Đường Võ Thị Sáu (TP.HCM) ngày 9-4 - Ảnh: Duyên Phan
Sáng 9-4 có tin vui: số ca bệnh hồi phục tại Việt Nam đã vượt qua 50% số ca nhiễm. Ra chợ đã thấy đông hơn, người người đứng gần hơn, đường sá cũng đã bớt vắng. Tự nhiên thấy lo, hình như mọi người đang chủ quan hơn...
Ai phạt, phạt ai?
Cả nước lại lo về câu chuyện có thể có nguồn lây "giấu mặt" trong cộng đồng sau câu chuyện về ca nhiễm 243 ở Hà Nội chưa rõ nguồn lây, người bệnh tiếp xúc rộng với rất nhiều người và vạn người đang được cách ly.
Giãn cách xã hội là biện pháp hữu hiệu nhất nhưng việc này đã thực hiện nghiêm hay chưa? Có thể thấy rõ sự nỗ lực chung từ trung ương đến địa phương trong cuộc chiến này. Nhưng không ít người vẫn tụ tập hát hò, ăn nhậu. Nhiều nhóm bạn bè vẫn tập trung bên trong những căn nhà đã đóng cửa, xe máy xếp san sát gần chục chiếc phía trước. Hàng quán không phục vụ tại chỗ thì họ thay bằng cách mua đồ ăn thức uống về nhà hò hẹn.
Nhiều người quen của tôi bất bình chuyện hàng xóm vẫn hát karaoke ầm ĩ trong những ngày chẳng mấy chuyện vui, bao người ngưng việc, thiếu tiền này. Một người bạn ở Vũng Tàu gọi lên kể về chuyện hàng chục thanh niên đánh bạc để giết thời gian ở quán cà phê! Những nhóm 3-4 người ở phường tôi vẫn cứ rề rà "chén chú chén anh" trên vỉa hè, dưới lòng đường nội bộ như chưa từng thực hiện cách ly...
TP Hà Nội đã xử phạt người ra đường khi không cần thiết. Tỉnh Bình Phước tính chuyện ngăn người đến tỉnh này khi không có lý do chính đáng... Đó là chuyện ở ngoài đường. Chuyện tụ họp nhiều người ở trước hiên nhà, ngoài vỉa hè hay trong căn hộ chung cư... bất chấp khuyến cáo y tế về bệnh dịch và lời kêu gọi "ai ở đâu yên đó" cũng không hề hiếm hoi thì ai phạt và phạt ai?
Tự giác trên hết
Có lẽ cơ quan chức năng địa phương không đủ sức đi nhắc nhở, xử lý hết những người chủ quan này. Cá nhân phải tự giác trước khi chờ chính quyền nhắc nhở (vì người có ý thức cao không cần chờ ai nhắc).
Một người nghi nhiễm, có thể đến hàng trăm người phải ngưng việc để thực hiện cách ly hoặc ở yên trong nhà, kèm theo đó là thiệt hại các kiểu. Chưa có công bố từ Nhà nước về chi phí cho cách ly, xét nghiệm sàng lọc, nhưng chi phí này không hề nhỏ trong điều kiện đất nước chưa giàu.
Và chúng ta đã đồng lòng chấp nhận cách làm này, vì lẽ gì? Vì an toàn tính mạng và sức khỏe nhân dân là trên hết. Và chúng ta đã làm được một cách ấn tượng với thế giới: kiềm chế số ca nhiễm và chưa có ca nhiễm tử vong.
Hôm nay đọc báo Tuổi Trẻ thấy có thông tin về chuyện y bác sĩ trắng đêm với công tác xét nghiệm để có thể cho ra kết quả nhanh nhất. Thiết bị y tế nói chung và các bộ kit xét nghiệm Covid-19 nói riêng cũng có giới hạn. Đội ngũ y tế dù nỗ lực hết mình nhưng sức người nào phải vô tận.
Chính phủ đã và đang cố gắng làm mọi thứ có thể để phòng chống dịch cũng như đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội. Điều này cần sự góp sức, hưởng ứng từ mỗi người dân. Muốn đất nước bình yên trước đại dịch, sớm phục hồi kinh tế, người lao động có công ăn chuyện làm, trước mắt phải chấp nhận cách ly triệt để.
Khi người dân nghiêm túc thực hiện giãn cách, Nhà nước sẽ không phải lo chuyện đi xử phạt, để dồn sức phòng chống dịch. Đó là cách tốt nhất.
Cần cảnh báo nhiều hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-4, ông Từ Lương, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, cho biết thời điểm hiện nay khá nhạy cảm, được tính vào "thời gian vàng" để TP.HCM cùng với cả nước tập trung kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19.
Việc cách ly xã hội ít nhất còn 5 ngày để thực hiện. Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây chúng ta có một tỉ lệ nghịch là con số người mắc bệnh COVID càng thấp, thậm chí không có, thì số lượng người dân chủ quan, ra đường, thậm chí tụ tập đông người tăng lên.
Tỉ lệ nghịch ấy cho thấy cần phải cảnh báo nhiều hơn với người dân để họ hiểu đây vẫn là thời gian nhạy cảm, giai đoạn cần tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp trong các chỉ thị của Thủ tướng cũng như chỉ đạo của TP để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Tiến Long ghi
Ai đang đi ngoài phố?
Mấy ngày nay, ở TP.HCM, người dân đi ra đường có vẻ nhiều hơn so với những ngày đầu cách ly. Thấy rõ điều đó trên đường đi làm hằng ngày, tôi thử nhìn những người ngoài phố họ là ai, ra đường làm gì? Không có xe buýt, ôtô cũng thưa vắng, nhiều nhất trên đường cả ngày là những người làm nghề giao nhận hàng (shipper). Rất dễ nhận ra họ trong chiếc áo đồng phục đại diện cho những dịch vụ giao hàng.
Tình trạng cách ly xã hội khiến nhu cầu mua hàng giao tận nhà tăng lên. Người ta ngại ra đường nhưng vẫn muốn ăn thức ăn hàng quán. Mua nhu yếu phẩm giao tận nhà đã đành, những ngày ở nhà người ta lại mua những thứ trang hoàng nhà cửa từ hàng kim khí điện máy đến chậu, đất trồng cây...
Nhiều bạn bè cùng suy nghĩ như tôi, một đô thị không nghỉ như TP.HCM, chẳng mấy ai đi lông bông ngoài đường, nhất là trong tiết trời "nắng muốn bể đầu" như mấy ngày này. Họ lao ra đường vì nhiều lý do, chủ yếu là đi làm kiếm sống nhưng không thể làm từ xa hoặc buộc phải ra đường để phục vụ bao người khác.
Sự nhộn nhịp hơn ở trung tâm TP.HCM nghĩ cho cùng không phải vì không chấp hành cách ly. Cư dân đông, nhu cầu mua bán, đi lại nhiều hơn - đó chính là áp lực không hề nhỏ cho thành phố trong những ngày phòng chống dịch. Và vì vậy, giữa những lo lắng không thể tránh khỏi về nguy cơ lây lan dịch bệnh, tôi thầm nghĩ ai đi ra đường, tiếp xúc với ai đều cần nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc về phòng dịch. Và không cần thiết thì không đi, không tụ họp để giảm nguy cơ cho thành phố.
TRUNG THANH (Q.5, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận