24/11/2024 10:41 GMT+7

Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM

TP.HCM đã chốt ngày vận hành thương mại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào ngày 22-12 tới đây. Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.

Đi xe buýt đến ga metro thế nào? - Ảnh 1.

Siêu depot Long Bình, nơi đang tập kết tất cả tàu metro số 1 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Người lớn tuổi, người khuyết tật... muốn đi metro thì được hỗ trợ lên xuống tàu như thế nào? Khi gặp vấn đề về an ninh thì liên hệ với ai? Đây cũng là câu hỏi bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (đơn vị vận hành) để giải đáp thêm các thắc mắc này.

Đi xe buýt đến ga metro thế nào? - Ảnh 2.

Tổng hợp: CHÂU TUẤN - Đồ họa: TUẤN ANH

17 tuyến buýt gom "phủ sóng" dọc metro

Bạn đọc Nguyễn Thái Sơn (ngụ TP Thủ Đức) đặt câu hỏi: "Nhà tôi ở đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức, cách nhà ga metro An Phú tầm 3km. Mấy ngày qua, thông tin tuyến metro số 1 sắp chạy khiến cả xóm tôi ai cũng mong chờ có thể đi tàu vào trung tâm TP làm việc.

Tuy nhiên nếu đi lại bằng xe máy ra ga hơi bất tiện vì tốn thêm tiền gửi xe, đi bộ thì quá xa. Như vậy chúng tôi đi bằng xe buýt ra đó được không, những tuyến nào kết nối với ga metro?".

Tương tự, một số bạn đọc cũng thắc mắc xe buýt kết nối vào metro có nhiều không, làm sao chọn đúng xe, đúng tuyến đến metro?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Hải Đường - trưởng Phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết người dân có thể dễ dàng đi đến các ga của metro số 1 bằng hệ thống 17 tuyến buýt gom đang được các đơn vị tập trung chuẩn bị.

Các tuyến buýt này sẽ hoạt động tại khu vực dọc theo hành lang tuyến metro số 1 và đón hành khách từ các đường lân cận đến các nhà ga gần nhất.

Trường hợp như bạn đọc muốn đi từ nhà ở đường Nguyễn Duy Trinh ra ga An Phú như trên có thể đi bằng xe buýt tuyến buýt số 153.

Tuyến này có lộ trình lượt đi từ bến tàu thủy Bình An - đường số 21 - đường số 19 - đường Trần Não - đường Nguyễn Văn Hưởng - đường Thảo Điền - đường song hành trái - đường Võ Trường Toản - đường Võ Nguyên Giáp - quay đầu - đường Võ Nguyên Giáp - đường 24 - đường Vũ Tông Phan - đường Lồ Bắc - đường Mai Chí Thọ - đường Nguyễn Thị Định - đường Nguyễn Duy Trinh - đường 63 - đường 56 - đường Đỗ Xuân Hợp - đường liên phường.

Còn lượt về từ đường liên phường - đường Đỗ Xuân Hợp - đường 56 - đường 63 - đường Nguyễn Duy Trinh - đường Nguyễn Thị Định - nhánh X5 - cao tốc - quay đầu - đường Mai Chí Thọ - quay đầu tại cầu vượt ngã 3 Cát Lái - đường Mai Chí Thọ - đường Lồ Bắc - đường Vũ Tông Phan - đường số 24 - đường số 25 - đường nội bộ estela - đường song hành phải - đường Võ Nguyên Giáp - quay đầu - đường Võ Nguyên Giáp - đường song hành trái - đường Thảo Điền - đường Nguyễn Văn Hưởng - đường Trần Não - đường số 19 - đường số 21 - bến tàu thủy Bình An.

Tuyến buýt số 153 có tần suất 10-15 phút sẽ có một chuyến, chạy từ 5h sáng đến 22h đêm.

17 tuyến buýt gom kết nối với metro gồm: tuyến 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168 và 169. Các tuyến này kết nối từ các ga metro với các khu dân cư, bến xe buýt, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, các trường ĐH - CĐ khu vực TP Thủ Đức, Bình Thạnh, Q.1...

Sở cũng chia sẻ toàn bộ xe buýt gom kết nối metro dự kiến là loại xe điện - xanh sạch bảo vệ môi trường, có hình ảnh nhận diện riêng. Sơ đồ, lộ trình cụ thể từng tuyến buýt gom được ghi rõ trên bảng thông tin ở các nhà ga cho người dân tiện tìm kiếm.

Về lâu dài, người dân cũng có thể theo dõi thông tin trên app, dùng hệ thống thanh toán thông minh để đi metro...

Ngoài ra, các tuyến xe buýt hiện hữu có kết nối metro gồm tuyến số 1, 3, 4, 18, 19, 20, 31, 34, 36, 38, 39, 44, 45, 52, 53, 56, 65, 75, 88, 93, 102, 109, 152, D4 với tổng cộng 3.528 chuyến/ngày, có đi qua khu vực chợ Bến Thành (hành khách lên/xuống tại trạm trung chuyển trên đường Hàm Nghi).

Dự kiến sẽ có 2 tuyến buýt kết nối nhà ga metro Bến Thành (sau khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động chính thức) gồm: tuyến bến xe buýt Sài Gòn - Nhà hát TP và tuyến bến xe buýt Sài Gòn - ga Hòa Hưng với 206 chuyến/ngày.

Đi xe buýt đến ga metro thế nào? - Ảnh 3.

Người dân trải nghiệm tuyến metro số 1 khi chạy thử - Ảnh: CHÂU TUẤN

Có loại xe khác kết nối metro số 1?

Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết ngoài việc đi xe cá nhân, xe buýt, hành khách có thể đến các ga metro số 1 bằng xe đạp công cộng, hiện có 43 trạm bao gồm 3 vị trí gần Công trường Quách Thị Trang tại đường Hàm Nghi, Lê Lợi và Lê Lai.

Trung tâm đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát bổ sung 84 trạm xe đạp ở các quận 1, 3, 4, 5, 10. Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã ban hành danh mục bổ sung 37 vị trí tại quận 1, 4. Đồng thời đang rà soát đề xuất đặt thêm các trạm xe đạp công cộng kết nối nhà ga tuyến metro số 1.

TP.HCM còn có xe điện và xe 2 tầng thoáng nóc kết nối metro số 1. Cụ thể, xe điện 4 bánh hiện đang thí điểm ở quận 1, 4, 5, 6. Số lượng hoạt động tối đa 200 xe từ 5 - 14 chỗ, chạy từ 6h - 24h hằng ngày.

Còn loại xe 2 tầng thoáng nóc đang thí điểm với tuyến DL01 (tuyến xe du lịch vòng quanh khu vực trung tâm TP), tuyến DL02 (city tour Sài Gòn - Gia Định) hoạt động hằng ngày, có lộ trình đi ngang qua khu vực chợ Bến Thành (đường Trần Hưng Đạo, Lê Lai).

"Một số nhà ga của tuyến metro số 1 sẽ được xây dựng khu vực đỗ xe đạp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi từ các khu vực lân cận bằng xe đạp. Người dân có thể dùng dịch vụ xe công nghệ (xe máy, ô tô), phương tiện giao thông công cộng hiện có để đến ga một cách thuận tiện và nhanh chóng.

Sau khi hoạt động chính thức, Sở Giao thông vận tải sẽ đề nghị các đơn vị liên quan, đặc biệt là xe công nghệ tăng thêm chuyến, xe và điều phối hướng về các nhà ga tuyến metro số 1.

Bên cạnh đó đang nghiên cứu đưa vào sử dụng xe 4 bánh chạy động cơ điện để chở người dân trong khu vực trung tâm (bao gồm 3 ga Bến Thành, Nhà hát TP và Ba Son) để tăng cường hơn nữa tính kết nối, trung chuyển cho người dân sau khi đi tuyến metro", đại diện Sở Giao thông vận tải cho hay.

Metro sẽ kết nối những điểm đến thú vị

Bà Văn Thị Hữu Tâm - phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 - cho biết tuyến metro số 1 có sự thuận tiện khi chạy dọc trục xa lộ Hà Nội, đường Võ Nguyên Giáp kết nối trực tiếp trung tâm TP với các khu vực qua các tuyến xe buýt kết nối.

Việc này tạo thuận lợi hơn cho hành khách, có thể đi lại bằng phương tiện công cộng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào xe cá nhân và nhu cầu tìm kiếm bãi đỗ xe.

Metro số 1 vận hành sẽ kết nối nhu cầu đi lại khu vực trung tâm TP.HCM có chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát TP, Dinh Độc Lập, các trung tâm thương mại lớn tại quận 1.

Quanh ga Ba Son có: Thảo cầm viên, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, công viên bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ... và cụm tòa nhà cao tầng, khu đô thị quanh đó. Dọc xa lộ Hà Nội sẽ có khu Thảo Điền, Khu Công nghệ cao, Sala, bến xe Miền Đông (kết nối nhiều xe khách liên tỉnh) hay khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM.

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 có một vài gợi ý thú vị cho người dân về việc đi lại bằng metro số 1 rồi đi đến các địa điểm khác.

Từ ga Bến Thành: hành khách có thể lên các tuyến xe buýt kết nối tại bến xe buýt Sài Gòn để đi đến nhiều nơi trong trung tâm TP. Hành khách đi xe khách liên tỉnh sẽ thuận tiện hơn khi đến bến xe Miền Đông mới với metro hoặc lên xe buýt xuất phát từ bến xe này để đến các khu vực khác.

"Ngoài ra, tuyến metro số 1 tạo thuận lợi trong việc đi đến các trung tâm thương mại, trường đại học, khu công nghiệp, trung tâm hành chính, khu dân cư và các khu du lịch - giải trí dọc theo tuyến (đơn cử ga Đại học Quốc gia trước khu du lịch Suối Tiên).

Đồng thời metro số 1 còn kết nối với tuyến buýt sông (water bus) thêm sự lựa chọn đi lại cho người dân và du khách đến TP.HCM", bà Tâm cho hay.

Đi xe buýt đến ga metro thế nào? - Ảnh 4.

Tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chạy trên tuyến đường ray đoạn qua TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Camera an ninh giám sát trên tàu ra sao?

Bà Văn Thị Hữu Tâm cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như việc vận hành tàu metro số 1, các nhà ga của tuyến đường sắt này đều có nhân viên an ninh túc trực tại các ke ga (nơi người dân đứng chờ tàu, khi tàu đến và cửa tàu mở thì người dân ra, vào tàu ở khu vực này), cũng như các vị trí quan trọng khác.

Các nhà ga đều có hệ thống camera giám sát. Hiện tại, chưa có camera trên tàu nhưng sẽ được cân nhắc nghiên cứu tích hợp trong thời gian sắp tới để tăng cường đảm bảo an ninh.

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 khuyến cáo trong trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, mất điện hoặc các tình huống nguy hiểm khác, người dân không được hoảng hốt mà phải tuân theo sự chỉ dẫn của lái tàu và nhân viên nhà ga. Các nhân viên đã được đào tạo để xử trí các tình huống khẩn cấp nêu trên.

Trong trường hợp khẩn cấp cần hỗ trợ, khách có thể liên hệ với nhân viên trên tàu hoặc nhân viên tại các ga thông qua các nút báo động khẩn cấp. Số điện thoại khẩn cấp của metro sẽ được thông báo rõ ràng tại các ga và trên tàu.

Quy định về quản lý, điều hành giao thông vận tải đường sắt đô thị của UBND TP.HCM có nêu rõ, trường hợp người đi tàu do ốm đau nên không thể tiếp tục đi và buộc phải xuống ga, lái tàu có trách nhiệm thông báo cho bộ phận điều hành và ga đến gần nhất để được hỗ trợ.

Người dân cũng được quyền yêu cầu xử lý và công bố kết quả xử lý khiếu nại vi phạm của nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu trên tuyến đường sắt đô thị nếu có.

Kích cỡ hành lý được mang lên tàu?

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, hành khách có thể mang vật dụng, hành lý tối đa hai kiện hàng gồm: một hành lý có tổng kích thước chiều dài ba cạnh (dài, rộng, cao) dưới 158cm, trọng lượng dưới 32kg và một hành lý khác có tổng kích thước chiều dài ba cạnh dưới 115 cm, dưới 18kg.

Chiều cao tối đa của hành lý dưới 100cm, tổng trọng lượng mang theo bằng hoặc dưới 50kg. Các vật dụng cồng kềnh, gây cản trở cho người khác đều bị cấm mang lên tàu. Nhân viên nhà ga có quyền yêu cầu hành khách không được đi tàu khi kèm với hành lý quá cồng kềnh.

Hành khách không được mang lên tàu những hành lý sau: lò sưởi, bếp gas, thi thể, hài cốt, tro cốt, động vật các loại. Những hành lý, đồ vật không an toàn cho hành khách khác, nhân viên nhà ga sẽ yêu cầu khách không mang vào nhà ga hay lên tàu.

Người già, người khuyết tật đi tàu như thế nào?

Chị Nguyễn Thùy Mai, người dân quận Bình Thạnh, bày tỏ chị và mẹ già (72 tuổi) rất muốn được trải nghiệm metro số 1. Nhà chị cũng gần khu vực nhà ga Văn Thánh.

Từ ngày tuyến này "chạy nước rút", mẹ chị ngóng trông tàu chạy để đi thử nhưng vì đã lớn tuổi phải ngồi xe lăn nên bà không biết sẽ lên xuống tàu ra sao để không ảnh hưởng đến người khác trong lúc tàu chạy.

Bà Văn Thị Hữu Tâm - phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 - cho biết trên tàu điện metro số 1 đã có khu vực ghế ngồi ưu tiên dành cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật. Tại các lối đi và thang máy luôn có lối đi ưu tiên hỗ trợ xe lăn, xe đẩy thuận tiện và nhân viên metro luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Đối với người khiếm thị, các nhà ga và tàu có thiết kế với lối đi có đường dẫn xúc giác, thông báo âm thanh về điểm dừng. Đối với người khiếm thính, hệ thống thông báo bằng màn hình hiển thị tại các nhà ga và trên tàu sẽ cung cấp thông tin về lộ trình, điểm dừng và các thông báo cần thiết.

Ngoài ra, hành khách có thể yêu cầu sự hỗ trợ trực tiếp từ nhân viên nhà ga khi cần.

Miễn phí 17 tuyến buýt kết nối metro số 1 trong 30 ngày

UBND TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP ban hành chính sách hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện và chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện trên địa bàn.

Theo đó, TP.HCM dự kiến hỗ trợ từ ngân sách TP để miễn phí vé đi 17 tuyến buýt gom kết nối vào tuyến metro số 1 trong 30 ngày để khuyến khích người dân trải nghiệm.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM thông tin 17 tuyến buýt này đã đấu thầu xong (Công ty CP xe khách Phương Trang trúng thầu). Toàn bộ các tuyến này đều có trợ giá, dự kiến sử dụng xe điện hiện đại nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dân.

Để giúp người dân dễ dàng nhận diện, 17 tuyến buýt kết nối metro số 1 sẽ được thiết kế với màu sắc và logo riêng, tạo điểm nhấn đặc biệt.

Bên cạnh 17 tuyến buýt gom, TP.HCM cũng dự kiến chi từ ngân sách TP để hỗ trợ miễn phí vé đi metro số 1 trong 30 ngày đầu khai thác thương mại.

Ngoài chính sách miễn phí trong tháng đầu, TP.HCM còn hỗ trợ vé miễn phí hoàn toàn cho các đối tượng ưu tiên sử dụng tàu điện và xe buýt như: người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi (có người lớn đi kèm).

Theo quy định, các đối tượng ưu tiên sẽ được cấp thẻ miễn phí sử dụng tàu điện, xe buýt. Các đơn vị quản lý sẽ phối hợp cùng UBND phường, xã triển khai cấp thẻ miễn phí sử dụng khi lên xe buýt, tàu điện. Riêng trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng thẻ căn cước.

Đi xe buýt đến ga metro thế nào? - Ảnh 5.TP.HCM đề xuất miễn phí đi metro số 1 cho 5 nhóm đối tượng

TP.HCM kiến nghị miễn phí vé cho người có công cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, người đi các tuyến xe buýt kết nối với metro số 1 và người đi metro trong 30 ngày.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên