Thích về ăn cơm mẹ nấu - Ảnh: T.T.D.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, dù có cơ hội lập nghiệp Sài Gòn, nhưng bạn chọn về Đà Nẵng. "Vì gần nhà, mình có thể chạy về thăm ba má mỗi cuối tuần ở Quảng Nam. Chớ ba má cũng lớn tuổi rồi...", bạn nói.
Giữa những cách ngăn
Ngày bạn khăn gói về quê - hơn chục năm trước - tôi tin bạn sẽ ổn định. Nhất là được gần gia đình, như bạn mong, sẽ là một hạnh phúc lớn. Tôi có sự lựa chọn khác bạn, ở lại Sài Gòn lập nghiệp.
"Thích nhất là về nhà ăn cơm mẹ nấu, món chi nghe cũng ngon", bạn hân hoan chia sẻ về những bữa cơm nhà. Cuộc sống có đổi thay, phương tiện đi lại dễ dàng, nhưng tôi cũng không có được những bữa cơm quây quần bên gia đình như bạn.
Rồi bỗng đâu dịch giã quét ngang qua. Những đều đặn hẹn nhau đôi tháng, canh vé máy bay rẻ về thăm má vài hôm, ăn cơm má nấu các kiểu... giờ đây đã bị dịch COVID-19 vô tình ngăn cách. Giãn cách xã hội, khoảng cách giữa phố và quê bỗng xa xôi hơn bao giờ hết.
Mấy hôm trước, thấy người bạn đang làm việc ở Mỹ để nền đen trên Facebook, rồi ghi mấy dòng thắt ruột gan: "Nội đi bình an nhé. Con thương nội. Con không thể về bên nội lúc này vì dịch...". Tôi vào thả một icon "thương thương", nhắn tin an ủi bạn mạnh mẽ, đừng quá buồn, dẫu biết đó là điều khó khăn.
Làm sao không buồn cho được, không chỉ là đau vì mất mát người thân, mà còn là về thắp nén nhang tiễn biệt cũng khó khăn vô cùng. Thế giới tưởng gần hơn, tưởng chỉ cần có điều kiện và đáp ứng các yêu cầu, khi muốn là có thể "bay vèo" về gặp nhau, kể cả gặp nhau lần cuối. Dịch bệnh đã ngăn lại, vô hình, bằng những "nguyên tắc" bắt buộc tuân thủ.
Tận hưởng yêu thương
Hồi xưa khi rời nhà đi xa, có buồn nhưng khấp khởi vì mình lớn rồi, được tự do, sẽ tung tẩy trên bầu trời riêng. Cho đến khi có chút ít thành công, trong lòng mới rung cảm - hóa ra không đâu bình yên bằng nhà mình, không ai thương mình vô điều kiện như "phụ huynh" - những người mà có lúc vì bực bội, mình đã muốn "thoát ly" cho khỏe.
"Nói chớ, dịch bệnh ni kéo dài, làm ăn không được chi, có khi lại về nhà cho ba má nuôi không chừng". Trong đoạn chat giữa mùa dịch giã, khi Đà Nẵng trở thành "rốn dịch", một vài người bạn đã nói như thế. Ấy cũng là điều làm lòng tôi xốn xang với nỗi nhớ không chỉ là bữa cơm cùng gia đình mà còn là nỗi lo "mẹ già như chuối chín cây...".
"Về nhà có cơm ăn cơm, có rau ăn rau". Cha mẹ vẫn hay nói thế để mỗi khi cánh chim non - là con cái trong mắt họ - lỡ đâu gặp khó khăn trên đường đời có phương hướng, dễ dàng quay về. Cửa nhà và vòng tay cha mẹ luôn rộng mở là thế. Ấy vậy, nhưng với tôi và chắc không ít người đang trong tâm trạng thấp thỏm nhớ quê nhà, muốn về nhưng dịch giã lại ngăn cách.
Tôi nhớ đã không ít lần "tạt" về quê: "Nhiều bữa mẹ nấu cơm để sẵn, đậy lồng bàn chờ mình về. Mình không về vì những hẹn hò khác, những cuộc vui riêng...". Lúc ấy, có lẽ, một phần cũng do mình luôn nghĩ cái đó, điều đó, hay người đó sẽ còn mãi đấy, luôn như vậy cho ta, chờ ta... để rồi cho phép mình vô tư, vô tâm như thế.
Mùa dịch giã, không còn những cuộc bù khú, những lúc ngồi đồng bên ly cà phê, những buổi chiều lai rai cùng chúng bạn... phải chăng đã cho ta có được những phút giây thoáng đãng hơn trong tâm hồn.
Để rồi ta biết trân quý hơn cuộc sống hiện tại, với những bình yên đang có. Đơn sơ như việc ba má mình còn khỏe. Mẹ mình còn nấu cơm chờ mình mỗi tối đi làm về hay chỉ như một lời nhắc của mẹ: "Nhớ ghép mùng kỹ không muỗi nghe con...".
Mùa dịch, ấy cũng là dịp để cho tôi và bạn sống chậm, lắng đọng hơn, bình tâm lại... để tình cảm từ đó có dịp chan hòa với những người ruột rà trong gia đình. Khi ấy ta mới có thể tận hưởng tròn đầy sự yêu thương hơn ngay khi còn có thể!
"Giờ có tiền muốn bay về cũng không được hỉ", bạn nhắn, chia sẻ và an ủi. Đúng là vậy. Mà có về được trong thời gian dịch bệnh, có khi cũng phải cách ly 14 ngày, đâu dễ gì gặp liền.
Thương nhất là những người có thân nhân, đôi khi là "tứ thân phụ mẫu" tuổi già sức yếu, bệnh tật… mà không thể về. Thử đặt mình vào hoàn cảnh ấy, thấy nhói trong tim một cái. Thực sự không dám tưởng tượng mình sẽ đối mặt, rồi chấp nhận chuyện ấy thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận