Nhân viên bệnh viện và người nhà bệnh nhân điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội dọn dẹp nước ứ đọng từ khu nhà vệ sinh tràn ra hành lang - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Bởi thực tế, nhà vệ sinh ở nhiều bệnh viện đang là nỗi ám ảnh đối với người bệnh lẫn người đi nuôi bệnh.
Đi vệ sinh phải... đặt cọc
Cuối tháng 7 vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao về một status trên mạng xã hội: “Ôi đi khắp nơi giờ mới thấy quy định bệnh nhân đi vệ sinh phải đặt cọc 220.000 đồng để lấy chìa khóa. Hỏi ra thì đây là quy định của khoa sản vì khoa sợ nhà vệ sinh quá tải, khoa chỉ cấp chìa khóa cho một số người. Bộ trưởng Bộ Y tế có biết điều này không?”.
Theo khảo sát của chúng tôi, cả khoa sản của bệnh viện được phản ảnh kể trên chỉ có hai nhà vệ sinh, và khi chúng tôi tìm đến thì đúng là cả hai nhà vệ sinh đang bị khóa, trong khi khoa luôn có khoảng 100 bệnh nhân và người nhà, 18 cán bộ và khoảng 100 học sinh sinh viên thường xuyên có mặt để học tập.
Theo một nhân viên dọn vệ sinh ở đây, việc khóa cửa nhằm tránh để bệnh nhân các khoa khác đến sử dụng nhà vệ sinh, và mỗi khi bệnh nhân vào viện họ đặt cọc 220.000 đồng, khi ra viện sẽ nhận lại 200.000 đồng, 20.000 đồng còn lại sẽ dành cho việc vệ sinh nhà vệ sinh.
Từ khi áp dụng chủ trương này, nhà vệ sinh đã sạch hơn, còn trước đây tình trạng vứt rác, đi vệ sinh bừa bãi khiến bệnh nhân và người nhà rất bất bình.
Nơi chẳng ai muốn vào
Thời điểm này, chủ trương “đặt cọc mượn chìa khóa nhà vệ sinh” bị cộng đồng phản ứng và đã được bệnh viện bãi bỏ. Tuy nhiên, nỗi khổ nhà vệ sinh bệnh viện vẫn luôn ám ảnh người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), do thiếu giường bệnh, các dãy hành lang của các khoa chấn thương chỉnh hình phần lớn được kê cáng cho bệnh nhân nằm, và cả một dãy hành lang dài với hàng chục cáng và nhiều buồng bệnh lớn cũng chỉ có hai dãy nhà vệ sinh dùng cho đủ các hoạt động như tắm rửa, vệ sinh, rửa bát đĩa... của hàng trăm người.
Hầu như lúc nào nhà vệ sinh cũng ướt và một thứ mùi rất khó ngửi luôn thoang thoảng không tốt cho người bệnh vốn đang ốm đau mệt mỏi đang nằm trên các cáng dọc hai bên hành lang.
Không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà nhà vệ sinh ở hầu hết các bệnh viện đều đang trong tình trạng tương tự: chật chội, bẩn, cũ và là chỗ không vệ sinh nhất ở bệnh viện.
Bà N. (70 tuổi, ngụ Bình Phước) kể đang chăm sóc con gái mổ bướu cổ ở một bệnh viện tại TP.HCM đã hơn ba ngày nay.
Vì trong giờ hành chính, bệnh viện không cho phép nhiều người thân ở lại phòng bệnh nên bà phải xuống khu hành lang ngồi và khi cần lại phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng của bệnh viện. Cứ nhắc đến việc phải vào nhà vệ sinh, bà lại thấy rùng mình, ám ảnh.
Khu vực nhà vệ sinh này được tách thành khu nam và khu nữ nhưng cùng chung một lối vào. Đi từ phía bên ngoài đã ngửi thấy mùi hôi bốc lên nồng nặc. Vào trong thì nhếch nhác cảnh người đứng chờ, sàn nhà ẩm ướt.
Các bồn cầu cáu bẩn, cũ kỹ, lại không có hệ thống xả nước, mỗi người sau khi đi vệ sinh xong phải ra bể múc nước giội nên có người giội, người không. Ngay trong nhà vệ sinh có thùng rác lớn không có nắp đậy, mùi rác bốc lên lại càng thêm khó chịu.
Mỗi lần phải vào nhà vệ sinh, nhiều người đều phải mang khẩu trang, có khi nhịn thở để mong “giải quyết cho xong”. Vậy mà vào nhà vệ sinh là phải chờ, có lúc hơn chục người chờ, chật không còn lối đi.
Lối ra: thuê công ty dịch vụ
Theo tổng hợp mới đây của Bộ Y tế từ báo cáo của 102 bệnh viện trong toàn quốc, chỉ có 18/102 bệnh viện sử dụng dịch vụ vệ sinh công nghiệp, còn lại là bệnh viện tự làm.
Trong khi theo ông Nguyễn Ngọc Hiền - phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trên 10 năm áp dụng mô hình thuê dịch vụ vệ sinh công nghiệp trong bệnh viện, ông thấy có quá nhiều lợi ích so với bệnh viện tự làm.
Quan trọng nhất là tiết kiệm nhân lực. Hiện có gần 300 người chuyên làm vệ sinh cho Bệnh viện Bạch Mai, với việc thuê khoán ngoài dịch vụ này mỗi năm bệnh viện tiết kiệm gần 10 tỉ đồng.
Các công ty chuyên làm vệ sinh được trang bị máy móc, thiết bị chuyên dụng nên kết quả làm sạch hiệu quả hơn so với việc làm sạch bằng sức người như thông thường.
Việc thuê khoán dịch vụ vệ sinh cũng tạo ra một lực lượng giám sát chất lượng vệ sinh ngay từ các công ty làm sạch, bệnh viện sẽ bớt được một phần công việc đáng kể.
Bác sĩ Võ Đức Chiến, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cũng cho biết từ 10 năm nay, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã thuê công ty chuyên nghiệp về vệ sinh thực hiện tổng vệ sinh trong bệnh viện.
“Trước đó, chúng tôi có bộ phận của bệnh viện tự lo vệ sinh thì nhận thấy chất lượng không tốt do thiếu kỹ năng, không chuyên nghiệp. Việc thuê công ty dịch vụ tuy có tốn kém hơn nhưng đảm bảo chất lượng vệ sinh, trách nhiệm rõ ràng, có thể xử lý chế tài khi công ty không thực hiện đúng cam kết” - bác sĩ Chiến cho biết.
BS Nguyễn Văn Xáng (giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa): Sẽ sửa chữa, nâng cấp Hiện nay nhiều khu nhà vệ sinh của bệnh nhân trong bệnh viện, đặc biệt nhà vệ sinh công cộng, đang xuống cấp, mất vệ sinh. Lãnh đạo bệnh viện luôn nhắc nhở bộ phận dọn vệ sinh nhưng anh em cũng than thở ý thức của người bệnh và người nuôi bệnh rất thấp. Họ vệ sinh, giặt quần áo xong không giội, đem rác vào nhà vệ sinh vứt... Tới đây, bệnh viện sẽ bỏ một nhà vệ sinh công cộng quá xuống cấp. Đối với các nhà vệ sinh khác, chúng tôi sẽ cho sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo vệ sinh chung. Ngoài ra, bệnh viện cũng sẽ tăng cường các biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền bệnh nhân, người nhà sử dụng nhà vệ sinh phải có ý thức công cộng, tránh ảnh hưởng người khác. TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (giám đốc Bệnh viện Hùng Vương): Cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung Tôi rất quan tâm đến hệ thống nhà vệ sinh trong bệnh viện. Nhà vệ sinh trong bệnh viện mà không sạch là không chấp nhận được, cho nên phải có kế hoạch nâng cấp nhà vệ sinh trong bệnh viện. Từ lúc về làm giám đốc, tôi đã cho sửa sang lại hệ thống nhà vệ sinh. Tuy nhiên, việc này không thể làm một lúc, phải có kế hoạch cuốn chiếu. Tuy vậy, để nhà vệ sinh bệnh viện sạch sẽ, nhất là với những nhà vệ sinh mới được đưa vào sử dụng, rất cần ý thức giữ gìn vệ sinh chung của bệnh nhân và thân nhân. Nếu chỉ dựa vào dọn dẹp thì chẳng bao giờ nhà vệ sinh sạch sẽ được. |
“Khảo sát mới đây của chúng tôi cho thấy có rất ít bệnh viện thuê khoán ngoài dịch vụ vệ sinh, còn lại phần lớn là họ tự làm. Nếu bệnh viện tự làm mà làm chưa tốt thì phải chấn chỉnh ngay. Báo chí, người bệnh, người dân hãy giám sát, nếu thấy nhà vệ sinh bẩn thì báo ngay cho đường dây nóng y tế, từ đó chúng tôi sẽ có kiểm tra và chế tài vào thi đua, chấm điểm theo thang điểm 83 tiêu chí chất lượng của bệnh viện Ông Lương Ngọc Khuê (cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận