Phóng to |
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Bo Bo Thị Xuất nhiễm cúm A/H1N1 tại phòng cách ly của khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: V.T. |
Bản đồ vị trí chín tỉnh có dịch cúm gia cầm - Đồ họa: Nh.Khanh |
Công tác khẩn trương phòng chống dịch cúm gia cầm cũng được triển khai khẩn cấp tại nhiều địa phương trên cả nước.
Long An công bố dịch cúm gia cầm ở hai xã
Ngày 15-2, ông Lê Minh Đức - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An - cho biết tỉnh đã chính thức công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở khu vực hai xã Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ) và Bình Quới (Châu Thành). Trước đó cán bộ thú y cơ sở phát hiện một số gia cầm chết rải rác và có dấu hiệu nhiễm cúm.
Sau khi công bố dịch, Chi cục Thú y và lực lượng địa phương sẽ tiến hành tiêm chích, khử trùng và tiêu hủy đối với các gia cầm có dấu hiệu nhiễm cúm. Ông Đức cũng cho biết thêm số tiền hỗ trợ bồi thường đối với việc tiêu hủy chim cút là 15.000 đồng/con. Gà, vịt dưới 1 tháng tuổi khi tiêu hủy được hỗ trợ 20.000 đồng/con, từ 1-2 tháng tuổi mức 25.000 đồng/con và trên 2 tháng tuổi mức 35.000 đồng/con.
Khánh Hòa: một thanh niên tử vong nghi cúm A
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa xác nhận một bệnh nhân vừa tử vong tại bệnh viện nghi cúm A. Đó là L.Đ.T. (nam, 19 tuổi, trú phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hòa), được đưa đến cấp cứu lúc 3g05 rạng sáng cùng ngày với các triệu chứng nghi nhiễm cúm A, tử vong sau đó hai giờ ngay tại khoa cấp cứu lưu.
Cán bộ chuyên môn thuộc khoa chống nhiễm khuẩn của bệnh viện đã tiến hành tẩy uế, sát khuẩn, bàn giao thi thể cho gia đình đưa về an táng. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đã được bệnh viện thu thập để gửi đi xét nghiệm.
Đã có bảy ca nghi nhiễm cúm A nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, được cơ quan chuyên môn có chức năng và thẩm quyền xác định dương tính với virút cúm A/H1N1. Trong đó, ngoài bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn đã tử vong, một bệnh nhân khác là Bo Bo Thị Xuất (18 tuổi, trú huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) bị biến chứng suy hô hấp, phải thở máy.
Bạc Liêu: xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm
Ông Trương Phước Thông, phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu, cho biết trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hai ổ dịch cúm gia cầm tại hai huyện Hồng Dân và Phước Long và có trên 3.400 con gia cầm bị bệnh chết phải tiêu hủy. Trong đó có 2.390 con gia cầm chết bất thường tại hai hộ chăn nuôi của ông Lê Văn Hòa ở ấp Ninh Chài và ông Huỳnh Văn Ngoan ở ấp Ninh Thạnh, xã Ninh Qưới A, huyện Hồng Dân. Tại hộ ông Huỳnh Văn Chức ở ấp Bình Tốt A, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long có 1.100 con gia cầm mắc bệnh cúm A/H5N1 cũng được tiêu hủy. Qua kết quả kiểm tra xét nghiệm của ngành thú y kết luận số gia cầm này đều dương tính với cúm A/H5N1.
Ngoài bệnh cúm A/H5N1, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện một số dịch bệnh thường gặp trên đàn gia súc, gia cầm như bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, E.coli... cũng có nguy cơ bùng phát nếu không phát hiện và phòng chống kịp thời.
Lâm Đồng: tập trung phòng cúm A
Theo ông Nguyễn Đức Hưng - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng, đến nay tỉnh chưa phát hiện có dịch cúm gia cầm. Trước tình hình một số tỉnh phát sinh dịch cúm, Chi cục Thú y đã cung cấp thuốc tiêu độc khử trùng, văcxin lở mồm long móng cho gia súc để các huyện tăng cường công tác phòng dịch, đồng thời lập thêm các chốt kiểm dịch gia cầm, gia súc tại các trục đường chính ra vào tỉnh Lâm Đồng. Ông Hưng cũng cho biết trước đó nguyên nhân hơn 4.000 con gà chết tại huyện Cát Tiên vào dịp trước và sau Tết Giáp Ngọ đều do bệnh tụ huyết trùng và cúm thông thường, không phải dịch cúm A/H5N1. Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo trạm thú y huyện Cát Tiên tiêu hủy hơn 3.000 gia cầm bị cúm, đồng thời khẩn trương tiêm văcxin, tiến hành khử độc ở tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tại tỉnh Đắk Lắk, dịch xảy ra ở ba xã thuộc TP Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắc và huyện Buôn Đôn, số gia cầm buộc phải tiêu hủy gần 2.000 con. Hiện Chi cục Thú y Đắk Lắk đang phối hợp với Cơ quan thú y vùng V và chính quyền địa phương tổ chức chống dịch.
Trước đó tại Kon Tum, dịch cúm A/H5N1 đã xuất hiện tại ba xã thuộc huyện Ngọc Hồi và TP Kon Tum, trên 5.200 gà vịt buộc phải tiêu hủy. Ở Tây Ninh, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành và An Thạnh huyện Bến Cầu có dịch, số gia cầm tiêu hủy gần 1.600 con. Tại Cà Mau, hai xã thuộc huyện Trần Văn Thời và TP Cà Mau có dịch với 121 gia cầm phải tiêu hủy. Tại Phú Yên, chiều 15-2, ông Đào Lý Nhĩ - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh - cho biết ba mẫu bệnh phẩm của đàn vịt nuôi tại hộ ông Huỳnh Tấn Thành ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa dương tính với cúm
A/H5N1. Khoảng 10 ngày trước, đàn vịt hơn 2.000 con nuôi tại hộ ông Huỳnh Tấn Thành và ông Nguyễn Hà ở thôn Thạch Tuân 2 bị chết gần 1.000 con. Sau đó, Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên gửi các mẫu bệnh phẩm đến Phân viện Thú y miền Trung xét nghiệm và có ba mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A/H5N1.
TP.HCM: tăng cường kiểm soát chủng cúm gia cầm lây sang người Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng triển khai kế hoạch ứng phó, xử lý kịp thời. Ngày 15-2, ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết: “Sở Y tế yêu cầu tuyến bệnh viện kiểm tra lại khu cách ly, phác đồ điều trị, thuốc và thiết bị để đảm bảo điều trị ban đầu nếu phát hiện bệnh nhân mắc cúm gia cầm. Tuyến cơ sở tăng cường phối hợp với cơ quan ban ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm kinh doanh thực phẩm, kiểm tra việc buôn bán, giết mổ, kinh doanh gia cầm trên địa bàn TP”. Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho hay đã yêu cầu trung tâm y tế dự phòng 24 quận huyện tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trong cộng đồng; tuyên truyền người dân không nhập gia cầm lậu, giết mổ, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đến nay TP chưa ghi nhận ổ dịch gia cầm nào. M.MẪN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận