02/04/2019 09:02 GMT+7

Địa phương không thể can thiệp khi ngư dân bị xiết nợ 'tàu 67'

PHAN SÔNG NGÂN Thực hiện
PHAN SÔNG NGÂN Thực hiện

TTO - Ngân hàng kiện chủ tàu, chủ yếu là những trường hợp không thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng vay vốn đã ký kết với ngân hàng, để thu hồi nợ là thực hiện theo quy định của pháp luật, địa phương không thể can thiệp.

Địa phương không thể can thiệp khi ngư dân bị xiết nợ tàu 67 - Ảnh 1.

Ông Trần Sơn Hải - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: TT

Đã vay vốn phải trả nợ, ông Trần Sơn Hải - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc Agribank chi nhánh Khánh Hòa khởi kiện nhiều chủ tàu 67 (tàu vỏ theo đóng theo cơ chế cho vay vốn của Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân - PV) để đòi nợ.

Ông Hải nói: Chính việc lồng chính sách hỗ trợ vào hoạt động làm ăn, kinh doanh của doanh nghiệp đã dẫn đến nhiều hệ lụy bởi quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp hay với khách hàng, với ngư dân... là quan hệ hợp đồng kinh tế, có vay phải có trả nếu khách hàng không muốn bị đưa ra tòa.

Theo phía Agribank chi nhánh Khánh Hòa, việc phải khởi kiện ra tòa để đòi nợ vốn đã cho vay là "chuyện chẳng đặng đừng". 

Vì ngân hàng cho rằng họ có theo dõi, biết được các trường hợp khách hàng là ngư dân vay vốn đó có thu nhập từ tài sản hình thành từ vốn vay đóng tàu, nhưng ngư dân lại kêu không có thu nhập nên không chịu trả nợ vay cho ngân hàng.

Địa phương không thể can thiệp khi ngư dân bị xiết nợ tàu 67 - Ảnh 2.

Tàu của ông Trần Ngọc Đông - một trong ba chủ tàu bị khởi kiện - Ảnh: V.ANH

* Đây là chương trình hỗ trợ ngư dân, theo ông, vì sao có chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" này?

- Tôi cho rằng đang có sự lẫn lộn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước và hoạt động doanh nghiệp. Đúng ra, kinh doanh của doanh nghiệp không thể lẫn lộn với chính sách hỗ trợ, mà phải tách bạch.

Nếu đã hỗ trợ - tức giống như "cho ngư dân" thì phải cho luôn, đằng này Nhà nước "cho ngư dân" mà lại thực hiện thông qua hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Trong khi đó, ngân hàng hoạt động phải tính đến chuyện lỗ lãi, phải thu hồi vốn, phải có trách nhiệm với nguồn vốn kinh doanh. Do đó, nếu hỗ trợ cho dân mà lại thông qua hoạt động của ngân hàng và khi bị thiệt hại, thua lỗ lại bắt ngân hàng phải gánh chịu là chưa hợp lý. 

Nếu đã bị thiệt hại vì chính sách, Nhà nước phải gánh chịu mới đúng, ngân hàng thương mại đâu phải là "ngân hàng chính sách" mà bắt họ phải chịu.

* Làm sao để không tái diễn cảnh ngân hàng lôi chủ tàu ra tòa, thưa ông?

- Khi ngư dân đi vay, trong hồ sơ vay vốn có rất nhiều cơ quan đóng dấu, có thể nói có cả chục con dấu đóng vào đấy và đều đồng ý hết, nào là phương án, thiết kế, nào là xác nhận hoàn cảnh này nọ, xác định đủ thứ trách nhiệm trong hồ sơ. 

Thế nhưng, nếu có xảy ra chuyện gì sau khi cho ngư dân vay, chỉ có ngân hàng bị "nắm tóc", một mình ngân hàng lo đi đòi nợ. Những "ông khác" đã ký tên, đóng dấu trong hồ sơ đề nghị cho vay vốn đó lại không chịu trách nhiệm gì.

Để tránh tình trạng này, theo tôi, cái nào thuộc chính sách ưu đãi cho dân thì nên đưa thành một kênh riêng, không lồng chính sách vào hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh, trong trường hợp này là các ngân hàng thương mại.

Kiến nghị thu giữ tàu

TTO - Sau khi ngân hàng Agribank khởi kiện 3 chủ tàu "67" do "dính" nợ xấu, BIDV Khánh Hoà cũng vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hoà thu giữ những tàu "67" gây nợ xấu, cấm xuất bến những tàu không mua bảo hiểm.

PHAN SÔNG NGÂN Thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên