Nguồn: LAN ANH - Đồ họa: N.KH.
Không để xảy ra thiếu thuốc cục bộ
ThS.DS Đỗ Văn Dũng, trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ năm 2016 đến nay Sở Y tế đã chuyển sang vừa đấu thầu tập trung, vừa đấu thầu riêng lẻ thay vì chỉ đấu thầu tập trung như hai năm trước. Hiện Sở Y tế TP.HCM tổ chức đấu thầu tập trung 106 mặt hàng thuốc do Bộ Y tế giao nhiệm vụ, chiếm khoảng 10-15%, còn lại 80-85% các bệnh viện sẽ tự đấu thầu.
Với câu hỏi tại sao năm 2014-2015 TP đấu thầu tập trung thuốc nhưng từ năm 2016 đến nay TP.HCM vừa đấu thầu tập trung vừa riêng lẻ, ông Dũng công nhận đấu thầu riêng lẻ chi phí lớn, mất thời gian, giá trúng thầu có thể rất khác nhau... Còn đấu thầu tập trung chuyên nghiệp hơn, thay vì đấu trên mấy chục hội đồng thì chỉ cần qua một hội đồng...
Tuy nhiên, theo ông Dũng, do phải cung cấp thuốc với số lượng lớn nên giai đoạn đầu của đấu thầu tập trung có khả năng xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ.
Đấu thầu tập trung hay riêng lẻ đều có ưu và nhược điểm. Nhưng do chỉ đạo của UBND TP.HCM theo hướng tăng quyền tự chủ cho các đơn vị nên theo ông Dũng, việc đấu thầu thuốc tập trung đã chuyển lại như hiện nay. Ở cấp quốc gia, ông Dũng cho rằng bài toán vẫn là làm sao để một đơn vị trúng thầu đảm bảo cung ứng đủ thuốc.
PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, nguyên phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng đấu thầu tập trung trên lý thuyết là rất tốt vì sẽ tiết kiệm khi tập trung về một mối... Khi đấu thầu tập trung sẽ chỉ có một giá thuốc nên bảo hiểm y tế thanh toán rất thuận tiện. Ngoài ra, còn có hi vọng khi đấu thầu tập trung giá có thể giảm vì mua số lượng lớn.
Tiêu cực, nếu có sẽ rộng hơn...
Tuy nhiên, khi còn là phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, bà Lan cho biết từng xây dựng đề án đấu thầu tập trung nhưng sau đó bà quyết định không làm vì đấu thầu tập trung đẹp trên lý thuyết, còn khi áp dụng vào thực tế sẽ lợi bất cập hại.
Hơn nữa, theo bà Phong Lan, đấu thầu tập trung chưa hẳn sẽ loại bỏ được tiêu cực mà nếu có, nó sẽ trải trên diện rộng. Đấu thầu tập trung nếu xảy ra sự cố gì như vụ VN Pharma, lấy thuốc kém chất lượng để đấu thầu, trúng thầu sẽ ảnh hưởng trên diện rộng...
Theo PGS Phạm Khánh Phong Lan, với một tỉnh nhỏ đấu thầu tập trung sẽ có lợi hơn nhưng ở TP lớn, quốc gia là khó. Bà Phong Lan cho rằng cách hay nhất là không nên đấu thầu mà nên tính toán, tham khảo giá thuốc ở thị trường các nước, nếu là hoạt chất đó, biệt dược đó giá bao nhiêu... từ đó tính ra khung giá trần, sau đó bảo hiểm y tế dựa vào đó thanh toán, còn mua ở đâu là chuyện của bệnh viện. Như các bệnh viện tư, theo bà Lan, có bệnh viện giỏi thương lượng đã mua được thuốc chất lượng với giá "phải chăng".
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (giám đốc Bệnh viện Hùng Vương):
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (giám đốc Bệnh viện Hùng Vương)
Lo bệnh viện phải đi mượn thuốc
Trong hai năm Sở Y tế TP.HCM tổ chức đấu thầu thuốc tập trung, kết quả đều thực hiện chưa tốt, có những lúc bệnh viện thiếu thuốc phải đi... mượn. Có lẽ vì vậy nên sau đó lãnh đạo TP đã chỉ đạo cho các bệnh viện tự đấu thầu thuốc.
Đấu thầu tập trung cần có một đội ngũ tinh nhuệ, chứ như vừa qua, khi Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung đã kêu nhân sự của các phòng, khoa dược của các bệnh viện lên sở mấy tháng trời để làm việc. Nhưng nhu cầu của mỗi bệnh viện khác nhau nên áp chung đã phát sinh nhiều khúc mắc.
Từ khi Sở Y tế giao cho các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu, tình hình ổn hơn nhiều và đáp ứng được chuyên môn của bệnh viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận