽ của nhà danh họa El Greco - với những hình khối được kéo dài ra - là vì nhãn cầu của ông ta bị dị tật bẩm sinh, chứ không phải vì ông ta đã sáng lập ra một trường phái hội họa mới. Bìa cuốn sách "Định chế tôtem hiện nay" bản tiếng Việt và tiếng Pháp. Đến đây, tôi bỗng dưng nhớ đến một nhà tư tưởng nổi tiếng khác, Jean - Paul Sartre. Tất cả những người đam mê triết học đều biết đến thuyết hiện sinh mà Jean - Paul Sartre là một trong những người đã lập ra. Lévi-Strauss phê phán thuyết này và như thế đã hạ bệ một thần tượng của giới tinh hoa học thuật Pháp. Tôi nghĩ sự phê phán này nhắc nhở chúng ta rằng: tinh thần phê phán khoa học là điều kiện tối quan trọng để triết học phát triển phải không, thưa ông? - Sau khi xuất bản cuốn Tồn thể và hư vô (L'Être et le Néant) năm 1943, Jean-Paul Sartre đã trở thành thần tượng của rất nhiều nhà trí thức thiên tả ở Pháp, đúng như anh nói. Nhưng trong chương cuối của cuốn Tư duy hoang dại (La Pensée sauvage), Claude Lévi-Strauss đã tấn công trực diện vào triết học về lịch sử và chủ nghĩa duy lịch sử của Jean-Paul Sartre. Ông chất vấn Sartre: “... Ta có thể làm gì về các dân tộc “không có lịch sử” [tức những dân tộc hoang dại] khi ta định nghĩa con người bởi biện chứng và định nghĩa biện chứng bởi lịch sử?”. Và ông ấy khẳng định: “Trong hệ thống của Sartre, lịch sử rõ ràng đóng vai trò của một huyền thoại”. Quay lại xã hội Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại, có phải chúng ta thiếu một tinh thần phê phán khoa học, giống như những gì đã diễn ra giữa Sartre và Lévi-Strauss hay không? Và có phải vì thế mà phải thừa nhận với nhau rằng dân tộc chúng ta rất yếu về triết học không? - Đúng như anh băn khoăn, so với phương Tây và gần hơn với các nước Hán hóa lâu đời như Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc, Việt Nam rất yếu về triết học. Phải chăng vì người Việt mình ít nỗ lực suy tư đến nơi đến chốn và nhất là thiếu “tinh thần phê phán khoa học” như nhận định vừa rồi của anh. Được biết là ông đã dịch hầu hết truyện cười Việt Nam sang tiếng Pháp, qua đó ông đã đưa những Trạng Quỳnh, Trạng Lợn... ra nước ngoài. Theo ông, có thể gọi tên lối tư duy của những Trạng Quỳnh, Trạng Lợn... là gì? - Theo tôi, những truyện cười về Trạng Quỳnh tiếp sứ Tàu hay về Trạng Lợn đi sứ Tàu rất có ý nghĩa. Chúng được xây dựng trên mô hình Mạc Đĩnh Chi hay Giang Văn Minh đi sứ Trung Quốc. Chúng phản ánh tâm thái “ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung” của người Việt thời xưa. Trong một chừng mực nào đó, hai giai thoại về việc Cao Bá Quát tự cho mình chiếm hai bồ chữ của cả thiên hạ và về hai câu thơ “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán / Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường” của vua Tự Đức cũng phản ánh “tâm thái” đó. Nghĩa là thay vì phản biện nhau trên cơ sở khoa học luận, có vẻ chúng ta lại ca ngợi, tâng bốc nhau và trong một vài trường hợp thực sự là đã “tâng” hơi quá? - Theo tôi nghĩ, chừng nào người Việt Nam ta chưa từ bỏ tâm thức đó và chừng nào chúng ta chưa khuyến khích người dân tham gia thảo luận công khai về các vấn đề quan trọng của xã hội, của đất nước thì chừng đó Việt Nam vẫn đứng dưới các nước trong khu vực. Qua các truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn..., ta thấy người Việt xưa, cũng như nhiều dân tộc khác, rất thích loại nhân vật lanh lợi, ranh mãnh và thậm chí láu cá. Riêng tôi cũng rất thích Trạng Quỳnh, nhưng tôi nghĩ dường như ông trạng đáng mến này không đủ sức bàn về những vấn đề lớn như “kinh bang tế thế”, “tự do, dân chủ”, “thân phận con người”. Sinh viên Việt Nam thiếu hụt quá nhiều Cứ nói chuyện học thuật mãi dễ khiến bạn đọc đau đầu. Bây giờ tôi muốn hỏi vào những năm 1960, khi lần đầu sang Pháp du học, ông đã “vỡ” ra những vấn đề nghiêm trọng nào? - Năm 1963, khi học lớp dự bị đại học ở Sorbonne, tôi tự thấy trình độ hiểu biết của mình về sử quá kém so với các sinh viên Pháp cùng học, dù ở Việt Nam tôi học không quá kém. Thế là tôi mua ngay bộ giáo trình trung học nổi tiếng về sử của Malet et Isaac dày đến hơn 2.000 trang để đọc ngấu nghiến trong vài tháng, mong theo kịp các sinh viên cùng lớp. Nhưng có lẽ vì đọc quá nhiều sách báo trong một thời gian quá ngắn, tôi đã không tiêu hóa tốt những tri thức mà mình đọc. Nói cách khác, chúng chưa thấm sâu vào trong óc tôi. Và tôi đã rất tiếc là không có được các sách giáo khoa nghiêm túc về sử - địa, triết học bằng tiếng Việt và các cuốn sách hay để nghiền ngẫm ở trung học. Từ đó, nạn thiếu sách hay để đọc khi còn trẻ ở Việt Nam cứ ám ảnh tôi hoài. Sự ám ảnh đó phần nào đã dẫn tôi đến việc dịch sách sau khi về hưu. Thời bây giờ, theo quan sát của tôi, chúng ta có không ít dịch giả, không ít những cuốn sách lớn được chuyển ngữ từng năm. Nhưng những dịch giả về nhân học, triết học có tầm cỡ thì thực sự chỉ đếm được trên đầu ngón tay... - Từ lâu, tôi vẫn nghĩ chừng nào Việt Nam chưa dịch được hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, cuốn sách được xem là tinh hoa của thế giới về triết học, nhân học, xã hội học... thì chừng đó Việt Nam chưa có được một nền đại học đúng nghĩa về khoa học xã hội và nhân văn. Tôi nghĩ như vậy trước hết là dựa vào kinh nghiệm của chính bản thân. Do thiếu nghiêm trọng các sách báo khoa học nghiêm túc bằng tiếng Việt, do không đủ trình độ ngoại ngữ, đa số sinh viên Việt Nam về khoa học xã hội và nhân văn đều khó đọc thẳng các sách được xem là tinh hoa của thế giới nên không thể theo kịp sinh viên của những nước tiên tiến, dù xét về trí tuệ họ chẳng kém gì. Chính vì thế mà cần phải dịch nhiều sách hay để sinh viên trong nước có thể tham khảo. Tôi rất mừng khi biết Nhà xuất bản Tri Thức được lập ra để làm công việc này, nên tôi đã hăng hái tham gia dù tự biết là chưa đủ sức, vì công việc dịch các sách về triết học, xã hội học, nhân học là vô cùng khó khăn. Để lao vào việc dịch mảng sách rất “khó nhằn” này, theo ông, một dịch giả phải đảm bảo những điều kiện nào? - Theo tôi, một người dịch tốt phải thỏa mãn ít nhất bốn điều kiện: Một là, phải quen viết bài hay viết sách bằng tiếng Việt. Hai là, phải nắm vững ngôn ngữ được dùng để viết cuốn sách mà mình dịch. Ba là, phải đạt đến một trình độ hiểu biết nào đó về chuyên ngành của cuốn sách. Không thể nào dịch một cuốn sách triết mà không biết gì về triết học. Và bốn là, phải có một văn hóa tổng quát khá sâu và khá rộng. Riêng các môn như triết học, xã hội học, nhân học..., người dịch cần nắm vững tiếng Hán Việt để có thể tạo từ khi cần và nhất là để dùng từ cho đúng. Tôi cũng không thể không nói đến điều nghịch lý sau đây: dù có quan hệ trực tiếp trong nhiều thập kỷ với hai nền văn hóa và khoa học hàng đầu thế giới là Pháp và Mỹ, nhưng việc dịch thuật của Việt Nam phải nói là thua xa các nước Hán hóa khác, nhất là Nhật Bản và Trung Quốc. Đó là một điều mà bất cứ ai quan tâm đến việc “khai dân trí” mà Phan Châu Trinh đã nói đến cách đây hơn một thế kỷ đều không thể không băn khoăn. Chúng ta phải giải quyết băn khoăn này bằng cách nào? - Phải chăng Nhà nước chúng ta cần phải có một “quốc sách” về vấn đề này? Tôi xin lỗi đã dùng từ có phần “đao to búa lớn” này, nhưng đúng là đã đến lúc phải như thế. Việt Nam cần rất nhiều dịch giả nghiêm túc, trẻ khỏe và nhất là chuyên nghiệp, tức là có thể sống được với nghề này. Dựa trên nhuận bút đã nhận, tôi tính ra một ngày dịch sách nghiêm túc chỉ được khoảng 5 euro, tức chưa bằng nửa giờ lao động của bà Bồ Đào Nha lau nhà giúp tôi. Một người có đủ trình độ để dịch sách mà chỉ thu được khoảng 100 euro mỗi tháng thì thực là thấp quá. Với đồng lương đó thì làm sao sống được? Nếu họ phải dịch bừa để kiếm sống thì đừng dịch còn hơn, vì quá nguy hiểm cho người đọc. Bản tiếng Pháp Hãy đọc thật nhiều và thật sâu Còn một khía cạnh nữa quan trọng không kém, theo quan sát của tôi, cứ hễ nói đến “triết học” là rất nhiều sinh viên Việt Nam lại rùng mình sợ hãi. Tôi cho là vì trong phần lớn trường đại học ở ta triết học được dạy theo kiểu áp đặt và khô cứng, không hề phản biện. Thành thử một môn lẽ ra rất hay lại trở thành rất đáng sợ, lẽ ra đầy tính tranh biện lại thành một cái gì đó rất một chiều. Ông có chung suy nghĩ như tôi không? Tôi rất muốn biết ở Pháp nói riêng và các nước phương Tây nói chung, người ta dạy triết học cho sinh viên theo cách nào? - Theo kinh nghiệm học tập của tôi ở Đại học Sorbonne (Paris), tuy tôi được may mắn theo học các giáo sư nổi tiếng của Pháp nhưng các vị ấy cũng chỉ trang bị cho tôi một số tri thức và khái niệm cơ bản, nhờ đó tôi có thể đọc được những cuốn sách quan trọng nhất của chuyên ngành. Trong giờ đầu tiên của năm học, các trợ giáo thường cung cấp cho sinh viên một thư mục với khoảng vài chục cuốn sách nhất thiết phải đọc và hàng trăm cuốn sách nên đọc, rồi để cho sinh viên tự nguyện chọn cuốn sách mà họ ham thích để làm thuyết trình. Sinh viên hoàn toàn có quyền trình bày các ý kiến khác với giáo sư, miễn là chúng được dựa trên sự lý luận và các luận cứ vững vàng. Ông có thể đưa ra một lời khuyên nào đó để các bạn trẻ Việt Nam có thể tìm đến với những môn khoa học cốt lõi, như triết học, nhiều hơn? - Tôi có học triết học nhưng không chuyên về môn này. Hơi cường điệu một chút, tôi tự xem mình trước hết là một “nhà thơ” vì đã xuất bản được hơn trăm bài, nhưng chưa tìm ra bạn tri âm (cười...) và sau đó là nhà “nhân học” vì tôi sống nhờ nghề này. Như ta biết, nhiều nhà nhân học lớn như Marcel Mauss, Claude Lévi-Strauss... vốn là những nhà triết học (Lévi-Strauss đậu thạc sĩ triết học năm 1931 cùng với nữ triết gia nổi tiếng Simone Weil), nhưng vì thất vọng với truyền thống tư biện quá trừu tượng của triết học phương Tây và lối dạy triết vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, họ đã chuyển sang xã hội học, nhân học. Với các bạn trẻ tìm đến với nhân học, triết học hay bất cứ môn nào khác, tôi nghĩ (chứ không dám “khuyên”) họ nên cố nắm vững ít nhất một ngoại ngữ để có thể đọc thẳng các cuốn sách lớn của nhân loại, thật nhiều và thật sâu. Cảm ơn ông! ■ Bìa cuốn sách "Tư duy hoang dại" bản tiếng Pháp. Nếu tôi còn đủ sức... “Từ lâu, tôi đã định là sau khi dịch cuốn Định chế tôtem hiện nay để làm quen với lối viết của Lévi-Strauss, tôi sẽ tấn công vào dịch cuốn Tư duy hoang dại nếu còn đủ sức và còn đủ can đảm để làm. Nhưng đến nay, tôi vẫn cứ lần lữa mãi vì ngại làm không xuể. Tôi định viết một cuốn sách nhỏ để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam sự nghiệp khoa học của Claude Lévi-Strauss, chủ yếu dựa trên lời giới thiệu đã đăng trong cuốn Định chế tôtem hiện nay (Nxb Tri Thức, 2017). Ngoài ra, tôi cũng đang tập hợp các bài nghiên cứu của tôi vốn được đăng bằng tiếng Pháp về làng xã, ẩm thực, truyện cười và văn hóa Việt để viết lại bằng tiếng Việt, rồi cho xuất bản ở trong nước thành bốn hay năm cuốn sách”. Dịch giả Nguyễn Tùng Tags: Dịch thuậtDịch giả Nguyễn TùngCác định chế totemClaude Lévi StraussMarcel MaussTư duy hoang dại
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.