Trận chung kết lượt đi giữa chủ nhà Gamba Osaka và Sanfrecce Hiroshima được tổ chức rất chuyên nghiệp và nghiêm túc bởi nó là “bộ mặt” của bóng đá Nhật Bản khi được truyền hình trực tiếp đến hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Đức, Úc,… Đối với 21.000 khán giả ngồi kín sân vận động, cuộc vui này không chỉ dành riêng người lớn mà còn thực sự là ngày hội của trẻ em tại thành phố Osaka.
Những đứa trẻ bước thật nhanh vào sân như sợ trễ giờ. Ảnh: T.P |
Vẫn còn một tiếng nữa bóng mới lăn, bên ngoài sân vận động là hình ảnh từng nhóm gần 100 em bé chừng 5 hay 6 tuổi đeo chiếc thẻ mời lủng lẳng trước ngực háo hức rảo bước thật nhanh đến sân. Các em mặc trang phục màu xanh truyền thống của CLB Gamba Osaka tạo cảm giác những “làn sóng xanh” chảy giữa dòng CĐV đông đúc. Đến sân, những đứa trẻ được thoải mái vui đùa trong không gian rộng lớn, an toàn.
Ngoài xem bóng đá, bọn trẻ còn say mê gian hàng lưu niệm của đội bóng chủ nhà với những chiếc áo “tí hon” có in tên cầu thủ yêu thích (kể cả tên cầu thủ nước ngoài của J-League đều được phiên âm tên sang tiếng Nhật cho gần gũi), những chiếc khăn choàng, vòng đeo tay,.. hay thú nhồi bông biểu tượng của đội bóng.
Một gia đình CĐV của đội Gamba Osaka xếp hàng chờ vào sân. Ảnh: T.P |
Anh Kei Koyama – người phụ trách quan hệ quốc tế của J-League – cho biết: “Đây là những bé được CLB Gamba Osaka mời đến xem bóng đá. Các em sẽ được xếp chỗ ngồi thoải mái để thưởng thức trận đấu mà không cần phụ huynh đi cùng”.
Ngoài Gamba Osaka, thành phố Osaka còn một đội bóng chuyên nghiệp khác là Cerezo Osaka (vừa rớt hạng xuống J-League 2 mùa rồi). Giữa hai đội bóng danh tiếng này có sự cạnh tranh dữ dội để thu hút CĐV và ưu thế lúc này có phần nghiêng về Gamba Osaka nhờ phong độ quá tốt.
Phóng viên Tuổi Trẻ (thứ 3 từ trái) cùng phóng viên quốc tế đến từ Thái Lan, Hồng Kông...tác nghiệp tại Osaka. Ảnh M.Q |
Tinh thần màu cờ sắc áo cũng được nêu cao bởi phần đông đội hình của Gamba Osaka là do chính CLB đào tạo. Có người giải thích “gamba” theo tiếng Ý có nghĩa là “chân” và phiên âm tượng tự “ganbaru” trong tiếng Nhật có nghĩa là “làm hết sức bạn có thể”. Thế nên, bản thân tên đội bóng đã là một thông điệp cuốn hút mạnh mẽ đối với người hâm mộ.
Giữa những hàng người chờ soát vé dài thăm thẳm, chúng tôi thấy rất nhiều cha mẹ trẻ dẫn con còn nhỏ đến sân xem trận chung kết này. Ông bố trẻ Kazuyoshi Takamatsu cho biết: “Tôi đưa cả gia đình đến sân xem bóng đá. Ngoài việc ủng hộ đội Gamba Osaka, tôi xem đây là cách giúp các con hòa nhập tốt với mọi người”. Vào trận, cầu thủ hai đội thể hiện hết phẩm chất kỹ thuật, tranh chấp quyết liệt, nhưng tối kỵ những pha vào bóng thô bạo. Sau mỗi lần phạm lỗi, các cầu thủ nhất thiết phải có hành động xin lỗi, bắt tay nhau. Hoặc khi có một cầu thủ bị ngã trên sân, thường là người đứng gần đó nhất sẽ đến thăm hỏi, đỡ dậy dù là đồng đội hay đối thủ.
Trên khán đài, CĐV hai đội liên tục hát hò cổ vũ bất chấp diễn biến tỉ số, tạo không khí rất vui vẻ, sôi động và ít khi có những lời “chói tai”.
Trận đấu kết thủ với thất bại đáng tiếc 2-3 của đội chủ nhà sau khi họ đã 2 lần vượt lên dẫn trước. Nhưng sau tiếng còi mãn cuộc, rất đông khán giả vẫn nán lại sân chờ các cầu thủ, cả đội thắng lẫn thua, đi một vòng quanh sân hướng mặt lên khán đài chào tạm biệt và cũng gửi lời tri ân mọi người đã đến sân cổ vũ mình.
Đến khi bước khỏi khán đài, nhiều người đứng thành hàng dài mang bao tải lớn để xin “rác” theo phân loại và hăng hái “cho” nhất là các bé nhỏ. Rõ ràng, người Nhật đã biết dùng bóng đá tạo câu chuyên giáo dục rất tốt cho giới trẻ chứ không đơn thuần dừng lại ở một hoạt động thể thao giải trí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận