Phạm Thị Dương, du học sinh ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) - Ảnh: NVCC
Thấy Tết người ta, lại thèm Tết nhà
Phạm Thị Dương, quê ở quận Kinh Dương (Hải Phòng), hiện là sinh viên Đại học Nông Lâm Phúc Kiến. Hơn 2 năm trước, Dương bắt đầu sang Trung Quốc học tập không lâu thì nước này ghi nhận những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới.
Vậy là từ đó đến nay, tính luôn xuân này là 3 mùa Tết mà bạn không thể về quê sum họp cùng gia đình. Dương cho biết dù 2 quốc gia "sát vách" nhưng hiện nay các chính sách cấp visa cho du học sinh mùa dịch khá khắt khe, không ít trường hợp về Việt Nam nhưng khi xin visa sang lại rất khó khăn.
Những mùa nghỉ lễ cuối năm, Dương chỉ loanh quanh thành phố Phúc Châu đang ở. Nhìn các bạn học người Trung Quốc nô nức đón xe về quê ăn Tết, Dương lại "thèm và nhớ nhà kinh khủng".
Đường phố Phúc Châu ngày Tết Nhâm Dần - Ảnh: PHẠM THỊ DƯƠNG
Ngắm đường phố Tết ở xứ người, Dương càng da diết những cái Tết ở quê hương. Dương nhớ những ngày giáp năm ở Hải Phòng, đường phố lộng lẫy đèn và trang trí Tết.
Đi đâu nhạc xuân cũng xập xình bên tai. Dọc đường, người người bán đầy hoa đào, quất. Bước sang giao thừa thì nhà nhà đi thăm viếng, chúc tụng lẫn nhau.
Dương không thể quên hương vị mâm cơm Tết. Dương kể bữa cơm Tết của người Trung Quốc lúc nào cũng phải có cá, giống như món bánh chưng đặc trưng của Việt Nam.
Để đỡ nhớ hương vị Tết quê hương, Dương cũng tự làm một mâm cơm nhỏ, đặc biệt không thể thiếu món gà luộc tuyệt ngon mà bố mẹ vẫn thường kỳ công làm mỗi đầu năm.
"Bố mẹ ơi, con thật tiếc lại một cái Tết con không về với bố mẹ được. Con chúc bố mẹ thật nhiều sức khỏe và đợi con về nhé. Con yêu gia đình mình nhiều lắm".
Du học sinh Phạm Thị Dương
Đón Tết ngoài đảo ở nam bán cầu
Phong cảnh ở Tasmania, nơi Thanh Bình đang học tập - Ảnh: NVCC
Năm 2019, Nguyễn Thanh Bình bắt đầu hành trình du học tại trường Đại học Công nghệ Swinburne. Sau hơn 2 năm, Bình chuyển tiếp chương trình sang Đại học Tasmania, nằm trên hòn đảo phía nam của Úc.
Gần 2 tháng nữa là tròn 4 năm Bình chưa về nhà. Vòng xoáy cuộc sống cứ cuốn Bình đi, cộng với diễn biến dịch COVID-19 phức tạp suốt 2 năm qua đã làm Bình không thể về Việt Nam sum họp.
Bình kể cộng đồng người Việt ở những thành phố lớn của Úc thường hoạt động sôi nổi nhưng trên hòn đảo này thì không nhiều nên Tết cũng kém phần náo nhiệt.
Thế nên càng gần Tết thì Bình lại càng nhớ phong vị quê nhà và bố mẹ. Mọi năm, suốt 3 mùng đầu tiên của Tết, Bình đều liên lục gọi video về cho bố mẹ và chúc Tết qua Internet không thiếu ngày nào.
"Cám ơn ba mẹ vì đã tin tưởng, ủng hộ, giấu bớt những cảm xúc lo lắng để âm thầm ủng hộ và tạo động lực giúp con tiếp tục hành trình này. Con biết ba mẹ xót nhưng con muốn ba mẹ tin là đích đến sau hành trình này là một điều thực sự có ý nghĩa với bản thân con".
Du học sinh Nguyễn Thanh Bình
Diệu Linh đã hơn 3 năm chưa thể về nhà - Ảnh: NVCC
Trong khi đó, Diệu Linh, sinh viên ngành truyền thông và IT tại Đại học Công nghệ Queensland (Úc), chia sẻ hơn 3 năm ở Úc chưa thể về nhà. Ngày xuân ở Úc, nhịp sống hối hả, người người vẫn đi làm, đi học, đôi lúc khiến Linh quên mất những ngày Tết cổ truyền đang cận kề.
"Vì vậy nhiều khi mình chỉ muốn trong những ngày này chỉ cần một bữa ăn cùng gia đình, được nói chuyện với người thân bên bữa ăn là đã rất đủ cho một mùa Tết rồi", Linh nói.
Anh Nguyễn Phúc Bình, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc, chia sẻ năm nay hội sẽ ưu tiên để các bạn thanh niên sinh viên tham gia vào chương trình Tết cộng đồng do các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Úc tổ chức.
Tại đây, các bạn đã được hòa mình vào không khí Tết như ở quê nhà, này là bánh chưng bánh tét, dưa chua, củ kiệu, giò chả, nem rán, canh măng chua, thịt kho,…
Hay vào những đêm giao thừa, các nhóm sinh viên sẽ quây quần tại nhà bạn bè đồng hương, cùng nhau cắt bánh chưng, thưởng thức ômai và mứt Tết mua ở chợ Việt Nam. Sau đó, các bạn có thể đón giao thừa bên nhau và đi chùa lễ Phật.
Mai Lan (bìa phải) cùng gia đình sum vầy những ngày Tết ở Việt Nam - Ảnh: NVCC
Chuẩn bị Tết trước cả tháng
Dương Thị Mai Lan, hiện đang nghiên cứu tại phòng thí nghiệm LRGP, thuộc Viên nghiên cứu khoa học CNRS, Nancy (Pháp), cho biết cộng đồng người Việt ở Pháp rất đông và hầu như TP lớn nào cũng có hội sinh viên hoạt động.
Tết thường là thời gian các chi hội hoạt động mạnh mẽ nhất với các hoạt động gói bánh chưng và chương trình văn nghệ - ẩm thực.
Có năm Lan là trưởng ban ẩm thực của hội sinh viên tại Rennes, cô cùng các anh chị em trong hội phải chuẩn bị đồ ăn cho 300 người, gần như thức trắng đêm để nấu nướng. Mệt nhưng vui, Lan vẫn tham gia chuẩn bị 3-4 tiết mục múa và diễn áo dài.
"Có khi mình thấy Tết còn dài hơn ở Việt Nam nữa vì phải chuẩn bị chương trình trước cả tháng và sau Tết vẫn liên tục tụ họp ăn uống hết tháng giêng", Lan nói.
"Nhưng khi ở Việt Nam, Tết là đoàn tụ cùng gia đình và họ hàng, được nghỉ ngơi và được lì xì. Đấy là những điều không tìm được ở Pháp", cô nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận