Đồ họa: NGỌC THÀNH
* Bản tin cập nhật lúc 13h ngày 2-4
WHO: Malaysia có thể lên đỉnh dịch vào giữa 4-2020
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dựa đoán dịch COVID-19 tại Malaysia sẽ chạm đỉnh vào giữa 4-2020 giữa lúc các dấu hiệu cho thấy tỉ lệ tăng số ca bệnh mới đang chậm lại.
"Dựa trên dữ liệu có được, Văn phòng Quốc gia WHO số ca nhập viện tại Malaysia sẽ lên đến đỉnh điểm vào giữa 4-2020", hãng tin Reuters dẫn lời bà Ying Ru Lo, lãnh đạo phái đoàn và đại diện WHO tại Malaysia, Brunei và Singapore.
Số ca bệnh nghiêm trọng của Malaysia cũng có thể tăng mạnh trong tuần tới.
Trong khi đó, Singapore ghi nhận ca tử vong thứ 4, trong khi số ca nhiễm ở nước này hiện là 1.000.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Vợ chồng Bộ trưởng Y tế Israel mắc COVID-19
Ông Yaakov Litzman, 71 tuổi, là quan chức cấp cao nhất của Israel nhiễm virus corona chủng mới. “Chúng tôi đang tiến hành điều tra dịch tễ và sẽ gửi yêu cầu cách ly đến tất cả những ai từng tiếp xúc với vợ chồng ông ấy”, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Y tế Israel.
Vợ chồng ông Litzman hiện đang bị cách ly và có sức khoẻ tốt. Ông Litzman là nhân vật quan trọng trong chiến dịch chống dịch COVID-19 tại Israel, đến nay đã có hơn 6.000 ca nhiễm và 25 ca tử vong, và thường xuyên tham dự các cuộc họp với thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Tuy nhiên, truyền thông Israel cho biết ông Netanyahu luôn giữ khoảng cách cần thiết trong các cuộc gặp để phòng bệnh.
Số ca mắc COVID-19 tại Đức tăng lên 73.522 với thêm 6.156 ca mới chỉ sau một đêm trong khi số ca tử vong tăng 140 lên tổng số 872 ca toàn quốc. Dù có có ca bệnh đứng thứ năm thế giới, tỉ lệ người chết do COVID-19 tại Đức vẫn khá thấp.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 89 ca nhiễm, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 9.976 ca. Còn số ca tử vong ở nước này là 169.
Bộ Y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận 1.378 ca nhiễm và 37 ca tử vong do COVID-19, đồng thời nước này khuyên những người dân còn ở Mỹ tránh quay về Mexico thăm người thân.
Tây Ban Nha: số ca nhiễm và tử vong trong 24 giờ cao nhất châu Âu
Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha tăng thêm 8.195 ca nhiễm mới và 923 ca tử vong mới, mức tăng cao nhất châu Âu.
Tính đến thời điểm này, Tây Ban Nha có tổng cộng 104.118 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 9.387 người đã tử vong và 5.872 người trong tình trạng nguy kịch.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Số ca nhiễm trên thế giới vượt 930.000
Theo cập nhật của trang Wordometers lúc 7h ngày 2-4, tổng số ca bệnh COVID-19 trên thế giới đã lên tới 935.022 ca. Trong khi đó, có 47.189 ca tử vong và 193.989 ca hồi phục.
Trong đó, số ca nhiễm ở Mỹ tăng thêm 25.723 ca, lên tổng cộng 214.253 ca. Còn số ca tử vong do COVID-19 ở nước này tăng thêm 788 ca, lên tổng cộng 4.841 ca.
Tại Ý, số ca nhiễm tăng thêm 4.782 ca, lên tổng cộng 110.574 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 727 ca, lên 13.155 ca. Hiện Ý cũng là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.
Nằm trong nhóm 10 nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới theo thứ tự từ cao xuống thấp tới lúc này là: Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đức, Pháp, Iran, Anh, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ.
Brazil gần 7.000 ca nhiễm
Số liệu của Bộ Y tế Brazil ngày 1-4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 39 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 240 người. Số ca dương tính cũng đã lên tới 6.836 người, tăng 1.119 người so với trước đó.
Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta cảnh báo số ca nhiễm bệnh ở nước này có thể vẫn sẽ tăng lên nhiều trong vài tuần tới khi dịch bệnh đạt đỉnh. Ông cũng bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt trang thiệt bị y tế như khẩu trang và máy trợ thở, do nhu cầu các mặt hàng này trên thế giới đang ở mức rất cao.
Một phụ nữ đi mua thực phẩm giữa dịch COVID-19 ở Cambridge, Anh ngày 1-4 - Ảnh: REUTERS
Anh sẽ tăng cường xét nghiệm
Ngày 1-4, chính phủ Anh cho biết họ sẽ tăng cường xét nghiệm COVID-19 giữa nhiều chỉ trích cho rằng nước này đang tiến hành xét nghiệm quá ít, theo Hãng tin Reuters. Trong khi Đức xét nghiệm khoảng 500.000 người một tuần, thì Anh hiện chỉ có thể xét nghiệm 12.750 người một ngày. Chính phủ Anh nói rằng họ hướng tới gấp đôi con số 12.750 vào giữa tháng 4.
"Tôi hi vọng sẽ tăng số xét nghiệm trong tuần này, với khoảng 15.000 xét nghiệm và sau đó sẽ tăng lên" - ông Robert Jenrick, bộ trưởng nhà ở của Anh, cho hay. Hiện các xét nghiệm ở Anh tập trung vào những trường hợp nghi nhiễm và đã nhập viện. Chính phủ nước này cũng muốn tăng xét nghiệm cho hàng trăm ngàn nhân viên y tế tuyến đầu trong những tuần tới.
Anh đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất ngày 1-4, với 563 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 2.352 ca. Nhiều nhân vật cấp cao ở Anh như Thủ tướng Boris Johnson, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock và Thái tử Charles (vừa khỏi bệnh) đã dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hoãn tổ chức COP26
Chính phủ Anh thông báo hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc dự kiến diễn ra ở thành phố Glasgow, Vương quốc Anh vào tháng 11-2020 đã bị hoãn lại do dịch COVID-19. Theo kế hoạch ban đầu, khoảng 30.000 người, gồm 200 lãnh đạo thế giới, sẽ tham gia hội nghị kéo dài 10 ngày này để có các cuộc thảo luận quan trọng về việc ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng lên.
"Do ảnh hưởng tiếp tục của COVID-19 khắp thế giới, việc tổ chức một hội nghị COP26 mang nhiều tham vọng đã không còn khả thi" - chính phủ Anh cho biết và nói thêm ngày tổ chức hội nghị vào năm 2021 dự kiến được công bố sau.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đức gia hạn các biện pháp khắt khe vì COVID-19 "không nghỉ lễ"
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước Đức sẽ gia hạn các biện pháp "giãn cách xã hội" (social distancing) đến ngày 19-4 để làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19 và rằng chính phủ quốc gia châu Âu này sẽ tái đánh giá tình hình sau lễ Phục sinh 12-4.
Đức đã đóng cửa các trường học, cửa hàng, nhà hàng, khu vui chơi... và nhiều công ty đã tạm ngưng sản xuất để đối phó COVID-19, nhưng số ca nhiễm và ca tử vong mới ở nước này vẫn tiếp tục tăng.
"Chúng ta đang chứng kiến một số hiệu quả nhỏ từ các biện pháp hiện nay, nhưng chúng ta còn ở cách xa mục tiêu cần chạm tới. Chúng ta đều biết đại dịch không nghỉ lễ" - bà Merkel giải thích cho việc gia hạn các biện pháp khắt khe.
Nga dành gần 18 tỉ USD đối phó khủng hoảng do COVID-19
Ngày 1-4, tân Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết Bộ Tài chính Nga đã dành ra khoảng 1.400 tỉ rúp Nga (gần 18 tỉ USD) để "chiến đấu chống sự lây lan của dịch COVID-19 và tiến hành các biện pháp chống khủng hoảng", theo Hãng tin AFP.
Nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin qua video, ông Mishustin cho biết chính phủ Nga đang soạn thảo các biện pháp mới tập trung vào việc hỗ trợ nền kinh tế của các vùng và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đến nay, Nga đã ghi nhận 2.777 ca nhiễm và 24 ca tử vong do COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận