Ứng viên Donald Trump tổ chức diễn thuyết ngay tại đường băng sân bay ở Kinston, bang North Carolina tối 26-10 - Ảnh: Reuters |
Buổi diễn thuyết vận động tranh cử trong giai đoạn chờ nhân vật chính, ồn ào với thứ âm nhạc inh tai. Rồi nghe thấy có phát thông báo: “Nếu những kẻ biểu tình chống Trump có mò vào buổi mít-tinh của chúng ta, xin vui lòng đừng động chạm đến họ mà hãy gọi cho lực lượng bảo vệ an ninh”. Cũng không thấy gì biến động.
Tất cả đều đục, mỗi mình tôi trong
Thế rồi Donald Trump xuất hiện từ trên trời: đúng như thế vì máy bay ông ấy vừa đáp! Tổ chức mít-tinh ngay tại sân bay quả là quá tiện lợi. Donald Trump bước khỏi chiếc Boeing sơn đen phần nửa thân trên làm nổi bật tên ông ấy màu trắng.
Thế rồi ông ấy bắt đầu bài phát biểu đề cập đến mọi thứ. Trước tiên, "tôi là một ứng viên không đi theo hệ thống" và ông giải thích cho phát biểu đó bằng câu "Phân nửa số chính trị gia của chúng ta là bọn tham nhũng, còn phần nửa còn lại là bọn dốt nát".
Đương nhiên tệ hại nhất trong số chính trị gia Mỹ đó là “Con mụ Hillary Bất Lương” - cụm từ mà ông Trump ưa dùng.
Nghe đến đấy thì đám đông bên dưới hò reo phụ họa “Bỏ mụ ấy vào tù!”, “Bỏ mụ ấy vào tù!”...
Nghe thấy, ứng viên Trump chỉ tay về cánh nhà báo và truyền hình như thể cảnh báo. Đám đông cử tọa nhìn theo, một người trong số họ đội mũ màu đỏ (màu quen thuộc của ông Trump) chìa "ngón tay thối" về phía các ống kính như thách thức.
Tiếp đến ông Trump lại tố cáo chuyện “bọn họ ăn cắp công việc của người Mỹ chúng ta”. Ông giải thích kẻ cắp chính là Trung Quốc và Mexico để rồi ông hứa nếu vào Nhà Trắng ông sẽ ép hãng Apple cũng phải sản xuất iPhone ngay trên đất Mỹ
Ngay khi ông Trump nhắc đến chữ Mexico, thì bên dưới có ai đó hét váng lên "xây tường chặn đi". Đấy là bức tường mà ứng viên Tổng thống bên đảng Cộng hòa đã hứa xây dựng ở biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn nạn nhập cư lậu. Tiếp đến ông lại chỉ trích những người nhập cư lậu chính là những tên tội phạm.
Theo nhận định của nhà báo Xavier Yvon, người ủng hộ đi dự mít-tinh gặp Donald Trump cứ như thể đi xem nhóm nhạc ưa thích của mình. Họ thuộc lòng những phát biểu của ông ấy. “Tôi đã lẫn vào giữa đám đông và tôi nghe thấy người ta nói vuốt đuôi những phát ngôn của ông ấy, không sai một lời”, nhà báo Xavier Yvon thuật lại.
Cử tri của ông ấy cũng thật đa dạng. Một số không thiếu tính hài hước, như một người về hưu trả lời với Xavier Yvon, khi được hỏi ý kiến về những phát ngôn thô tục của ông Trump, "ít nhất điều đó cũng cho thấy ông ấy không bị đồng tính, đó là chuyện tốt". Rồi cũng có cặp vợ chồng làm chủ nhà hàng đang gặp khó khăn trong làm ăn và nhìn Trump như đấng cứu tinh có thể giúp mình khấm khá trở lại.
Ảnh hưởng từ cử tri gốc Á
Hiện cả hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump liên tiếp tiến hành các cuộc vận động tranh cử nhằm vào khối cử tri gốc Á tại các bang còn dao động.
Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama xuất hiện tại TP Winston-Salem, bang North Carolina vận động cho bà Hillary Clinton tối 27-10 - Ảnh: Reuters |
Trong các cuộc bầu cử trước đây, do số lượng không lớn nên khối cử tri gốc Á thường đóng vai trò khá mờ nhạt và không tác động nhiều tới kết quả bỏ phiếu. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Khối cử tri người gốc Á tại những bang "chiến địa” được đánh giá sẽ tạo ra thay đổi trong cuộc bầu chọn vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Kết quả thăm dò của các hãng uy tín cho thấy hiện vẫn còn khoảng 12 bang cử tri lưỡng lự, chưa quyết định sẽ bỏ phiếu bầu cho đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, trong khi đó cũng còn khoảng 20% cử tri Mỹ chưa lựa chọn bầu ứng cử viên nào.
Cộng đồng gốc Á đang phát triển nhanh chóng ở Mỹ, với dân số tăng gấp đôi tại nhiều bang như Nevada, North Carolina. Theo Giáo sư Taeku Lee của Trường Berkeley, khối cử tri gốc Á có thể thay đổi cán cân bầu cử năm nay.
Trong chặng đua nước rút, nhận thấy tầm quan trọng của cử tri gốc châu Á, êkíp vận động tranh cử của bà Clinton đã triển khai nhiều chương trình quảng cáo truyền hình bằng ngôn ngữ Urdu (người gốc Ấn, Pakistan), Việt Nam, Hoa, Hàn Quốc và Hindu. Các tình nguyện viên ủng hộ bà Clinton đã tiếp cận cử tri gốc Á bằng tiếng mẹ đẻ của họ.
Bà Hillary vui vẻ chụp ảnh cùng cử tri đi bầu cử sớm ở Greensboro, bang North Carolina khi bà đến đây vận động thu hút khối cử tri thiểu số vào ngày 27-10 - Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng không bỏ lỡ cơ hội “ve vãn” cử tri gốc châu Á. Tháng 9 vừa qua, nhóm vận động tranh cử của tỉ phú Trump đã thành lập một ban tư vấn để nhắm tới khối cử tri này. Đầu tháng 10, ông Trump dự một sự kiện gây quỹ của tổ chức Liên minh Hindu Cộng hòa. Phát biểu tại đây, ứng cử viên của đảng Con voi (biệt danh của đảng Cộng hòa) cam kết “cộng đồng người Ấn và người Hindu sẽ có 1 người bạn thân thiết tại Nhà Trắng” nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11 tới. Tuy nhiên, các tuyên bố kỳ thị của tỷ phú này không tránh khỏi ảnh hưởng gây xa cách với cử tri gốc Á.
Cử tri thất vọng
Ngày 27-10, kết quả thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu Tôn giáo công thực hiện cho thấy có tới 61% số cử tri Mỹ không tin tưởng cả hai ứng cử viên.
Theo cuộc thăm dò này, tâm lý bi quan về hướng đi của nước Mỹ hiện cao hơn cuộc bầu cử năm 2012, với 74% cảm thấy thất vọng và 57% nghĩ rằng nước Mỹ đang đi lạc hướng.
Yếu tố chính làm lay chuyển niềm tin của công chúng Mỹ chính là việc tỉ phú Trump trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa.
Kết quả thăm dò được trang mạng RealClearPolitics công bố ngày 27-10 cho thấy bà Clinton tiếp tục dẫn điểm ông Trump với khoảng cách tối thiểu 5% số phiếu ủng hộ tại các bang có ý nghĩa quyết định tới kết quả bầu cử năm nay như Pennsylvania, North Carolina và New Hampshire. Cuộc chạy đua cân bằng hơn ở bang miền Nam Florida.
Các cuộc điều tra của Pew Research, Rasmussen Reports, ABC News Tracking, Economist/YouGov, IBD/TIPP Tracking, CNBC đều cho thấy cựu Ngoại trưởng Clinton dẫn trước ông Trump từ 2-9% số phiếu bầu.
Bà Clinton có ưu thế tiền bạc để vận động nước rút
Trong khi đó, bà Clinton tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của các nhà tài trợ khi mà trong 19 ngày qua quỹ vận động tranh cử của bà đã nhận được gần 53 triệu USD, trung bình khoảng 2,8 triệu USD/ngày.
Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử liên bang ngày 27-10, tính đến cuối tuần qua, chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã có 62,4 triệu USD tiền mặt.
Số nhân viên hoạt động trong chiến dịch tranh cử là khoảng hơn 800 người, nhiều người trong số họ đã đi đến khắp các bang trên nước để vận động các cử tri bỏ phiếu cho bà.
Ước tính, trong một tuần, bà Clinton tiêu khoảng hơn 16 triệu USD cho quảng cáo và cho Tập đoàn truyền thông đa quốc gia Kanran Media để vận động tranh cử.
Bên cạnh đó, một nhóm tài trợ bên ngoài cũng tạo được một con số ấn tượng riêng trong tháng này. Cụ thể, quỹ "Ưu tiên nước cho nước Mỹ" đã quyên thêm được 18 triệu USD trong 19 ngày và quỹ này có thể quyên được nguồn đóng góp tài chính vô hạn từ các nhà tài trợ giàu có.
Theo các nhà phân tích, việc chiến dịch tranh cử tiếp tục nhận được ngân sách vào giai đoạn cuối sẽ giúp cho bà Clinton có thể duy trì các chương trình tranh cử phong phú và hấp dẫn trong những ngày cuối cùng của chặng đua.
Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, tỷ phú Trump không nhận được nguồn ngân sách nào từ các nhóm hỗ trợ bên ngoài trong tháng 10
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận