22/09/2024 15:32 GMT+7

Địa phương nào ở TP.HCM có nhiều hồ sơ nhà đất vướng thuế đất nhất?

Sau chấp thuận của UBND TP.HCM về lấy bảng giá đất hiện hành để tính thuế đất từ 1-8-2024, cơ quan thuế đang tập trung giải quyết hồ sơ tồn.

Địa phương nào ở TP.HCM có nhiều hồ sơ nhà đất vướng thuế đất nhất? - Ảnh 1.

Người dân đi làm hồ sơ nhà đất tại TP Thủ Đức đang đợi tính thuế đất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cục Thuế TP.HCM yêu cầu các chi cục thuế làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật để giải quyết hồ sơ tồn đọng về thuế đất và nhấn mạnh không được để phát sinh phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Theo thống kê, từ ngày 1 đến 30-8-2024 đã có 8.839 hồ sơ nhà đất chuyển thông tin địa chính sang cơ quan thuế để tính nghĩa vụ tài chính, thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và các khoản thu từ đất...

Trong số đó có 1.669 hồ sơ cấp giấy chứng nhận, 284 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, 4.711 hồ sơ đăng bộ (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế) có phát sinh nghĩa vụ tài chính và 2.229 hồ sơ đăng bộ không phát sinh nghĩa vụ tài chính.

Trong tổng số hồ sơ tồn ở thuế thì nhiều nhất là TP Thủ Đức (1.878 hồ sơ), huyện Hóc Môn (1.772 hồ sơ), huyện Củ Chi (1095 hồ sơ), Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (471 hồ sơ), quận Tân Phú (382 hồ sơ), quận Gò Vấp (362 hồ sơ), huyện Nhà Bè (348 hồ sơ)...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 1-8 triển khai Luật Đất đai 2024, các đơn vị đăng ký đất đai ở TP.HCM vẫn thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ nhà đất để giải quyết theo quy định.

Theo quy trình, hồ sơ nhà đất sau đó sẽ được các đơn vị xử lý, chuyển thông tin địa chính sang cơ quan thuế để cơ quan thuế tính toán nghĩa vụ tài chính, thuế đất, thu nhập cá nhân...

Theo chỉ đạo ngày 21-9 của UBND TP.HCM thì cơ quan thuế sẽ căn cứ bảng giá đất hiện hành (theo quyết định 02/2020 của UBND TP.HCM) nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất (mức cao nhất là 3,5 theo quyết định 56/2023 của UBND TP.HCM) làm cơ sở tính toán. Đây là cách tính mà cơ quan chức năng ở TP.HCM vẫn áp dụng trước thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực (1-8-2024).

Sau khi cơ quan thuế tính toán xong nghĩa vụ tài chính, các khoản thu khác của từng hồ sơ thì thông tin từ cơ quan thuế sẽ được chuyển đến người nộp hồ sơ. Căn cứ vào đó người nộp hồ sơ phải hoàn tất đóng các khoản tiền trên.

Tiếp đó hồ sơ nhà đất của người dân sẽ được giải quyết (cấp giấy chứng nhận, đăng bộ...) và trả kết quả.

Như đã thông tin, chiều 21-9, UBND TP.HCM chỉ đạo lấy bảng giá đất hiện hành để tính thuế đất từ 1-8-2024 cho đến khi có bảng giá đất điều chỉnh.

UBND TP.HCM giao Cục Thuế TP.HCM theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện giải quyết các hồ sơ đất đai tồn đọng phát sinh từ ngày 1-8.

Thời gian qua do TP.HCM điều chỉnh bảng giá đất theo quyết định 02 nên Cục Thuế TP đã tạm ngưng giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế khiến người dân gặp khó khăn.

Địa phương nào ở TP.HCM có hồ sơ nhà đất vướng thuế nhiều nhất? - Ảnh 2.Cục Thuế TP.HCM làm việc cả cuối tuần để giải quyết hồ sơ đất tồn đọng

Cục Thuế TP.HCM yêu cầu các chi cục thuế làm việc cả các ngày thứ bảy, chủ nhật để giải quyết hồ sơ tồn đọng và nhấn mạnh không được để phát sinh phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên