23/12/2015 10:03 GMT+7

Đi xe đò, taxi vẫn bị giá cao vì sao?

TRẦN MẠNH - NGỌC ẨN
TRẦN MẠNH - NGỌC ẨN

TT - Người dân đi xe đò, taxi vẫn chưa thấy giảm giá. Doanh nghiệp vận tải vẫn... nghe ngóng dù giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận chuyển hàng hóa và hành khách vẫn giảm rất chậm.

Vận chuyển hoa từ Đà Lạt về chợ hoa Hồ Thị Kỷ, Q.10, TP.HCM tối 22-12. Tiểu thương ở chợ này cũng than phiền về giá cước không giảm 
- Ảnh: Quang Định
Vận chuyển hoa từ Đà Lạt về chợ hoa Hồ Thị Kỷ, Q.10, TP.HCM tối 22-12. Tiểu thương ở chợ này cũng than phiền về giá cước không giảm - Ảnh: Quang Định

Dù giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian qua, giá cước vận chuyển hàng hóa và hành khách vẫn giảm rất chậm, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết giá cước diễn biến không theo giá xăng dầu mà do cạnh tranh.

Trong khi các chủ hàng tố nhà xe tìm mọi cách để trì hoãn giảm giá, chủ phương tiện vận chuyển cho rằng mức giảm như hiện nay là hợp lý vì xăng dầu chiếm dưới 50% giá thành vận chuyển.

Cước vận tải không theo giá xăng dầu

Đã bắt đầu niên vụ khoai mì 2015-2016 nhưng đa số các doanh nghiệp kinh doanh khoai mì lát vẫn chưa dám mua vào vì giá xuất khẩu giảm, trong khi các chi phí khác vẫn ở mức cao. Ông Nguyễn Phú Thủy - phó giám đốc Công ty TNHH sáng tạo Á Châu Quy Nhơn (Bình Định) - cho hay giá khoai mì xuất sang Trung Quốc hiện giảm mạnh, giá khoai mì trong nước và giá cước vận chuyển vẫn ở mức cao.

Theo ông Thủy, giá cước vận chuyển đường bộ của VN giảm không tương xứng với kỳ vọng của chủ hàng vì trước đó giá xăng dầu của thế giới và VN đã giảm rất mạnh.

Cụ thể, giá vận chuyển khoai mì lát từ cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) về cảng TP.HCM giảm từ 300.000 đồng/tấn xuống còn 280.000 đồng/tấn (6,7%), trong khi giá vận chuyển khoai mì bằng tàu biển từ Quy Nhơn đi Trung Quốc hiện chỉ còn khoảng 10 USD/tấn, giảm tới 50% so với cuối năm 2014.

Ông Trần Ngọc Hiệp, giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận), cho biết trong khi giá cước vận tải trên những quãng đường ngắn không giảm, giá cước vận tải đường dài (như đi Trung Quốc) giảm nhiều, hiện cước xe container lạnh chở thanh long đi ra cửa khẩu Trung Quốc chỉ còn 50-60 triệu đồng/xe 20 tấn so với lúc đỉnh điểm lên tới đến 85 triệu đồng/xe, chủ yếu do đầu xe mới tăng nhanh, buộc các nhà xe phải giảm giá cước để cạnh tranh.

“Thực tế là mỗi khi Trung Quốc hút hàng, các nhà xe sẽ tăng giá cước bất kể giá xăng dầu có giảm hay không” - ông Hiệp cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hải, chủ một công ty vận tải tại TP.HCM, thừa nhận giá cước vận tải biến động không theo xu hướng giá dầu do còn nhiều loại chi phí khác. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, lượng xe vận tải nhập khẩu về nhiều nên các nhà xe phải giảm giá mạnh để cạnh tranh. Trong khi đó, giá cước các tuyến vận chuyển ngắn hơn chỉ giảm nhẹ tùy theo tuyến.

Theo một số nhà xe, xăng dầu chỉ chiếm khoảng 50% chi phí của một chuyến vận chuyển, còn lại là khấu hao xe, tiền tài xế, các loại phí trên đường đi.

“Xăng dầu có giảm giá nhưng các trạm thu phí mọc lên ngày một nhiều hơn. Chưa kể đủ các loại chi phí khác không nói được thành tên nên giá cước vận chuyển hiện nay đã ở mức hợp lý rồi” - chủ một nhà xe chuyên đưa hàng nông sản sang Trung Quốc nói.

Taxi, xe đò giảm nhỏ giọt

Ông Trần Thanh Bảo - trưởng phòng điều hành Công ty TNHH dịch vụ vận tải Thiên Phú, hãng xe đò chạy tuyến bến xe Miền Đông (TP.HCM) - Vũng Tàu - cho biết vào cuối năm 2014, giá xe đò của hãng là 100.000 đồng/vé/người, hiện còn 83.000 đồng/vé, đã giảm 17%.

Hãng này vừa đề nghị Sở Tài chính TP.HCM cho tăng giá thêm 2.000 đồng/vé để bằng giá của hai hãng xe khác cũng tuyến đường này nhưng không được chấp nhận.

Do đó, ông Bảo cho biết không thể giảm giá thêm vì giá vé đã thấp hơn các hãng cùng hoạt động trên tuyến đường. Hơn nữa, hàng loạt chi phí khác đã và chuẩn bị tăng lên như phí đậu xe tại bến tăng 10%, chi phí bảo dưỡng xe, tiền lương cơ bản sẽ tăng lên từ 1-1-2016... càng khiến các nhà xe khó lòng giảm giá thêm. Trong khi đó, đại diện Hãng xe Phương Trang cho biết trong vài ngày tới mới có trả lời về việc có hay không giảm giá vé.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Huy, chủ tịch Tập đoàn taxi Mai Linh, cho biết hãng sẽ điều chỉnh giá cước taxi giảm theo kiểu “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống” theo giá cả, giá xăng dầu tăng hoặc giảm. Tuy nhiên, việc xác định giá cước taxi giảm cụ thể ở mức nào, theo ông Huy, còn chờ thông tin từ Hiệp hội Taxi TP.HCM.

Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho rằng những đợt giá xăng giảm và mỗi lần giảm vài trăm đồng/lít thời gian gần đây là không đáng kể nên các doanh nghiệp taxi chưa điều chỉnh giá cước. “Việc điều chỉnh giá cước không chỉ căn cứ vào giá xăng dầu vì còn nhiều chi phí khác chi phối.

Chẳng hạn, có thời điểm thuế VAT tăng hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp tăng, buộc lòng các hãng taxi phải tăng giá cước hoặc ngược lại” - ông Hỷ nói.

“Nhiều hãng taxi đang cạnh tranh, không ai muốn giá cước của hãng mình quá cao so với các hãng taxi khác. Do đó, chỉ khi đến thời điểm hợp lý hãng sẽ giảm giá để cạnh tranh” - ông Hỷ nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho biết sẽ giảm cước theo giá xăng dầu, nhưng mức giảm giá thế nào còn tùy theo doanh nghiệp và chủ hàng thỏa thuận giá cước cụ thể. Bởi vì có những nơi cước phí ra vào cổng cảng, bến tăng, giá cước bốc xếp vận chuyển hàng hóa tăng, giá dịch vụ sửa chữa bảo hành xe tăng.

Khó giảm cước vì xăng dầu giảm ít?

Một cán bộ Sở GTVT TP.HCM cho biết việc giảm giá cước vận tải chỉ có thể thực hiện khi giá xăng dầu giảm 5-10%. Bởi giá nhiên liệu chiếm 30% giá thành vận tải và với giá xăng dầu giảm 3%, nghĩa là mới chiếm 1% giá cước vận tải.

Như vậy, với giá vé xe chở khách là 100.000 đồng mà chỉ giảm 1.000 đồng/vé, các doanh nghiệp vận tải hành khách rất khó điều chỉnh. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp đều muốn điều chỉnh giá cước theo số tròn 5.000 đồng, 10.000 đồng.

TRẦN MẠNH - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên