Đồ họa: NGỌC THÀNH
* Bản tin cập nhật lúc 17h ngày 22-3
Trên toàn thế giới lúc này có hơn 307.000 ca. Trung Quốc vẫn là nước có nhiều ca nhiễm nhất (81.345), xếp sau là Ý (53.578).
Theo cập nhật từ Bệnh viện Johns Hopkins trưa 22-3 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) tại Mỹ đã vượt qua mốc 26.000. Như vậy Mỹ đã vượt qua Tây Ban Nha trong danh sách những nước có số trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới.
Trong diễn biến liên quan, Nhật Bản ngày 22-3 cũng ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới và chính phủ đã nâng cảnh báo công dân nước này khi du lịch tới Mỹ, kêu gọi người dân chỉ đi khi thực sự cần thiết.
Số người chết ở Tây Ban Nha vượt quá 1.700
Dịch COVID-19 tiếp tục cướp đi sinh mạng của gần 400 người ở Tây Ban Nha. Số ca tử vong ở nước này tăng mạnh từ 1.326 lên 1.720 ngày 22-3. Trong khi số ca nhiễm tăng lên 28.572 so với 24.926 ngày hôm trước.
Chính quyền Tây Ban Nha đang cố gắng chạy đua với thời gian để đẩy mạnh việc xét nghiệm diện rộng sau khi số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này đã lên tới 1.378 và gần 25.000 ca nhiễm tính đến hết ngày 21-3.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức y tế Tây Ban Nha thừa nhận số ca nhiễm sẽ còn tiếp tục tăng và họ chưa thể đự doán được đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng thời gian nào. Việc xét nghiệm diện rộng sẽ được đẩy mạnh, có thể huy động cả robot để hỗ trợ.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đã mua được 640.000 bộ kit xét nghiệm virus corona và con số này có thể nhanh chóng lên tới 1 triệu trong vài ngày tới.
* Đức cũng có thêm 1.948 ca mới đưa tổng số ca lên 18.610 trong khi số ca tử vong tăng lên 55 sau khi có thêm 8 người chết. Chính phủ Đức đang cân nhắc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc để kiểm soát dịch.
Người tình nguyện gói thực phẩm hỗ trợ những người không thể mua được thực phẩm tại New York, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Thái Lan có thêm 188 ca
Quan chức Y tế Thái Lan trưa 22-3 cho biết nước này có thêm 188 ca nhiễm mới, số ca tăng kỷ lục trong một ngày ở nước này kể từ lúc dịch bệnh bùng phát. Như vậy, Thái Lan đang là quốc gia Đông Nam Á có số ca nhiễm nhiều thứ hai với tổng cộng 599 người nhiễm, 1 người tử vong.
Hiện nay tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia là nước có số ca nhiễm nhiều nhất với 1.181 trường hợp dương tính (8 người tử vong).
Hôm 21-3, Bộ Y tế Thái đã công bố một số biện pháp phòng dịch mới, bao gồm đóng cửa các trung tâm mua sắm và công viên giải trí. Các nhà hàng vẫn được mở cửa để bán theo dạng mang đi. Các nhà thuốc và siêu thị cũng không nằm trong danh sách phải đóng cửa.
Indonesia có thêm 10 người chết, 64 ca nhiễm mới
Quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới ghi nhận thêm 64 ca nhiễm mới trong ngày 22-3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên con số 514 - cao thứ ba tại khu vực Đông Nam Á. Bộ Y tế Indonesia cũng xác nhận có thêm 10 trường hợp tử vong, nâng tổng số người chết lên 48 người.
Hiện Indonesia vẫn là nước có số người chết vì dịch COVID-19 nhiều nhất Đông Nam Á, trên cả các nước có số ca nhiễm nhiều hơn là Thái Lan và Malaysia.
Singapore cấm du khách ngắn ngày từ 23-3
Bộ Y tế Singapore ngày 22-3 thông báo nước này sẽ cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với toàn bộ du khách ngắn ngày. Lệnh cấm sẽ bắt đầu từ 23h59 ngày 22-3, đồng nghĩa từ 23-3, mọi người dân nước khác phải lưu ý việc di chuyển đến hoặc quá cảnh qua sân bay Singapore.
Bộ Y tế Singapore dẫn “rủi ro gia tăng” về tình trạng nước này bị lây nhiễm qua đường nhập cảnh, và cho biết biện pháp cấm mới đây nhằm “bảo tồn tài nguyên để chúng tôi có thể tập trung lo cho người Singapore”.
Trong thông báo trên, bộ này nói gần 80% số ca nhiễm ở Singapore trong ba ngày gần nhất đều là ca nhiễm “nhập khẩu”, xuất phát từ người có thẻ cư trú dài hạn hoặc cư dân Singapore về từ nước ngoài. Theo đó, Singapore cũng hạn chế cho nhập cảnh đối với người có thẻ làm việc dài hạn và thân nhân của người lao động cung cấp các dịch vụ thiết yếu, ví dụ trong ngành y tế hoặc giao thông.
* Hong Kong ghi nhận thêm 44 ca COVID-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 317.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
1/3 ca nhiễm ở Iran đã hồi phục
Bộ Y tế Iran ngày 22-3 thông báo đã có thêm 1.028 ca nhiễm mới tại nước này trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở Iran lên 21.638 trường hợp. Trong cùng thời gian đó cũng ghi nhận thêm 129 ca tử vong mới, đẩy tổng số ca lên 1.685.
Số ca được cho xuất viện là 278, giảm mạnh so với 2 ngày trước nhưng nhìn chung vẫn là dấu hiệu tích cực khi tổng số người được chữa khỏi tính tới ngày 22-3 là 7.913 người, tức khoảng 1/3 tổng số ca nhiễm bệnh.
Số ca nhiễm từ nước ngoài tăng vọt, Trung Quốc chuyển hướng máy bay tới Bắc Kinh
Cục quản lý hàng không dân sự Trung Quốc (CAAC) ngày 22-3 thông báo kể từ ngày 23-3, tất cả chuyến bay nước ngoài đến sân bay Bắc Kinh sẽ phải chuyển hướng và hạ cánh ở 12 sân bay khác ngoài thủ đô. Yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 là người vừa nhập cảnh Trung Quốc liên tục tăng trong 4 ngày trở lại đây.
Theo CAAC, sau khi hạ cánh xuống các sân bay đã chỉ định cách xa Bắc Kinh, tất cả người đi trên máy bay sẽ được kiểm tra sức khỏe. Khi đã bảo đảm chắc chắn rằng họ không có triệu chứng nhiễm bệnh, tất cả sẽ được phép lên máy bay và bay tiếp tới Bắc Kinh.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Nga gửi quân y giúp Ý chống dịch
Bộ Quốc phòng Nga ngày 22-3 thông báo sẽ triển khai các nhà virus học, bác sĩ quân y, các xe khử trùng đặc biệt, và các thiết bị y tế khác đến Ý theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Số nhân và vật lực này sẽ được chia thành 8 nhóm đến nhiều vùng khác nhau của Ý. Việc triển khái sẽ bắt đầu ngay trong hôm nay 22-3 nhưng đang chờ việc sắp xếp hậu cần ở Ý.
Theo Điện Kremlin, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã gọi điện cho Tổng thống Putin hôm 21-3 và khẩn thiết nhờ Mátxcơva giúp đỡ.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận