Đồ họa: NGỌC THÀNH
Việt Nam ghi nhận 24 ca mắc COVID-19 mới từ Nga về, cách ly ngay khi nhập cảnh
Thông tin lúc 6h ngày 15-5 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết theo báo cáo nhận được tối 14-5 từ Sở Y tế tỉnh Thái Bình và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, đã ghi nhận thêm 24 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Tất cả những ca dương tính này đều là hành khách trên chuyến bay VN0062 từ Mátxcơva (Liên bang Nga) hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) lúc 4h40 sáng 13-5, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.
Như vậy đến nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 312 ca bệnh, trong đó 172 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Trong ngày 14-5, có thêm 8 trường hợp khỏi bệnh, ra viện, đưa tổng số ca khỏi bệnh cả nước lên 260.
* Ngày 15-5, Thái Lan ghi nhận thêm 7 ca nhiễm virus corona mới, không có trường hợp nào tử vong. Đến nay, tổng số ca nhiễm virus được xác nhận ở Thái Lan là 3.025 trường hợp, với 56 trường hợp tử vong.
Theo Reuters, Thái Lan sẽ cho mở cửa lại các trung tâm mua sắm, quầy hàng ăn uống từ 17-5.
* Theo hãng tin Reuters, bộ Y tế Singapore ngày 15-5 xác nhận có thêm 793 ca dương tính mới với virus corona chủng mới.
Tổng số người nhiễm virus này ở đảo quốc Singapore hiện là 26.891 trường hợp. Tổng số trường hợp tử vong là 21 người.
* Ngày 15-5, theo hãng tin Reuters, Philippines có thêm 215 ca nhiễm virus corona chủng mới và 16 người tử vong vì bệnh COVID-19 do virus này gây ra. Tổng số người nhiễm virus được xác nhận ở Philippines hiện là 12.091 trường hợp với hơn 806 người tử vong.
* Ngày 15-5, Bộ Y tế Malaysia xác nhận có thêm 36 ca dương tính mới với virus corona và không có trường hợp tử vong mới. Đến nay, Malaysia có 6.855 ca nhiễm virus với 112 người tử vong.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
* Iran ngày 15-5 ghi nhận thêm 2.102 ca nhiễm mới, cao nhất trong hơn một tháng qua, trong bối cảnh dịch bùng lên tại nhiều khu vực mới. Như vậy, quốc gia Trung Đông này đã có hơn 116.600 ca bệnh. Trong khi đó, số ca tử vong trong 24 giờ tăng thêm 48 lên 6.902 ca.
* Anh cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại nước này tính đến 15-5 là 33.998 ca, tăng 384 ca trong 24 giờ qua.
* Trong khi đó, Đan Mạch lần đầu tiên không có ca tử vong trong ngày nào kể từ giữa 3-2020. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này tăng thêm 78 ca lên 10.791 ca.
* Theo hãng tin Reuters, Ý có thể sớm thông qua dự thảo cho phép người dân được đi lại tự do trong các vùng từ ngày 18-5 và đi lại giữa các vùng từ ngày 3-6. Như vậy, lệnh phong toả toàn quốc, được áp dụng từ tháng 3-2020 ở Ý nhiều khả năng sẽ dỡ bỏ từ 3-6 để thiết lập trạng thái bình thường mới do nước này đã kiểm soát được số ca lây nhiễm mới.
Đã có gần 31.400 người Ý tử vong vì COVID-19 kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước này. Ý là nước có số ca tử vong đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Anh do dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, số ca dương tính được xác nhận của Ý là 223.096, xếp thứ 5 thế giới sau Mỹ, Tây Ban Nha, Anh và Nga.
* Theo hãng thông tấn Yonhap, ngành y tế Hàn Quốc nhận định cuối tuần này sẽ là một thời điểm quan trọng trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới từ ổ dịch Itaewon, một khu vui chơi giải trí về đêm ở Seoul.
Đến trưa ngày 15-5, hàn Quốc ghi nhận 153 người dương tính với virus do liên quan đến ổ dịch Itaewon với 90 người có đến các câu lạc bộ và 63 người là người thân khác của họ.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tính tới 10 giờ (giờ địa phương) ngày 15-5, nước này đã ghi nhận thêm 27 ca mắc bệnh COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên thành 11.018 người.
* Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 15-5 cho biết số nhiễm virus corona chủng mới của nước này tăng lên 643 so với ngày hôm trước. Số ca tử vong mới dịch bệnh COVID-19 là 138 người. Tổng số ca nhiễm virus được xác nhận ở Tây Ban Nha là 230.183 với 27,459 người tử vong.
Tổng thống Brazil tiếp tục kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế
Trong vòng 24 giờ qua, Brazil có 13.944 ca nhiễm mới và 844 trường hợp tử vong do COVID-19. Hơn 200.000 người nhiễm virus corona ở Brazil và gần 14.000 người chết, đây là số liệu do Bộ Y tế Brazil công bố.
Brazil là nước Châu Mỹ Latin bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19 hiện nay và là nước bị ảnh hưởng thứ 6 trên thế giới về số người nhiễm và tử vong do virus. Tuy nhiên, tổng thống Jair Bolsonaro vẫn tiếp tục kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế mà các thống đốc bang ban hành.
Ngày 14-5, ông khẳng định: "Chúng ta phải can đảm đối diện với virus. Nhiều người đang chết, đúng là như vậy. Tôi rất tiếc, rất rất tiếc nhưng nhiều người hơn nữa sẽ chết nếu nền kinh tế tiếp tục bị huỷ hoại bởi các biện pháp (hạn chế) này".
Bộ trưởng Y tế thứ hai của Brazil từ chức trong 1 tháng
Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich từ chức sau một tháng được bổ nhiệm vì bất đồng với tổng thống Jair Bolsonaro.
Bất đồng được cho là liên quan đến việc ông Bolsonaro muốn sử dụng chloroquine để điều trị COVID-19 dù còn nhiều lo ngại về loại thuốc này. Ông Teich cũng từng bất ngờ tại một cuộc họp báo vì không hay biết việc tổng thống quyết định xếp các dịch vụ cắt tóc, làm đẹp vào danh sách thiết yếu.
Trước đó, người tiện nhiệm của ông Teich, ông Luiz Mandetta, từng bất đồng với ông Bolsonaro về các biện pháp giãn cách xã hội. Brazil hiện có 202.918 ca mắc COVID-19, cao thứ sáu thế giới.
WHO điều tra bệnh lạ có thể liên quan đến COVID-19 ở trẻ em
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 15-5 cho biết đang nghiên cứu mối liên quan giữa COVID-19 và một căn bệnh tương tự như bệnh viêm máu cấp tính Kawasaki ở trẻ em tại châu Âu và Mỹ. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cũng kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới tham gia nghiên cứu.
Trước đó, Pháp cho biết một bé trai 9 tuổi ở nước này đã tử vong do hội chứng viêm hiếm gặp giống với bệnh Kawasaki được cho là có liên quan đến virus corona chủng mới. Đây là ca tử vong đầu tiên tại Pháp trong khi một số ca tử vong tương tự tại Mỹ và Anh và hiện đang được điều tra.
Bệnh nhi này tử vong do chấn thương thần kinh sau khi tim ngừng đập, ông Fabrice Michel - Trưởng khoa Nhi bệnh viện Timone ở thành phố Marseille – cho biết. Bệnh nhi tử vong ngày 9-5 sau 7 ngày điều trị do có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, theo hãng tin AFP.
Triệu chứng của trẻ mắc bệnh là sốt cao kéo dài, mẩn đỏ, đau bụng dữ dội, tim đập nhanh và lưỡi chuyển màu đỏ.
Nghiên cứu WHO: Hơn 200 triệu người ở châu Phi sẽ mắc COVID-19
Một mô hình nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo COVID-19 có thể khiến khoảng 150.000 người ở châu Phi tử vong trong vòng một năm nếu các hành động cấp bách không được thực hiện, theo Hãng tin AFP. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí BMJ Global Health ngày 15-5.
Đặc biệt theo nghiên cứu này, khoảng 231 triệu người trong số hơn 1 tỉ dân trên khắp 47 nước châu Phi được dự đoán sẽ mắc COVID-19 trong năm đầu tiên diễn ra đại dịch, trong đó hầu hết người mắc bệnh sẽ cho thấy vài hoặc thậm chí không có triệu chứng.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đánh giá số ca tử vong do COVID-19 ở châu Phi sẽ thấp hơn so với châu Âu và Mỹ vì dân số trẻ hơn và nhiều yếu tố khác như tỉ lệ béo phì thấp.
Hơn 300.000 người đã chết trên toàn cầu
Số người tử vong vì COVID-19 đã vượt cột mốc đáng buồn 300.000 người rạng sáng 15-5 tính theo giờ Việt Nam. Mỹ hiện vẫn là nước có người chết nhiều nhất thế giới với trên 86.000 người, chiếm hơn 1/4 số ca tử vong toàn cầu.
Dù khởi phát từ Trung Quốc, dịch COVID-19 đến nay chủ yếu gây thiệt hại nhân mạng nhiều nhất tại các nước phương Tây. Châu Âu vẫn là khu vực có số người chết nhiều nhất nhưng đang cố gắng mở cửa trở lại kinh tế sau thời gian dài áp dụng các lệnh giãn cách xã hội.
Mặc dù chạm một mốc đáng buồn, theo trang worldometers.info, còn một tín hiệu tích cực khác là số người được khỏi bệnh đã liên tục tăng. Tính đến sáng 15-5 đã có 1.697.595 người được xuất viện trên toàn thế giới. Số người vẫn còn dương tính là 2.510.858 người, trong đó 98% là các trường hợp nhẹ.
Các hướng dẫn mở cửa của CDC - Ảnh chụp màn hình AP
CDC Mỹ hướng dẫn mở cửa trường học, nơi làm việc
Theo Hãng thông tấn AP, các hướng dẫn được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố ngày 14-5 dành cho trường học, công sở, nhà hàng, quán bar, cơ sở chăm sóc trẻ em và các loại hình giao thông công cộng.
CDC cam kết sẽ công bố thêm các hướng dẫn cụ thể khác khi các bang bắt đầu mở cửa trở lại.
Nội dung hướng dẫn của CDC gồm nhiều câu hỏi để người dân tự trả lời theo kiểu CÓ hoặc KHÔNG.
Ví dụ, nếu bạn là chủ một quán bar và muốn mở cửa trở lại, CDC sẽ hỏi liệu việc này có trái với quy định của chính quyền địa phương hay không và bạn có sẵn sàng bảo vệ các nhân viên có nguy cơ bị lây nhiễm cao hay không.
Nếu câu trả lời là "KHÔNG", CDC khuyên bạn không nên mở cửa quán bar.
Theo một quan chức giấu tên trong chính phủ Mỹ, có những lo ngại về thẩm quyền của chính quyền đối với các cơ sở thờ tự nên việc đưa ra các hướng dẫn mở cửa lại những nơi này đã bị trì hoãn.
Vũ Hán đã xét nghiệm được 1/3 dân số
Chính quyền thành phố Vũ Hán - điểm khởi phát dịch COVID-19, ngày 15-5 cho biết đã xét nghiệm virus corona cho hơn 3 triệu người dân tại địa phương này. Mục tiêu của Vũ Hán là xét nghiệm cho tất cả 11 triệu dân của thành phố.
Theo Tân Hoa xã, Vũ Hán đã ghi nhận nhiều trường hợp dương tính virus corona nhưng không biểu hiện triệu chứng trong vài ngày trở lại đây.
Trong thông báo sáng 15-5, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận 4 ca COVID-19 mới bị lây nhiễm trong cộng đồng, tăng 1 ca so với ngày trước đó. Số trường hợp dương tính nhưng không triệu chứng là 11 người trong cùng thời gian.
Qatar phạt 53.000 USD, nhốt 3 năm nếu không đeo khẩu trang
Bộ Nội vụ Qatar ngày 14-5 thông báo kể từ ngày 17-5 tới người dân Qatar bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Những ai vi phạm sẽ bị phạt số tiền lên tới 200.000 riyal (khoảng 53.000 USD) hoặc 3 năm tù và một số hình thức trừng phạt khác, theo Hãng tin Reuters.
Những người lái xe ra ngoài một mình có thể được miễn đeo khẩu trang, nhà chức trách Qatar cho biết thêm.
Nhiều nước kêu gọi vắcxin COVID-19 miễn phí
Hơn 140 nguyên thủ, nhà lãnh đạo và cựu lãnh đạo các nước đã cùng ký vào một bức thư kêu gọi không độc quyền vắcxin ngừa COVID-19 và phân phát vắcxin miễn phí, công bằng cho tất cả các nước.
Họ đề nghị khi một loại vắcxin an toàn và hiệu quả được phát triển thành công, các chính phủ cần tạo điều kiện để vắcxin nhanh chóng được sản xuất quy mô lớn và phân phát cho tất cả mọi người, ở tất cả các nước hoàn toàn miễn phí.
Lá thư được công bố ngày 14-5 cũng kêu gọi điều tương tự cho các loại thuốc điều trị, phương pháp xét nghiệm và bất kỳ công nghệ nào có thể chống lại COVID-19.
"Không nên để ai đó bị đẩy ra phía sau hàng đợi vắcxin chỉ vì nơi họ sống hay những gì họ đã kiếm được", các nhà lãnh đạo tỏ ra khẩn thiết.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận