29/10/2010 04:06 GMT+7

Dị vật bỏ quên trong phế quản 14 năm

ThS.BS NGUYỄN HOÀNG THANH PHƯƠNG(Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM)
ThS.BS NGUYỄN HOÀNG THANH PHƯƠNG(Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM)

TT - Một hạt sabôchê kích thước 2,5 x 1cm đã nằm trong phế quản chị L.T.M.D., 23 tuổi, quê ở Tiền Giang, suốt gần 14 năm nay, nhưng chủ nhân dường như hoàn toàn lãng quên cho đến một ngày chị D. thấy đau nhói ngực trái...

Chị D. nhập viện khoa nội hô hấp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) trong bệnh cảnh bị ho đàm mủ kèm theo sốt và đau ngực bên trái hơn một tháng nay. Gần đây, chị D. còn ho ra máu. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm thùy dưới phổi trái, nghi ngờ với lao phổi hoặc có dị vật đường thở. Hỏi kỹ lại bệnh sử, bệnh nhân D. nhớ lúc 9 tuổi có lần ăn sabôchê bị sặc.

Sau khi nội soi phế quản thám sát đường thở của chị D., các bác sĩ phát hiện và gắp ra một hạt sabôchê kích thước 1 x 2,5cm, gây tắc gần hoàn toàn phế quản thùy dưới bên trái do mưng mủ và tăng sinh mô hạt xung quanh dị vật.

Hạt sabôchê là dị vật rất khó gắp do kích thước lớn, bề mặt trơn láng, có hai góc nhọn ở đầu dưới và cạnh bên nên đã cài chặt vào thành phế quản, tồn tại trong phổi bệnh nhân thời gian rất lâu.

Dị vật đường thở rất thường gặp ở trẻ em, nam nhiều hơn nữ, tuổi từ 1-3.

Sau khi hít dị vật vào đường thở, bệnh nhân thường bị: 1. Hội chứng xâm nhập: trẻ đang ăn hoặc chơi tự nhiên thì bị ho sặc, khó thở, tím tái. 2. Khó thở thanh quản: thở hước, thở rít, trẻ cố gắng hít vào, bứt rứt, vật vã do đường thở bị bít tắc. 3. Nếu dị vật không gây các triệu chứng trên hoặc chỉ thoáng qua, có thể khiến bệnh nhân không để ý, sau đó sẽ thở khò khè, khạc đàm mủ, ho ra máu hay viêm phổi tái đi tái lại.

Xử trí khi gặp dị vật đường thở

Nếu dị vật lỏng: bệnh nhân sẽ bị khó thở dữ dội do phản xạ co thắt thanh môn. Một trong các biện pháp cần làm ngay là đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay hay trên đùi rồi vỗ mạnh vào lưng 2-3 cái. Nếu trẻ lớn hơn, có thể để nằm ngửa ra rồi ấn tay vào vùng thượng vị, nhồi 2-3 cái để trẻ ho bắn đẩy dị vật ra ngoài và thở trở lại (nghiệm pháp Heimlic ở trẻ em).

Nếu trẻ vẫn chưa tự thở được, chúng ta cần nhanh chóng hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực khi xảy ra ngưng tim, cùng lúc phải gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu dị vật cứng: Trong trường hợp bệnh nhân không khó thở thì đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra. Còn khi bệnh nhân khó thở, tím tái, cách xử trí sẽ giống như khi bị sặc chất lỏng.

Nếu bệnh nhân lớn, chúng ta có thể làm nghiệm pháp Heimlic người lớn: để bệnh nhân đứng, cúi người ra trước, người cấp cứu đứng phía sau lưng, hai tay bắt vào nhau thành một nắm đấm đặt vào vùng thượng vị của bệnh nhân. Sau đó giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên như nhấc bổng bệnh nhân lên để tống dị vật ra.

Nếu không có kết quả phải gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện có khả năng làm nội soi phế quản và gắp dị vật.

Nếu bệnh nhân lờ đờ, vật vã, phải thọc tay móc dị vật ra vì đây thường là dị vật to, gây bít tắc thanh môn. Còn với vật nhỏ hơn có thể dùng miệng thổi, đẩy dị vật xuống sâu để bệnh nhân có thể thở được, sau đó chuyển đến bệnh viện gần nhất.

ThS.BS NGUYỄN HOÀNG THANH PHƯƠNG(Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên