Phóng to |
Trẻ em mang ghẻ đầy người |
Sống chung với ghẻ
Ngồi trước cửa ngôi nhà gỗ ngay đầu thôn 5 (xã Ba), hai đứa trẻ 8 tuổi và 4 tuổi cứ kéo áo, kéo quần lên để gãi sồn sột. Chỉ sau một lúc gãi, những nốt ghẻ trên người hai đứa nhỏ bắt đầu sưng đỏ và rướm máu. Lê Thanh Hà và Lê Thị Bích Phượng đều là con của phó trưởng thôn Ba - ông Lê Thanh Hải. Dù mới mấy tuổi đầu nhưng căn bệnh ghẻ đã đeo đuổi mấy đứa con của ông Hải gần một năm nay.
“Tui đã vô rừng lấy lá về đắp, xuống trạm xá lấy thuốc tây về xức rồi mua cả thuốc bắc về nấu cho tụi nhỏ uống mà vẫn không hết. Càng ngày nó lan ra càng nhiều, mới hôm trước thấy nổi nốt ở tay, hôm sau đã thấy đầy nách, lưng, bụng… không biết làm chi nữa” - ông Hải buồn rầu nói. Cũng vì bị ghẻ lở nên Hà và Phượng ít khi ra ngoài đường mà chỉ ở trong nhà ngồi gãi cả ngày. Theo ông Hải, không riêng gì nhà ông mà cả thôn này có đến mười mấy người bị ghẻ nhưng nhẹ hơn.
Dọc các thôn Dốc Kiền, Tà Lâu, Phú Son… dịch ghẻ cũng đang bùng phát dữ dội. Chỉ tay về mấy đứa cháu đang chơi trước sân nhà ở thôn Dốc Kiền, chị Mạc Thị Việt (bí thư Đoàn xã Ba) lẩm nhẩm: “Cả ba đứa đều đang bị bệnh ghẻ cả. Tội nghiệp chúng lắm, nhất là buổi trưa hay buổi tối là ngứa ghê lắm. Hai tay cứ cào cấu vô người cho đã thôi. Ngay con tui cũng bị ghẻ cả năm trời, nhưng nhờ thuốc thang, kiêng cữ nên giờ chỉ còn sẹo thôi”.
Chị Việt cũng cho biết không hiểu vì lý do gì có đợt cả làng Dốc Kiền này mấy chục nóc nhà đều bị ghẻ lở. Thấy mọi người chưa tin lắm, chị Việt gọi hai đứa cháu là Lê Văn Trong (5 tuổi) và Lê Thị Diệu (4 tuổi) đến bên và kéo áo lên, những đám da xám xịt do bị cào cấu nhiều đã đen lại, còn những nốt mụn mọng nước khác lại mọc lên đầy các kẽ tay. “Thằng lớn đang học mẫu giáo mà chẳng thiết học nữa vì lúc nào cũng ngứa ngáy trong người. Nó toàn ở nhà chơi với em và mấy đứa trong xóm thôi” - chị Việt tâm sự.
Ghẻ lở ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của các gia đình ở đây, nhưng đau đớn hơn là cách đây vài ngày, có trường hợp cháu Lê Văn Quyết (1 tuổi) con của anh Lê Văn Lợi ở thôn Dốc Kiền bị ghẻ lở toàn thân làm cháu khóc ré suốt ngày và đổ bệnh. Khi đến nhà anh Lợi được hàng xóm cho biết đã đưa cháu bé xuống Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng chữa trị. Còn tại thôn Tà Lâu, ông Đinh Văn Ngưng (phó trưởng thôn) nhẩm tính cả thôn cũng có mấy chục người bị ghẻ, cá biệt có nhà ông Đinh Văn Vương cả sáu người đều bị ghẻ.
Trung tâm y tế dự phòng: hết thuốc DEP (DiEthylPhtalat)
Nhiều người dân ở xã Ba cho biết ở đây cứ vài tháng hoặc một năm bệnh ghẻ lại bùng phát. Ông Đinh Văn Ngưng phân trần: “Dân ở đây toàn dùng nước suối bằng đường ống dẫn từ trên suối cao về rất sạch sẽ. Còn một số nhà dân cũng có ra suối Tà Lâu để tắm giặt nhưng rất ít. Nước ở suối này bị ảnh hưởng từ nước làm vàng trên thượng nguồn nên đó cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh này”.
Nhưng ông Lê Thanh Hải lại cho rằng: “Chỗ tui ở chỉ dùng nước trên nguồn để ăn uống, tắm giặt mà vẫn bị ghẻ. Nhà cửa hiện nay cũng sạch sẽ hơn trước đây rất nhiều, chuồng trại chăn nuôi không để gần nhà, nền nhà đều được Nhà nước đầu tư lát gạch hoa cả”.
Phóng to |
Bé Phượng bị ghẻ lan xuống nách |
Còn theo BS Đinh Duy Quý - trưởng Trạm y tế xã Ba, nguyên nhân gây ghẻ có thể là do nguồn nước bị ô nhiễm hoặc tập quán ăn ở của người dân ở đây không sạch sẽ. Nhưng BS Quý cũng thấy lạ một điều: “Dịch bệnh này cứ âm ỉ mãi chứ không chữa dứt điểm được. Đến thời điểm nào đó là tự bùng phát lên”.
Cũng theo BS Quý, dựa trên số lượng người dân đến trạm xin thuốc thì có khoảng hơn 200 người bị bệnh ghẻ, trong đó có mấy chục ca là bị bội nhiễm với biểu hiện bệnh nặng hơn. Nhưng còn con số chính xác bao nhiêu người dân đang mang bệnh ghẻ thì vẫn chưa được thống kê cụ thể. “Hằng năm trên huyện đều có một đợt chuyển các loại thuốc trong đó có thuốc chữa bệnh da liễu về trạm y tế xã, nhưng 5-6 năm nay chưa thấy gì. Trạm thì chỉ có một bác sĩ, thuốc thang lại thiếu nên rất khó khăn trong việc chữa trị cho dân” - BS Quý chia sẻ.
Còn theo BS Lê Thị Quyết - giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Đông Giang, tình hình dịch bệnh ghẻ đã được trung tâm nắm bắt từ cuộc giao ban trong tháng 4, “tuy nhiên hiện nay Trung tâm y tế huyện chỉ có các loại thuốc cơ bản, còn thuốc trị ghẻ thông thường như DEP không còn. Chúng tôi đã liên lạc đặt mua thuốc nhưng đường sá xa xôi nên chậm trễ”. BS Quyết cũng nói “mù mờ” về nguyên nhân dịch ghẻ đang bùng phát: “Chưa xác định rõ nguyên nhân nữa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận