Địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi xã?

PHẠM HOÀNG QUÂN 07/04/2025 08:45 GMT+7

TTCT - Cấp hành chính cơ sở hiện nay gọi là xã, vốn là tổ chức dân cư lâu đời nhất trong lịch sử, phát triển từ những cộng đồng người ban sơ sống quần tụ thành nhóm như bộ lạc, thị tộc, công xã.

sử - Ảnh 1.

Bản đồ Nam Kỳ 1874 (trích). Bản đồ này tuy vẽ năm 1874, nhưng đã phục dựng ranh giới các xã thôn theo tư liệu triều Nguyễn, tức phạm vi và tên thôn xã gần khớp với ghi chép Địa bạ 1836. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Những tập tục riêng gọi là "lệ làng" (nếu ghi chép hẳn hoi gọi là "hương ước") của cộng đồng thôn xã, vốn tồn tại độc lập với "luật lệ triều đình" có lẽ là dấu vết tỏ rõ sự tự trị tự quản từ xa xưa. 

Từ một cộng đồng tụ cư tự nhiên chất phác, đến chịu sự quản lý của các loại nhà nước, trở thành xã hội thu nhỏ với tầng thứ rườm rà phức tạp, đến một cơ chế đồng bộ văn minh là cả quá trình mấy ngàn năm.

Hương, giáp, xã và dấu ấn trong ngôn ngữ

Sách An Nam chí thời Minh chép: "Trong đất Giao Chỉ, ban đầu vẫn không chia ra những thành, quách (ngoại thành), hương, trấn. Theo Việt ngoại kỷ của Thứ sử nhà Đường Khưu Hòa, thì trong thời Đường bắt đầu đem các châu, huyện chia ra làm: huyện có hương lớn, hương nhỏ, xã lớn, xã nhỏ. 

Xã nhỏ từ 10 đến 30 hộ, xã lớn từ 40 đến 60 hộ, hương nhỏ từ 70 đến 150 hộ, hương lớn từ 160 đến 540 hộ. Sau Khúc Hạo đổi hương làm giáp, đặt thêm 150 giáp, cộng cả cũ mới là 314 giáp".

Mẩu sử liệu này cho thấy hương, xã và giáp đã được nói đến trước khi Ngô Quyền tự chủ. Hương (鄉), từ thời Chu đã từng dùng gọi khu vực hành chánh, Chu lễ, "Địa quan, Đại Tư đồ" viết: "5 nhà làm 1 tỉ, 5 tỉ làm một lư, 4 lư làm một tộc, 5 tộc làm một đảng, 5 đảng làm 1 châu, 5 châu làm một hương" (hương, 12.500 nhà).

Tuy nhiên, sử liệu cho thấy số hộ trong một hương ở hai nước Tề, Sở thời Xuân Thu - Chiến Quốc chép chỉ là 2.000, tức chưa bằng 1/6 hương thời Chu. Thời Hán, hương 1 vạn hộ; thời Đường - Tống, "100 hộ làm lý, 5 lý làm 1 hương" (hương, 500 hộ). 

Thời Khúc Hạo đổi gọi hương là giáp, lại tăng số giáp lên gấp đôi (tức chia tách các hương cũ), thì 1 giáp khoảng từ 250 đến 500 hộ.

Từ hương đảng về sau hay dùng phiếm chỉ làng xóm thôn quê bắt nguồn từ cách đặt định những tầng bậc đơn vị nói trong Chu lễ. Tuy không dùng đã lâu nhưng chữ hương đã để lại dấu tích rất sâu đậm trong lời nói và cả văn từ như hương thôn (làng mạc), cố hương (quê cũ), hương ước (quy ước xã thôn). 

Đặc biệt là trong cộng đồng hương chức (hội đồng kỳ mục) tên gọi các ngôi thứ cao toàn dùng chữ hương (hương cả, hương chủ, hương sư, hương văn…), tức là theo giấy tờ đáng lý phải gọi Thôn cả hoặc Xã cả (ông Cả trong thôn, xã), thì lại gọi Hương cả.

Giáp (甲), trong cổ thư trước thời Đường không thấy dùng để chỉ khu vực dân cư. Sử liệu thời Tống thì viết "lấy 10 hộ làm 1 giáp, đứng đầu gọi Giáp trưởng", tức giáp là một đơn vị dân cư rất nhỏ. Việc Khúc Hạo đổi hương làm giáp (tương đương xã) có thể là đặt ra cách gọi riêng.

Xã (社), cổ thư cho nghĩa gốc là từ chỉ thần đất, thần Hậu thổ (Lễ ký, "Nguyệt lệnh", Trịnh Huyền chú, Quốc ngữ, "Lỗ ngữ", Vi Chiêu chú). Trong thời Xuân Thu - Chiến Quốc cũng dùng chữ xã để chỉ khu vực đất đai. 

Sách Quản tử, "Thừa mã" viết: "Đất vuông sáu dặm gọi là xã". Về dân số thì Yến tử xuân thu viết: "25 nhà làm 1 xã". Thời Nguyên, Nguyên sử, "Thực hóa chí" viết: "50 nhà làm 1 xã, lấy người cao niên hạnh tốt làm trưởng".

Sử học bị khảo viết: "Nhà Trần, niên hiệu Kiến Trung (1226-1232) đặt chức xã quan quản lý cấp xã, chia 2 hạng lớn nhỏ, gọi là Đại tư xã, Tiểu tư xã. Năm Quang Thái (1388-1398), bãi các chức ấy, đặt quan Hương đình". Như vậy, đơn vị xã nhà Trần có địa bàn và dân số lớn hơn xã bên Trung Quốc cùng thời.

Đại Việt sử ký toàn thư lại chép: "Năm Đinh dậu (1297), tháng 2, đổi giáp thành hương", tức hình thức hương và giáp có thể vẫn còn dùng trong một số địa bàn khác.

Những tên gọi đặc thù

Thời Lê, năm Hồng Đức thứ 21 (1490), quy định 3 hạng xã, đại xã trên 500 hộ, trung xã trên 300 hộ, tiểu xã trên 100 hộ (Toàn thư), tương đương với xã, còn có các phường, trang, trại, sách, động, tùy tính chất và điều kiện địa lý. 

Dư địa chí chép hệ thống quản lý hành chính cấp cơ sở với nhiều cách gọi khác nhau: "Triều ta [Lê] thống nhất, chia đất nước làm 15 đạo. Gồm 56 phủ, 187 huyện, 514 châu, 1 hương, 9.728 xã, 294 thôn, 519 phường (坊), 119 châu (州), 116 trang (庄), 534 động (洞), 465 sách (册), 515 sở (所), 714 trại (寨), 16 nguyên (源), 110 duềnh (溋)".

sử - Ảnh 2.

Một trang trong Dư địa chí, nói về các đơn vị hành chính trước Lê và đầu nhà Lê. Bản Ức Trai di tập, Phúc Khê tàng bản 1868, in lại trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Nhà xuất bản Văn Học, 2000. Ảnh: Tư liệu PHQ

Nhìn qua các tên gọi, phần nào có thể hình dung được đó là những đơn vị dân cư được định theo khu vực địa lý, như sách, động, trại, nguyên (nguồn) áp cho các nơi vùng cao. Chữ sách (册) tá dụng đồng nghĩa chữ sách (柵), cổ thư Trung Quốc cho nghĩa là "hàng rào", không dùng để chỉ khu vực địa lý hay cụm dân cư, sử Việt dùng để chỉ cụm dân cư, gần như chữ động.

Chữ Động (洞), nghĩa ban đầu là chỉ "dòng nước chảy ngặt", "xuyên thấu", "hang động", về sau cũng dùng thông nghĩa với chữ Động (峒), chỉ đơn vị cư dân. Tống sử, "Man di truyện" chép một số động là đơn vị hành chính thuộc châu ky mi, nên chữ động này dùng theo nghĩa thời Tống. 

Trong những sở, trại, trang, duềnh thì có chữ "duềnh" (溋) rặt là nôm, dùng nhiều trong thơ nôm, chỉ "dòng nước". Quốc âm thi tập có câu: "Phơ phơ đầu bạc ông câu cá. Leo lẻo duềnh xanh con mắt mèo" (Tự thán) [Khang Hi và nhiều tự điển Hán không thấy nhập chữ "溋"].

Thiên Nam ngữ lục ngoại kỷ (thế kỷ 17) có câu: "Đặt làm phủ, huyện, xã, thôn. Có vạn (澫), có phường, có trại, có trang". Có thể chữ vạn này là hình thức mở rộng nghĩa hoặc thay nghĩa cho chữ duềnh (đều có bộ thủy) chỉ ngành nghề liên quan sông nước. 

Phỏng định rằng duềnh hay vạn chỉ những nhóm dân chài sống bên sông, tương đối ổn định, có đóng thuế. Chữ để chỉ cụm dân cư gọi là "vạn" (vạn đò, vạn chài, phường nghề…) ở đàng trong viết là "蔓" (mượn chữ mạn Hán, đọc nôm là vạn).

Địa bạ 1836 còn chép tên "vạn Phú Long", chỉ một xóm dân chài, nơi giáp giới thôn Long Hương (huyện Phước An, nay Bà Rịa) với tấn thủ Cần Giờ (tỉnh Gia Định). Vạn này định cư trên cù lao bên phải cửa sông Cái Mép (nay có thể đi theo đường tỉnh 995 để qua cù lao này).

Nhìn chung những danh từ chỉ nhóm dân cư đặt gọi ở miền cao, nơi đồng bằng vắng vẻ, hoặc miền ven biển, là những nơi dân cư không làm nông mà làm các nghề khác như khai thác nguồn lợi núi rừng (lấy gỗ, lấy hương, săn bắt, khai khoáng...), và nguồn lợi sông biển (đánh cá, làm muối...), đại khái là những cụm dân có nộp thuế nhưng chưa thể quy hoạch làm xã, thôn.

Chúa Nguyễn đàng trong cũng đặt chức xã quan, lại có đơn vị thuộc đặt những nơi mới khai khẩn. Thuộc (屬), nghĩa cổ là tụ họp (Lễ ký, "Thu quan, Đại hành nhân"), lại cũng có nghĩa chỉ một khu vực hành chính. Lễ ký, "Vương chế" viết: "Ngoài ngàn dặm đặt chức phương bá; 5 nước làm 1 thuộc, có chức trưởng; 10 nước làm 1 liên đặt chức soái". 

Còn ở nước Tề thời Xuân Thu thì "10 huyện làm 1 thuộc, đặt chức đại phu". Như vậy đơn vị thuộc thời chúa Nguyễn có lẽ chỉ dùng cách gọi xưa nhưng thực chất lại khác xa với nghĩa xưa.

Chúa Nguyễn quy định đại khái là thuộc trên 500 người đặt chức Cai thuộc và 1 Ký lục; thuộc dưới 450 người đặt chức Ký thuộc; thuộc dưới 100 người đặt chức Tướng thần. 

Sau thống nhứt (1802), triều Gia Long vẫn còn rất nhiều đơn vị tương đương cấp xã được gọi tên khác. Gia Định thành thông chí thống kê năm 1820 thấy gồm: thôn, xã, phường, lân (鄰), ấp (邑), xóm (坫), trại (寨).

Thôn (村), phường (坊), bắt đầu dùng để chỉ tổ chức dân cư nông thôn và thành thị vào thời Tùy Đường. Cựu Đường thư, "Chức quan chí" viết: "100 hộ làm 1 lý, 5 lý làm hương. Ở hai kinh và nội ô châu huyện chia làm phường, bên ngoài thì chia làm thôn". 

Cũng sách này, "Thực hóa chí" lại viết: "Chốn đôi hội gọi phường, ở chốn ruộng đồng gọi thôn". Những đơn vị lân, ấp, trại, xóm còn khá nhiều trong danh sách mà Phủ biên tạp lục 1776 và Gia Định Thành thông chí 1820 chép; và trong Địa bạ Nam kỳ lục tỉnh 1836 vẫn còn vài trường hợp chép các đơn vị thuyền, hộ, trại.

"Thuyền" vốn là tên phiên chế một đơn vị quân đội, chuyển lính làm dân, định cư lập nghiệp, như các thuyền Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam ở huyện Phước An (3 thuyền này sau đổi gọi thôn, nay thuộc thành phố Vũng Tàu). 

Chữ trại, sử thư thời nhà Tùy dùng với nghĩa "nơi đóng quân có hàng rào", như nay gọi doanh trại, trong văn chương cũng có khi dùng với nghĩa "thôn trang". Ở Đàng trong, chúa Nguyễn từng đặt "trại" gần như "thuộc", chỉ vùng sản xuất chuyên canh, như "trại An Hòa thuộc Bả Canh" (nay trong địa bàn xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).

Đến năm 1836, đơn vị trại, thấy còn một nơi được chép là Da Nguyên trại (tổng Bảo Hựu, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long, đất trại này nay thuộc địa bàn thành phố Bến Tre). 

Riêng tên này, Địa bạ Vĩnh Long 1994 dịch sai là "Na Nguyên trại", nên đọc sẽ không hiểu nghĩa địa danh. Da Nguyên (椰原) là do Hán hóa tên Giồng Dừa, cái tên thật hợp với đặc sản xứ sở.

Ấp (邑), thời cổ đại vốn chỉ nơi kinh đô hoặc đất phong chi các hầu quốc. Ấp lại cũng có nghĩa chỉ nơi dân chúng tụ cư, theo Chu lễ, "Địa quan" thì ấp là một cách gọi khác của lý. Thượng Thư đại truyện nêu thứ bậc chi tiết: "Xứ sư thời xưa, 8 nhà là lân (鄰), 3 lân là bằng (朋), 3 bằng là lý (里), 5 lý là ấp (邑), 10 ấp là đô (都), 10 đô là sư (師), châu có 12 sư". 

Trong Chu lễ, "Địa quan, Tiểu tư" đồ viết: "9 phu là tỉnh (井), 4 tỉnh là ấp, 4 ấp là khâu (丘), 4 khâu là điện (甸), 4 điện là huyện, 4 huyện là đô. Trịnh Huyền chú: 4 tỉnh là ấp, vuông 2 dặm".

Địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi xã? - Ảnh 3.

Học sinh tại cơ sở 3 của Trường tiểu học Ngô Kha chơi đùa trước đình làng Thế Lại Thượng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Ảnh: Nhật Linh

Làng từ đâu ra?

Từ xưa người Việt cũng từng dùng những từ ấp, lân, lý để chỉ những cụm dân cư nhỏ, là theo cách gọi cổ xưa, nhưng phạm vi và quy mô có thay đổi. Ấp độ chừng 30 nhà thời Quản Trọng có lẽ gần với quy mô dân số của ấp đầu thời Nguyễn, như nay vẫn còn dùng từ ấp chỉ địa bàn cơ bản thuộc cấp xã ở miền Nam (khoảng vài trăm nhà).

Tên ấp nhiều nơi giữ được địa danh thuộc lớp sơ khai do tiên dân tự đặt, tức vẫn gọi theo tên xứ ngày xưa, như ấp Cái Rắn (vốn là xứ Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), ấp Ruột Ngựa (xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), ấp Lào Táo (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM).

Một từ rất quen thuộc là làng (tương đương với xã, thôn), tuy xuất hiện từ rất sớm trong lời ăn tiếng nói và thơ văn xưa, nhưng không được dùng trong văn bản sử thư. Quốc âm thi tập (thơ Nôm) của Nguyễn Trãi có nhiều câu dùng từ làng (廊) với nghĩa chỉ khu vực dân cư, như "Tằm ươm lúc nhúc thuyền đầu bãi. Hàu chất so le, cụm cuối làng" (Ngôn chí 8). 

Chữ này mượn chữ Lang (廊) trong tiếng Hán vốn chỉ có nghĩa là "hành lang", không liên quan với thôn xóm. Thời Pháp dùng chữ làng thay cho xã, thôn.

Từ đời Minh Mạng, qua nhiều lần cải đổi các cách gọi cấp hành chính cơ sở, hợp thức hóa những địa bàn miền cao hay miền hoang vu và địa bàn các dân tộc, thống nhất đặt làm thôn (hoặc xã, phường). 

Theo các ghi chép trong Địa bạ (1836) ở địa bàn Nam kỳ, thôn là đơn vị đủ chuẩn dân cư đất đai, xã quy mô nhỏ hơn thôn, phường thường dùng gọi các làng nghề và nơi thị tứ, ba đơn vị này ngang địa vị và đều thuộc tổng.

Như trên là điểm qua những danh từ chỉ các cấp hành chính trong hệ thống quản lý nhà nước phong kiến các đời ở Trung Quốc và Việt Nam, nhiều danh từ đã mất đi hoặc biến đổi, cũng có những danh từ được định hình và áp dụng đến nay như tỉnh, thành (phố), quận, huyện, (thị) trấn, xã, phường. 

Trong lịch sử, việc thay đổi cách gọi đối với một khu vực hành chính kéo theo thay đổi địa danh hành chính đã diễn ra rất nhiều lần, do sự thay đổi triều đại hay do các cải cách nhằm đến một cơ chế tốt hơn. ■

Về khu vực hành chính cấp 1, cùng một không gian địa lý miền Bắc ngày nay, xưa kia nhà Ngô chia nước làm 50 phủ, nhà Lý chia làm 24 lộ, nhà Trần chia làm 12 lộ, sự giảm dần theo xu hướng tinh gọn đã thấy rõ vậy, nhưng Thượng hoàng Trần Nhân Tông khi coi sổ sách bổng lộc các quan đã từng nói với Anh Tông: "Sao nước có bằng bàn tay mà lại ban chầu nhiều đến thế" (Toàn thư, quyển 7, năm 1320).

Dù cải cách nhiều lần, cuối triều Nguyễn vẫn áp dụng đến 3 cấp trung gian phủ - huyện - tổng so với 2 cấp phủ - huyện vốn đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử.

Nếu phân tích kỹ về chức năng và thẩm quyền sẽ thấy rõ các cấp này chồng chéo không ít giữa chức năng giám sát và thực thi. Nhà nước quân chủ xưa cách xa người dân cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Trong điều kiện giao thông chậm chạp, phải đặt ra cơ chế nặng tính giám sát hầu hạn chế tiêu cực trong nội bộ quan lại. Mặt khác, với nền kinh tế nông nghiệp chưa hoàn chỉnh, riêng việc quản lý, phân hạng đất đai cũng chưa ổn định, nên việc theo dõi thuế khóa là điều đáng phải bận tâm tốn sức của các vị vua xưa.

Cấp hành chính cơ sở thôn (xã, phường) phải trải qua rất nhiều đời với nhiều cách gọi lấn cấn phức tạp đến cuối thời Nguyễn mới tạm ổn.

Theo đà tiến triển xã hội, với mạng lưới giao thông vượt bậc cộng không gian công nghệ số ngày nay, dựa vào những điều kiện thuận lợi ấy để cải cách việc quản lý hành chính tinh gọn với 2 cấp tỉnh - xã sẽ là một bước tiến ngoạn mục, có thể là tiền đề cho nhiều cơ hội phát triển, cũng phần nào là trở lại với cách làm của tiền nhân xưa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận