20/03/2020 05:56 GMT+7

Dịch COVID-19 ngày 20-3: Jakarta tuyên bố tình trạng khẩn cấp

BẢO ANH - KIM THOA - ANH THƯ - DUY LINH
BẢO ANH - KIM THOA - ANH THƯ - DUY LINH

TTO - Ngày 20-3, chính quyền thủ đô của Indonesia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại đây. Indonesia hiện đã ghi nhận 369 ca nhiễm COVID-19 và 32 ca tử vong.

Dịch COVID-19 ngày 20-3: Jakarta tuyên bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

* Bản tin cập nhật lúc 19h ngày 20-3

Thủ đô Indonesia tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Thống đốc Jakarta Anies Baswedan ngày 20-3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô của Indonesia. Theo đó, kể từ ngày 23-3 tới các địa điểm giải trí công cộng như quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim sẽ bị đóng cửa trong khi giao thông công cộng bị hạn chế.

Không quân Indonesia cũng đang chuẩn bị một máy bay quân sự tới Trung Quốc nhận các trang thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch trong nước.

Indonesia ngày 20-3 ghi nhận thêm 60 ca nhiễm virus corona, nâng tổng số ca COVID-19 ở này lên 369 ca và 32 ca tử vong, theo Reuters.

Malaysia ghi nhận thêm 130 ca nhiễm trong ngày 20-3, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 1.030 và là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á. Trong các ca nhiễm mới có 48 ca liên quan đến một buổi lễ Hồi giáo vào tháng 2 gần thủ đô Kuala Lumpur đã thu hút 16.000 người tham gia.

Malaysia ngày 20-3 cũng ghi nhận ca tử vong thứ 3 tại nước này, là một người đàn ông 58 tuổi, đã từng tham dự một sự kiện tôn giáo hơn 16.000 người ở Sri Petaling hồi đầu tháng này.

Bộ Quốc phòng Malaysia ngày 20-3 cũng thông báo các binh sĩ sẽ được triển khai cùng với cảnh sát để bảo đảm người dân không bước ra đường theo quy định của sắc lệnh phong tỏa.

Mỹ siết chặt biên giới hai đầu 

Bộ An ninh nội địa Mỹ ngày 20-3 thông báo sẽ hạn chế việc đi lại không cần thiết giữa Mỹ và Canada bằng đường sắt, đường thủy, bao gồm các tour du lịch lữ hành. Lệnh hạn chế sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 0h ngày 21-3 (giờ Mỹ). 

Tại biên giới phía nam với Mexico, Mỹ cũng siết chặt việc qua lại, đặc biệt từ chối các trường hợp đi du lịch trong thời gian này. Bộ Ngoại giao Mexico xác nhận sự việc song khẳng định các hoạt động khác như giao thương vẫn diễn ra bình thường. Các trường hợp ngoại lệ được phép nhập cảnh Mỹ là công dân và những người đã có thẻ xanh ở Mỹ.

Dịch COVID-19 ngày 20-3: Jakarta tuyên bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 2.

Cảnh sát Indonesia phun thuốc khử trùng tại một thánh đường Hồi giáo ngày 20-3 - Ảnh: AFP

Tây Ban Nha thành điểm nóng

Số người chết vì dịch COVID-19 tại Tây Ban Nha đã vượt mốc 1.000 sau khi có thêm 173 người chết trong ngày 20-3. Số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua tại nước này là 2.883 người, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 19.980 trường hợp, cao thứ 3 thế giới chỉ sau Ý và Trung Quốc.

Số ca tử vong của xứ sở bò tót cũng nằm trong "tốp" 4 của thế giới, sau Iran, Trung Quốc và Ý.

Số ca tử vong ở Ý 'vượt mặt' Trung Quốc

Theo cập nhật của Hãng tin Reuters rạng sáng 20-3, nước Ý vừa có thêm 427 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 3.405 ca.

Như vậy số ca tử vong do COVID-19 ở Ý đã vượt qua Trung Quốc. Tính đến 0h ngày 19-3, số ca tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc là 3.245 ca. Số ca bệnh COVID-19 ở Ý bắt đầu tăng nhanh từ ngày 21-2, còn ở Trung Quốc là từ đầu tháng 1.

Tuy nhiên, xét về tổng số ca nhiễm, con số ở Ý chỉ bằng một nửa ở Trung Quốc. Cụ thể, tổng số ca nhiễm ở Ý là 41.035 ca, còn ở Trung Quốc là 80.907 ca.

AFP ngày 20-3 dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ý Luciana Lamorgese cho biết sẽ triển khai 7.300 binh sĩ giám sát lệnh phong tỏa chống dịch của chính phủ, trong đó yêu cầu người dân không được rời khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng. Khoảng 13.000 lính đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng huy động nhưng còn chờ vào mức độ chấp hành của người dân.

Nhiều nước châu Âu khác cũng chứng kiến sự tăng vọt về số ca nhiễm mới trong ngày 20-3, chẳng hạn số ca nhiễm mới tại Thụy Sĩ và Liechtenstein gần 1.000 người. Tổng số ca nhiễm tại Thụy Sĩ hiện là 4.840 người.

Tại Đức, bang Bavaria lớn nhất nước này cũng đang chuẩn bị cho lệnh phong tỏa đầu tiên ở Đức. Thủ hiến bang này, Markus Soeder, thông báo lệnh hạn chế đi lại sẽ bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm hôm nay 20-3 và kéo dài đến hết 2 tuần tới. Các hàng quán sẽ bị đóng cửa trong lúc người dân bị cấm tụ tập, gặp gỡ bạn bè bên ngoài.

Quan chức y tế hàng đầu của Đức ngày 20-3 kêu gọi mọi người giữ khoảng cách với nhau để ngăn chặn dịch lây lan sau khi số ca nhiễm của nước này tăng thêm 2.958 chỉ sau một đêm lên 13.957 ca. Số ca tử vong tăng từ 11 lên 31.

Áo, quốc gia láng giềng phía nam của Đức, ngày 20-3 cũng thông báo các lệnh hạn chế quyền tự do của người dân để chống dịch sẽ tiếp tục được kéo dài tới hết ngày 13-4.

Đông Nam Á thêm ca nhiễm

Bộ Y tế Philippines ngày 20-3 ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 230 người và 18 ca tử vong.

Cùng ngày, Đài Loan cũng xác nhận ca tử vong thứ hai và thêm 27 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 của hòn đảo này lên 135 ca. Hiện hòn đảo này dùng ứng dụng điện thoại để theo dõi những người bị cách ly. Trước đó một số nước châu Á khác cũng sử dụng công nghệ để theo dõi người bị cách ly như Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam.

Hong Kong ngày 20-3 ghi nhận thêm 48 ca COVID-19, số ca tăng kỷ lục trong 1 ngày ở đặc khu, bao gồm 36 ca từng đi du lịch ra khỏi thành phố. Số người nhiễm virus corona ở Hong Kong hiện nay là 256 người.

Quan chức y tế Iran thông báo trên Twitter ngày 20-3 rằng nước này ghi nhận thêm 149 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì COVID-19 lên 1.433 ca. Số ca nhiễm cũng tăng thêm 1.237 ca lên 19.644 ca, theo Reuters.

Quốc gia châu Phi Cape Verde ngày 20-3 cho biết nước này đã có ca COVID-19 đầu tiên. Bệnh nhân là một công dân Anh (62 tuổi), nhập cảnh vào Cape Verde ngày 9-3 và bắt đầu có triệu chứng từ ngày 16-3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Zweli Mkhize ngày 20-3 cho biết số ca COVID-19 của nước này tăng từ 52 lên 202 ca.

Dịch COVID-19 ngày 20-3: Jakarta tuyên bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 3.

Kiểm tra máy trợ thở tại một nhà máy sản xuất đặt tại Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS

Anh chạy đua với thời gian chế máy trợ thở

Hãng tin Reuters ngày 20-3 dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ dây chuyền chế tạo máy trợ thở của Anh đã hoàn tất và sẽ bắt đầu hoạt động vào tuần tới. Thông tin cách đây vài ngày trên truyền thông Anh cho biết nước này sẽ đối mặt với tình trạng thiếu máy trợ thở trầm trọng trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Bộ Y tế Anh hiện có 5.900 máy trợ thở nhưng tính toán sẽ cần tới 20.000 máy trong thời gian tới. Tại Mỹ, các tập đoàn sản xuất ôtô như GM và Ford cũng đang nỗ lực hỗ trợ chính phủ chế tạo thêm các máy trợ thở.

Nga thử nghiệm vắcxin trên động vật 

Các nhà khoa học Nga ngày 20-3 cho biết họ đã bắt đầu thử nghiệm các nguyên mẫu vắcxin ngừa virus corona chủng mới trên động vật trong một phòng thí nghiệm tại Siberia. Nhóm nghiên cứu đã phát triển các nguyên mẫu vắcxin dựa trên 6 nền tảng công nghệ khác nhau và bắt đầu thử nghiệm từ đầu tuần để nghiên cứu tính hiệu quả cũng như liều lượng của các vắcxin này.

Nhóm nghiên cứu hi vọng có thể tung một loại vắcxin ngừa COVID-19 vào khoảng ba tháng cuối năm 2020. Đến nay, Nga ghi nhận 199 ca COVID-19, bao gồm 1 ca tử vong.

Số ca tử vong vì COVID-19 toàn cầu vượt mốc 10.000

Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết tính đến sáng 20-3, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 10.000 người, số ca nhiễm  là 244.517. 

Châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 100.470 ca nhiễm và 4.752 ca tử vong, nhiều hơn khu vực châu Á với 94.253 ca nhiễm và 3.417 ca tử vong.

Lombardy tạm dừng xây bệnh viện dã chiến

Chính quyền vùng Lombardy, Ý ngày 19-3 cho biết sẽ tạm ngừng xây bệnh viện dã chiến dùng cho các bệnh nhân COVID-19 vì thiếu hụt nghiên trọng đội ngũ y, bác sĩ. 

Thủ tướng Ấn Độ ngày 19-3 kêu gọi áp dụng lệnh giới nghiêm tự giác từ 7-21h ngày 22-3 để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ông cũng nói thêm biện pháp này có thể kéo dài trong nhiều tuần tiếp theo, theo Reuters.

Dịch COVID-19 ngày 20-3: Jakarta tuyên bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 4.

Hai nhân viên y tế động viên nhau trước khu vực chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 ở thành phố Cremona, Ý - Ảnh: NBC news

Úc truy tìm gấp 2.700 du khách trên du thuyền nghi phơi nhiễm corona

Theo hãng tin AFP, chính quyền Úc ngày 20-3 phát thông báo khẩn tìm kiếm 2.700 hành khách trên du thuyền đã lên bờ tại Sydney sau khi 4 người đi trên du thuyền này dương tính với virus corona chủng mới.

Theo chính quyền bang New South Wales, vì cho rằng du thuyền Ruby Princess "có nguy cơ thấp" họ đã để các du khách trên tàu này lên bờ ngày 19-3 và được tự do đi lại tại thành phố đông dân nhất của Úc. 

Tuy nhiên sau đó họ nhận được kết quả xét nghiệm 3 hành khách và một thành viên thủy thủ đoàn trên du thuyền dương tính với corona và phát lệnh tìm kiếm khẩn cấp với những hành khách đã lên bờ tại Sydney.

Nhiều nơi siết quy định đi lại, cách ly 14 ngày phòng dịch

Saudi Arabia hôm nay 20-3 tạm dừng mọi chuyến bay nội địa, xe buýt, taxi và xe lửa trong 14 ngày kể từ 21-3 để phòng dịch COVID-19. Theo Reuters, tới nay quốc gia Trung Đông này đã có 274 ca bệnh, chưa có người chết.

Cùng ngày, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ban hành quy định buộc những người đã có lịch sử đi lại tới 24 quốc gia bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong 2 tuần qua phải cách ly theo dõi 14 ngày tại các cơ sở y tế. Thành phố Thượng Hải cũng đã áp dụng quy định cách ly y tế bắt buộc tương tự này từ 19-3.

Trung Quốc ngày 19-3 ghi nhận thêm 39 ca bệnh mới, tất cả đều từ nước ngoài về. Tổng số ca bệnh COVID-19 nhập khẩu của Trung Quốc tới nay là 228.

Bộ trưởng Y tế Úc cũng yêu cầu mọi hành khách đi lại ra nước ngoài trở về bắt buộc phải tự cách ly y tế trong 14 ngày.

Dịch COVID-19 ngày 20-3: Jakarta tuyên bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tăng số ca bệnh, Mexico vẫn đề nghị Mỹ không đóng cửa biên giới

Giới chức y tế Mexico ngày 19-3 thông báo nước này đã tăng thêm 48 ca bệnh mới, lên 164 ca. Tuy nhiên cùng ngày, Ngoại trưởng Mexico cho biết đang trao đổi với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo và đề xuất hai nước vẫn tiếp tục mở cửa biên giới cho các hoạt động thương mại, việc làm trong thời gian chống dịch.

Ngọn đuốc Olympic đã tới Nhật

Chiếc máy bay chở ngọn đuốc Olympic từ Hi Lạp đã tới thành phố Higashimatsushima (Nhật Bản) hôm nay 20-3, nhưng buổi lễ đón mừng đuốc Thế vận hội đã diễn ra lặng lẽ do COVID-19 đe dọa toàn cầu, thậm chí có thể còn khiến Olympic buộc phải hủy.

Theo hãng tin Reuters, ngọn đuốc đã tới căn cứ quân sự Matsushima và sẽ được rước quanh vùng Tohoku vốn là nơi bị tàn phá nặng nề trong thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011 cho tới trước lễ khai mạc chính thức Thế vận hội ngày 26-3 tại Fukushima.

Thống đốc bang California yêu cầu mọi người ở trong nhà

Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, ngày 19-3 phát lệnh yêu cầu "ở trong nhà" có hiệu lực toàn bang. Ông cũng dự đoán số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện có thể tăng lên 19.500 người, vượt quá khả năng giải quyết của hệ thống y tế hiện nay của bang.

Số người chết vì COVID-19 ở Mỹ theo Reuters đã chạm mốc 200, tính tới ngày 19-3 giờ địa phương.

Dịch COVID-19 ngày 20-3: Jakarta tuyên bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Hàn Quốc vừa ghi nhận 87 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước này lên 8.652 ca. Trong diễn biến liên quan, các ngoại trưởng Nhật - Hàn - Trung dự kiến tổ chức cuộc họp qua video trong ngày 20-3 để tăng cường hợp tác đối phó dịch COVID-19.

New Zealand ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới, lên tổng cộng 39 ca. Số ca nhiễm tại Panama cũng tăng từ 109 lên 137 ca.

Mỹ tán thành dùng thuốc sốt rét thử nghiệm trị COVID-19

Theo cập nhật của Đài CNN lúc 6h30 ngày 20-3, hiện nước Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 13.133 ca nhiễm và 193 ca tử vong do COVID-19.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19-3 cho biết chloroquine và hydroxychloroquine - những loại thuốc vốn được dùng để trị bệnh sốt rét và viêm khớp nghiêm trọng - đã được Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tán thành để thử nghiệm chữa trị COVID-19, theo tạp chí Forbes.

Theo Stephen Hahn, người đứng đầu FDA, các loại thuốc trên sẽ được dùng trong thử nghiệm lâm sàng. "Chúng tôi sẽ thu thập dữ liệu và đưa ra quyết định hoàn toàn đúng dựa theo dữ liệu về sự an toàn và tính hiệu quả của các phép điều trị" - ông cho biết.

Thủ tướng Anh: Đảo ngược tình thế trong 12 tuần tới

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng ông tự tin Vương quốc Anh có thể làm giảm sự lây lan của COVID-19 trong vòng 3 tháng tới thông qua các biện pháp khắt khe để hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân.

"Chúng tôi có thể đảo ngược tình thế trong 12 tuần tới, nhưng với điều kiện tất cả chúng tôi thực hiện các bước đi đã được vạch ra. Điều đó là sống còn và đó là cách chúng tôi sẽ hạ đỉnh dịch" - ông Johnson nói.

Còn nữ hoàng Anh Elizabeth II kêu gọi người dân Anh "hành động giống như một" để đánh bại COVID-19 khi bà có thông điệp chính thức đầu tiên về dịch bệnh này. Bà nói "tất cả chúng ta đều có một vai trò cực kỳ quan trọng" trong cuộc chiến với COVID-19.

Dịch COVID-19 ngày 20-3: Jakarta tuyên bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 7.

Xe tải quân sự Ý di chuyển qua đường phố Bergamo ngày 19-3. Theo các báo cáo địa phương, những chiếc xe này được triển khai để chở các quan tài tới địa điểm hỏa táng ở xa vì nhà xác địa phương bị quá tải. Hiện nước Ý trong tình trạng phong tỏa toàn quốc - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc: 3 ca tử vong mới.

Theo số liệu cập nhật của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), tính tới 0h sáng 20-3, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 39 ca nhiễm mới, 3 ca tử vong mới và 730 ca mới xuất viện. Như vậy, hiện Trung Quốc đại lục có tổng cộng 80.967 ca nhiễm, 3.248 ca tử vong và 71.150 ca xuất viện.

Theo số liệu tổng hợp của Hãng tin AFP, tổng số ca bệnh COVID-19 ở châu Âu đã vượt qua 100.000 ca.

Cụ thể, châu Âu có ít nhất 100.470 ca nhiễm và hơn 4.750 ca tử vong, vượt mặt châu Á (hơn 94.250 ca nhiễm và hơn 3.415 ca tử vong). Tất cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều đã có ca nhiễm.

Các nước ghi nhận ca nhiễm và ca tử vong mới

*Ai Cập ghi nhận thêm 46 ca nhiễm mới, lên tổng cộng 256 ca nhiễm. Còn số ca tử vong do COVID-19 ở nước này là 7 ca. 

*Tổng số ca nhiễm ở Ireland tăng từ 366 lên 557 ca. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Vương quốc Anh tăng 40% trong một ngày, lên 144 ca. Còn số ca nhiễm ở Anh tăng thêm 643 ca, lên 3.269 ca.

*Cơ quan y tế Pháp vừa ghi nhận thêm 108 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 372 ca. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm ở nước này tăng từ 9.134 ca lên 10.995 ca.

*Tunisia ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19. Venezuela ghi nhận thêm 6 ca nhiễm, lên tổng 42 ca.

Dịch COVID-19 ngày 20-3: Jakarta tuyên bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 8.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Mỹ hủy tổ chức hội nghị G7 tại Trại David

Nhà Trắng cho hay Tổng thống Donald Trump sẽ hủy một cuộc gặp trực diện với các nhà lãnh đạo G7 tại Trại David ở Mỹ vào tháng 6 tới do COVID-19 và sẽ tổ chức thảo luận qua video.

"Để mỗi quốc gia tập trung mọi nguồn lực phản ứng với các thách thức y tế và kinh tế do COVID-19, đồng thời theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, chúng tôi xin thông báo hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 dự kiến tổ chức tại Trại David vào tháng 6 sẽ được thay thế bằng hội nghị qua video" - người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere nói.

Mỹ phát cảnh báo đi lại cấp cao nhất

Ngày 19-3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng cảnh báo đi lại lên cấp cao nhất (cấp 4) với toàn thế giới. Đây là một động thái chưa từng có nhằm giảm sự lây lan COVID-19.

Bộ Ngoại giao Mỹ khuyên người dân nước này không đi nước ngoài, còn những công dân Mỹ đang ở nước ngoài nên về nước ngay lập tức.

Cấp 4 là cấp cao nhất trong hệ thống cảnh báo đi lại của Bộ Ngoại giao Mỹ và thông thường chỉ được áp dụng với những quốc gia trong "tình trạng chiến tranh như Yemen và Somalia", theo Hãng tin Bloomberg.

*Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết dự kiến biên giới Mỹ - Canada sẽ đóng cửa vào tối 20-3 hoặc đầu ngày 21-3 (giờ địa phương). Giữa tuần này, Mỹ và Canada cho biết họ sẽ đóng biên giới chung đối với "hoạt động qua lại không cần thiết" nhằm ngăn sự lây lan của COVID-19. Ông Trudeau cho biết Canada đang chốt các thông tin chi tiết cuối cùng với phía Mỹ để thực hiện kế hoạch này.

*Brazil thông báo đang đóng cửa biên giới trên bộ trong 15 ngày với gần như tất cả các nước láng giềng để ngăn lây lan COVID-19, ngoại trừ Uruguay ở phía nam. Trước đó, Brazil đã đóng cửa biên giới với Venezuela vào ngày 17-3. 

Dịch COVID-19 ngày 19-3: Tây Ban Nha và Iran thêm hàng trăm ca tử vong Dịch COVID-19 ngày 19-3: Tây Ban Nha và Iran thêm hàng trăm ca tử vong

TTO - Malaysia hôm nay ghi nhận thêm 110 ca COVID-19, nâng tổng số ca bệnh cả nước lên 900, trong khi Tây Ban Nha và Iran ghi nhận thêm hàng trăm ca tử vong.

BẢO ANH - KIM THOA - ANH THƯ - DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên