Các bác sĩ theo dõi, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đó là những chia sẻ của bà Nguyễn Phương Mai - giám đốc điều hành Navigos Search, đơn vị sở hữu mạng tuyển dụng Vietnamworks.
Bà Mai còn cho rằng khi xu hướng xã hội hóa với sự tham gia của tư nhân vào các lĩnh vực đang diễn ra ngày càng sâu rộng thì sự dịch chuyển này ngày càng trở nên bình thường, thậm chí chuyện lương thưởng không phải là quan trọng nhất.
* Người có năng lực, trình độ chuyên môn tốt chuyển từ công sang tư có phải là hiện tượng mới không, thưa bà?
- Theo quan sát của tôi, 5 năm trở lại đây bắt đầu có những nhân sự thật sự xuất sắc trong khu vực công đã chuyển sang tư nhân.
Nguyên nhân có thể do bộ máy khu vực công đâu đó hiệu quả chưa cao, đồng thời để tạo ra sự thay đổi ở khu vực công, đòi hỏi phải có sự đồng bộ của cả tổ chức cũng như của nhiều cơ quan, ban ngành liên quan, dẫn đến việc họ không làm được như kỳ vọng.
Trong khi đó, quá trình xã hội hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều đơn vị tư nhân, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người tài. Khi tìm được cơ hội đáp ứng mong mỏi của họ, những người tạm gọi là nhân tài sẽ ra đi.
* Vậy những ngành nghề nào đang diễn ra sự cạnh tranh thu hút người tài mạnh mẽ nhất?
- Có thể nói ở hầu hết các lĩnh vực, khu vực tư vẫn đang chiếm ưu thế trong việc thu hút nhân tài. Tuy nhiên có một số ngành như giáo dục, y tế, khu vực công vốn có lợi thế về giá, phí nên vẫn chiếm ưu thế về thu hút nhân tài trong một thời gian dài.
Tuy vậy ở những ngành này, nhân sự đóng vai trò quan trọng ở cả khu vực công lẫn tư. Các giáo sư, giảng viên trường công sẽ thỉnh giảng tại các trường tư. Các bác sĩ sẽ hợp tác với các bệnh viện tư.
Do đó, việc di chuyển từ công sang tư diễn ra khá tự nhiên, là chuyện bình thường. Ranh giới công, tư dần không còn rõ nét. Làm việc ở khu vực công hay tư họ đều có thể đóng góp, cống hiến cho công việc chuyên môn.
* Nhưng cuối cùng sẽ có một bên công hay tư có ưu thế hơn?
- Tất nhiên khi xu hướng xã hội hóa ngày càng mạnh mẽ và sự tham gia của tư nhân ngày càng tăng lên, cạnh tranh trong thu hút nhân tài ngày càng gay gắt. Bệnh viện có nhiều bác sĩ làm toàn thời gian có bề dày kinh nghiệm, danh tiếng, bệnh viện càng uy tín, thu hút người đến khám chữa bệnh.
Với giáo dục cũng thế. Do đó, trong tương lai, cuộc chiến săn lùng nhân tài trong những ngành này sẽ tiếp tục khốc liệt khi ngày càng có nhiều bệnh viện tư, cơ sở giáo dục tư nhân được hình thành.
Bà Nguyễn Phương Mai
* Theo bà, nói về giữ chân người tài, lương thưởng có phải là yếu tố quan trọng nhất không?
- Đối với những người đã ở vị trí quản lý, người có năng lực chuyên môn thật sự, dù lương thưởng vẫn là điều quan trọng vì nó xác định giá trị của họ trong thị trường lao động nhưng không phải là quan trọng nhất.
Những ứng viên cấp cao mà tôi có cơ hội phỏng vấn có một mẫu số chung khi nói về yếu tố khiến họ gắn bó với tổ chức: tầm nhìn của cấp quản lý, của lãnh đạo; sự rõ ràng trong định hướng phát triển tổ chức, định hướng phát triển cá nhân và văn hóa trao quyền. Rõ ràng trong tất cả những yếu tố trên, khối tư sẽ làm tốt hơn khu vực công.
* Nói vậy người tài rời bỏ khu vực công vì thu nhập khu vực tư nhân hấp dẫn hơn có phải là suy diễn?
- Tôi cho rằng cạnh tranh về thu nhập không ăn thua bởi ngay cả ở chiều ngược lại, có những người từ chối không về làm cho các đơn vị công lập dù cơ hội có thu nhập cao, thậm chí tốt hơn rất nhiều so với khu vực tư.
Theo chia sẻ của một số người, họ không muốn chuyển sang khu vực công vì cho rằng bộ máy các cơ quan, đơn vị công lập thường cồng kềnh, cách thức làm việc cứng nhắc, vận hành theo kiểu "sống lâu lên lão làng"...
Trong khi đánh giá hiệu quả công việc khu vực tư rất rõ ràng, hiệu quả công việc ở khu vực công vẫn là một dấu hỏi.
Những người có tài thật sự họ sẽ lo lắng không biết những điều họ tâm huyết có được quyền làm hay không. Khi không được làm những điều mà họ có chuyên môn, có kinh nghiệm họ lo ngại tài năng của họ sẽ bị mai một và thui chột nên e dè.
* Khi những tổ chức, doanh nghiệp quá ỷ y vào danh tiếng của họ - chuyện có thể thấy ở các đơn vị công lập vốn có bề dày thành tích hoạt động - mà không quan tâm đến đãi ngộ nhân tài, điều gì sẽ xảy ra, thưa bà?
- Đây là một điều khá phổ biến ở những đơn vị có niềm tin rằng họ có tiếng tăm, người tài này đi, sẽ có người tài khác đến, không cần làm quá nhiều để o bế người tài, không quan tâm đến việc xây dựng chính sách, chiến lược giữ chân người tài.
Đối với khu vực tư nhân, xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng thành công thì khó, mất đi rất dễ.
Nhiều công ty phải trả giá cho việc thiếu thốn chính sách đãi ngộ nhân tài, không coi trọng người tài. Họ phải tiêu tốn nhiều nguồn lực tài chính, thời gian để xây dựng lại thương hiệu nhà tuyển dụng, đội ngũ người tài. Thiệt hại có thể quy ra về mặt tài chính.
Liên hệ điều đó với khu vực công, tôi không rõ khi mất đi người tài thì liệu khu vực công có xem đó là bài học, sẵn sàng tạo ra sự thay đổi hay không?
Bởi có một thực tế là khu vực tư nhân khi mất tiền, đó là tiền của doanh nghiệp, tiền của nhà đầu tư, họ bắt buộc phải sửa chữa, phải thay đổi chiến lược để thu hút nhân tài.
Còn khu vực công có thể là tiền ngân sách, là "cha chung không ai khóc", là "lãnh đạo nhiệm kỳ" nên sự thúc đẩy để thay đổi, sửa chữa diễn ra chậm hơn.
Đâu là giọt nước tràn ly?
Với câu chuyện Bệnh viện Bạch Mai, tôi không rõ chuyện gì thực sự đang xảy ra ở đây và sau khi nghỉ việc họ rời đi đâu. Có thể là một bệnh viện công lập khác hoặc một bệnh viện quốc tế, tư nhân.
Những bác sĩ là giáo sư, tiến sĩ, họ là những người có thâm niên, chín chắn, không phải thế hệ 9X thích đi tìm cơ hội mới nên quyết định rời đi có lẽ là kết quả của nhiều vấn đề đã diễn ra trong một khoảng thời gian. Tôi tò mò đâu là giọt nước tràn ly khiến họ quyết định ra đi.
Bà Nguyễn Phương Mai
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận