12/11/2021 00:11 GMT+7

Dịch COVID-19 thế giới ngày 12-11: Phê duyệt 2 phương pháp điều trị kháng thể chống lại COVID-19

NGUYÊN HẠNH - BẢO ANH
NGUYÊN HẠNH - BẢO ANH

TTO - Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu phê duyệt triển khai 2 phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng chống lại COVID-19; Hãng dược Moderna đề nghị bán vắc xin cho châu Phi với giá 7 USD/liều; bổ sung biến chứng của vắc xin Johnson & Johnson...

Dịch COVID-19 thế giới ngày 12-11: Phê duyệt 2 phương pháp điều trị kháng thể chống lại COVID-19 - Ảnh 1.

Vắc xin COVID-19 của Hãng dược Johnson & Johnson - Ảnh: REUTERS

Châu Âu bổ sung biến chứng của vắc xin Johnson & Johnson

Theo Hãng tin Reuters, EMA đã khuyến nghị bổ sung một loại viêm tủy sống hiếm gặp, có tên là viêm tủy ngang, vào danh sách tác dụng phụ của vắc xin COVID-19 của Hãng dược Johnson & Johnson.

Các nghiên cứu giai đoạn đầu trong quá trình phát triển vắc xin COVID-19 của Hãng dược AstraZeneca và J&J cũng tập trung vào các trường hợp viêm tủy ngang. Vắc xin của cả hai công ty này đều được phát triển dựa trên cùng một công nghệ.

Cập nhật về tính an toàn của tất cả các loại vắc xin COVID-19, EMA cho biết họ đang đánh giá các báo cáo về hội chứng rò rỉ mao mạch (CLS) sau khi tiêm vắc xin của Moderna.

Đây là một biến chứng về máu hiếm gặp, trong đó máu rò rỉ từ các mạch máu nhỏ nhất gây sưng và giảm huyết áp.

EMA cho biết họ đã ghi nhận 6 trường hợp CLS và đang đánh giá tất cả dữ liệu. Tuy nhiên cơ quan này lưu ý họ vẫn chưa rõ liệu có mối liên hệ nào giữa các trường hợp này và vắc xin hay không.

EMA phê duyệt hai phương pháp điều trị kháng thể

Ngày 11-11, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết lần đầu tiên họ phê duyệt triển khai hai phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng chống lại COVID-19 là Ronapreve và Regkirona tại thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Cụ thể, EMA đã chấp thuận việc sử dụng phương pháp điều trị từ công ty dược phẩm Thụy Sĩ Roche (Ronapreve) và từ công ty Hàn Quốc Celltrion (Regkirona). Ronapreve và Regkirona - được khuyến khích sử dụng trong giai đoạn đầu mắc bệnh - là những loại thuốc kháng thể đơn dòng đầu tiên nhận được ý kiến tích cực về khả năng chống lại COVID-19.

Theo Hãng tin AFP, ủy viên y tế EU Stella Kyriakides cho biết việc phê duyệt hai loại thuốc này là một "bước quan trọng" chống lại COVID-19, cùng với 4 loại vắc xin COVID-19 mà EU đang sử dụng.

"Với việc số ca bệnh COVID-19 đang tăng lên ở hầu hết các quốc gia thành viên EU, thật yên tâm khi thấy nhiều phương pháp điều trị đầy hứa hẹn đang được phát triển như một phần của chiến lược điều trị COVID-19 của chúng tôi. Hôm nay, chúng tôi đã thực hiện một bước quan trọng hướng tới mục tiêu phê duyệt 5 phương pháp điều trị mới ở EU trước cuối năm nay" - bà Stella Kyriakides nói.

Hà Lan có thể trở thành nước Tây Âu đầu tiên tái phong tỏa

Ngày 11-11, Chính phủ Hà Lan đang xem xét nên tái áp đặt lệnh phong tỏa một phần đầu tiên ở Tây Âu kể từ mùa hè năm nay hay không, trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất kể từ đầu đại dịch, theo Hãng tin Reuters.

Sự gia tăng ca nhiễm bắt đầu được ghi khi các biện pháp giữ giãn cách xã hội được dỡ bỏ vào cuối tháng 9 năm nay. Điều này đã gây áp lực lên các bệnh viện trên khắp cả nước Hà Lan.

Số ca nhiễm mới ở quốc gia 17,5 triệu dân này đã tăng gần gấp đôi trong tuần trước và đạt kỷ lục khoảng 16.300 ca trong 24 giờ vào hôm 11-11.

Dịch COVID-19 thế giới ngày 12-11: Phê duyệt 2 phương pháp điều trị kháng thể chống lại COVID-19 - Ảnh 2.

Số ca nhiễm ở Hà Lan đã tăng vọt lên mức kỷ lục và nước này có thể tái áp lệnh phong tỏa một phần. Trong ảnh là đường phố Amsterdam, Hà Lan ngày 7-10 năm nay, có người đeo khẩu trang, có người không đeo khẩu trang - Ảnh: REUTERS

Để kiềm chế đợt bùng phát này, ban cố vấn về đại dịch COVID-19 của Chính phủ Hà Lan đã khuyến nghị áp dụng lệnh phong tỏa một phần, theo đó đóng cửa các nhà hát và rạp chiếu phim, hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn, đóng cửa các quán cà phê và nhà hàng sớm hơn...

Nội các của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ thảo luận về khuyến nghị trên trong cuộc họp khẩn cấp vào tối 11-11 (giờ địa phương) và sẽ công bố quyết định của họ trong cuộc họp báo trên truyền hình dự kiến diễn ra ngày 12-11.

Israel diễn tập ứng phó biến thể mới của COVID-19

Ngày 11-11, Israel đã tổ chức một cuộc diễn tập quy mô quốc gia, do đích thân Thủ tướng Naftali Bennett chỉ đạo, nhằm kiểm tra khả năng ứng phó nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19, do sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Theo TTXVN, cuộc diễn tập mang tên "Chiến dịch Omega" được tiến hành tại Trung tâm Quản lý Quốc gia tại Jerusalem, một cơ sở được Israel lập ra để phục vụ hoạt động lãnh đạo điều hành đất nước trong thời gian khủng hoảng nghiêm trọng. 

Cuộc diễn tập được chia thành 3 phiên theo hình thức của một cuộc chiến giả định chống lại một biến thể mới có tên là Omega, qua đó kiểm tra khả năng phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức ở cấp cao và hoạt động của các hệ thống chuyên môn trong các tình huống khủng hoảng cao độ. 

Các yếu tố được đưa vào xem xét bao gồm khả năng thực thi chính sách, bảo đảm y tế, cơ chế pháp lý, vận hành kinh tế, duy trì an ninh, giáo dục, các hoạt động ở sân bay và cửa khẩu, công tác thông tin tuyên truyền. Sau mỗi phiên đều có các cuộc họp đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi tiến hành phiên tiếp theo.

Trong cuộc diễn tập kéo dài một ngày, Thủ tướng Bennett và các trợ lý cấp cao đã ẩn náu trong một hầm tránh bom được xây dựng cách đây hơn một thập kỷ.

Moderna đề nghị bán vắc xin cho châu Phi với giá 7 USD/liều

Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi John Nkengasong cho biết Moderna Inc đã đề nghị bán vắc xin COVID-19 cho Liên minh châu Phi (AU) với giá 7 USD/liều, tức chỉ bằng một nửa giá mà Mỹ đã trả hồi đầu năm.

Reuters đánh giá đây là một khoản chiết khấu đáng kể so với những bên mua khác phải trả trong năm nay như Liên minh châu Âu. "Tôi rất vui khi nói rằng một liều vắc xin Moderna sẽ có giá 7 USD. Đó là đề nghị chúng tôi đã nhận được", ông Nkengasong nói.

Đầu năm nay, Moderna cho biết các thỏa thuận bán vắc xin COVID-19 của họ bên ngoài nước Mỹ sẽ vào khoảng 22-37 USD/liều. Mức giá này không bao gồm quốc gia có thu nhập thấp.

Thành phố cảng Trung Quốc dừng hoạt động các công ty thực phẩm đông lạnh

Thành phố cảng Đại Liên của Trung Quốc đã ra lệnh cho tất cả doanh nghiệp xử lý thực phẩm ướp lạnh và đông lạnh nhập khẩu phải tạm ngừng hoạt động, sau khi phát hiện một số ổ dịch COVID-19 mới từ tuần trước, theo Hoàn cầu Thời báo (Global Times).

Đại Liên đã ghi nhận hơn 80 trường hợp COVID-19 trong tuần qua. Trường hợp đầu tiên trong số đó là ở một công nhân kho hàng ở khu vực Trang Hà của thành phố vào ngày 4-11.

Trung Quốc cho rằng thực phẩm đông lạnh có nguy cơ lây lan COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng khẳng định cả thực phẩm và bao bì đều chưa được ghi nhận là đường lây truyền của COVID-19.

Đại Liên là một cảng hàng đầu của Trung Quốc cho các chuyến hàng hải sản, trái cây và một số loại thịt.

Đức ghi nhận ca mắc COVID-19 mới kỷ lục Đức ghi nhận ca mắc COVID-19 mới kỷ lục

TTO - Viện Robert Koch, cơ quan y tế công cộng của Đức, cho biết nước này có thêm hơn 50.000 ca mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay. Việc lơ là kiểm soát giấy chứng nhận tiêm chủng và tỉ lệ tiêm thấp được cho là nguyên nhân.

NGUYÊN HẠNH - BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên