03/01/2020 13:35 GMT+7

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 5: Bên lề thành phố

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Ước mơ tổ ấm ở Hà thành tưởng chừng bế tắc, nhưng thực tế vẫn có những người thu nhập trung bình tìm được nơi ở ưng ý.

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 5: Bên lề thành phố - Ảnh 1.

Môi trường ít ô nhiễm hơn nội thành là lợi thế của các đô thị vùng ven - Ảnh: VŨ TUẤN

Bí quyết của họ là biết kiên trì tìm chọn cái phù hợp với khả năng. Còn nói như bạn tôi là đừng có đang ở nhà trọ 5 triệu đồng mà mơ căn hộ ba phòng ngủ ở trung tâm cho "dở hơi như con dơi bị ghẻ".

Nơi nào cho thuê rẻ thì... mua

Nghe vợ chồng tôi định vay hơn 1 tỉ đồng mua căn hộ, chị Bùi Thu Minh mắng một trận vì tội nóng vội.

Chị hơn tôi vài tuổi, là chuyên viên làm việc ở một phòng nhỏ thuộc cấp bộ. Lương tháng chị chỉ hơn nửa thu nhập tôi, nhưng chị đã mua được căn hộ hai phòng ngủ ở khu đô thị Linh Đàm. Chị nói mức thu nhập hằng tháng chỉ hơn 8 triệu đồng của mình ở thủ đô là diện "nghèo bền vững", thế mà nhà vẫn ắp tiếng cười.

Khi mới chuyển công tác về Hà Nội, chị Minh cũng có khoản tiền tiết kiệm 200 triệu đồng. Cha mẹ chị hưu trí, tài sản duy nhất là căn nhà "nửa tỉnh nửa quê" 80m2 không thể giúp gì cho con. Từng bốn lần thuê nhà trọ, chị cũng ước một chốn an cư.

Ngày ấy, người mua nhà không tiếp cận vốn vay dễ như giờ, lãi suất cũng cao. Thêm đó, báo chí đưa tin hàng loạt dự án nhận tiền góp vốn của người mua rồi... mãi chẳng thấy nhà đâu. Chị Minh không dồn "tất tay" để mua nhà mà hùn vốn kinh doanh với bạn.

Hai năm sau, việc kinh doanh thuận lợi nhưng chị muốn tập trung tối đa thời gian cho công việc cơ quan. Nhượng lại cổ phần, lúc ấy chị đã có 500 triệu đồng.

Căn nhà chị lựa chọn là căn hộ "hàng lướt" ở khu đô thị Linh Đàm với giá hơn 700 triệu đồng thời điểm 2006. Vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng, mỗi tháng số tiền lãi chị phải trả không quá nặng, chỉ bớt hai bữa nhậu của ông chồng vui tính là đủ trả lãi.

Chị Minh tự nhận mình là "gà mờ" bất động sản nhưng biết lựa chọn, không nghe "đài địch" quảng cáo. Chị khuyên chúng tôi chọn những căn hộ đã qua sử dụng, vị trí xa trung tâm hơn một chút nhưng không lo bị "thổi" giá.

"Người mua nhà để đầu tư thường nhắm vào các dự án có vị trí đắc địa, gần trung tâm, giá thuê nhà khu vực lân cận cao. Mình mua nhà để ở thì xa hơn một chút, ít tiện ích hơn một chút, miễn là thủ tục pháp lý ổn, giá cả phù hợp là được", bà chị "gà mờ" khuyên.

Tổ hợp chung cư nơi chị Minh ở có mật độ dân cư đông khủng khiếp. Hàng chục nghìn người trong các cao ốc san sát nhau.

"Ở đây cũng có tắc đường, chậm cả thang máy vì dân cư đông. Nhưng biết cách thì sẽ thấy nhẹ nhàng", chị nhận xét.

Nhiều người chê khu Linh Đàm nhưng chị Minh lại nói sống ở đây thấy ổn. Điện, nước, trường học cho lũ trẻ so với nhu cầu chị là rất ổn. Bà chị còn khuyên chúng tôi chuyển về thuê nhà ở đây cho tiện việc.

Căn hộ một phòng ngủ hơi cũ, đủ cho gia đình vợ chồng và hai đứa con nhỏ, giá cho thuê mỗi tháng chỉ tầm 4 triệu đồng.

Người chị đã an cư dặn đi dặn lại chúng tôi: "Thời buổi giờ không phải cứ 'nhà của mình' mới được. Chỗ nào thuận tiện cho công việc, tiện cho con cái học hành mà giá cả phải chăng thì ở. Tiền tiết kiệm được nên đầu tư kinh doanh, khi nào rủng rỉnh hẵng mua nhà đẹp".

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 5: Bên lề thành phố - Ảnh 2.

Cái giá của đi làm xa là nơi sống thế này - Ảnh: VŨ TUẤN

Vườn hoa ở ngoại ô

Một ngày cuối tuần đẹp trời, cô bạn khác lại rủ vợ chồng tôi đến tham khảo tổ ấm của họ. Con đường vào khu căn hộ của Hương Giang bạt ngàn hoa. Nơi cô ở là khu đô thị ngập tràn cây xanh ở Hưng Yên giáp Hà Nội. Quãng đường từ đây đến trung tâm Hà Nội khoảng 20km, không gần nhưng cũng không quá xa.

Giang khoe nếu đã ở đây rồi chỉ muốn được... nghỉ hưu để buổi sáng mở cửa đón nắng, buổi chiều đi bộ, hít thở không khí đầy mùi nhựa sống cây xanh.

Khu đô thị hạng trung và nhắm vào nhu cầu nghỉ dưỡng. Chủ đầu tư thiết kế như công viên. Cuối tuần, người dân Hà Nội về đây cắm trại, đạp xe, chơi thuyền kayak và chụp ảnh với hoa.

Vợ chồng Giang mua căn hộ "hàng lướt" với giá hơn 900 triệu đồng. Số tiền họ bỏ ra chỉ 400 triệu, còn lại vay ngân hàng.

Giang từng là công chức, thôi việc ra kinh doanh. Cô nói tiền thì làm ăn chứ không nên dồn hết vào nhà ở. Cô tiết lộ vợ chồng cũng có 700 triệu đồng nhưng cô chỉ bỏ 400 triệu làm tiền "đối ứng", số còn lại là vốn để kinh doanh.

Giang cho rằng mua nhà trả góp cũng là hình thức để cô mượn vốn. Thu nhập chồng cô ổn định hơn 10 triệu đồng/tháng để trả nợ. Cô kinh doanh nhỏ, số tiền lãi một phần đủ sinh hoạt, phần khác đầu tư trở lại kinh doanh.

Khu vực Giang ở xa trung tâm thành phố nhưng có xe buýt miễn phí. Đứa con gái lớp 5, cô cho học ở Trường tiểu học Phụng Công (huyện Văn Giang, Hưng Yên) cách nhà có 2km. Các khoản phí quản lý, an ninh, vệ sinh, gửi xe... đều rẻ một nửa so với các khu đô thị khác ở nội thành.

Giang so sánh thời gian di chuyển từ nhà cô đến trung tâm Hà Nội khoảng 40 phút, bằng thời gian di chuyển từ các khu vực Hà Đông, Phùng hay Thường Tín đến trung tâm, nhưng bù lại cô ít bị khổ vì tắc đường.

Ở đây phù hợp với những ai muốn rời xa sự xô bồ của Hà Nội. Không ít chủ nhà mua chỉ để nghỉ ngơi cuối tuần hoặc cho thuê homestay.

Giang khuyên chúng tôi trước mắt thuê nhà khu vực này. Giá thuê những căn view đẹp 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng những căn mặt sau, view không đẹp và diện tích đủ dùng chỉ khoảng 4,5 triệu đồng.

Khu đô thị này đang trở thành nơi để sống, chứ không phải như những khu để người không cần nhà ở xuống tiền đầu tư, chờ tăng giá.

Giang giới thiệu cho chúng tôi nhân viên một công ty dịch vụ bất động sản là thành viên của chính đơn vị chủ đầu tư khu đô thị. Mọi hoạt động mua bán, cho thuê căn hộ khu đô thị đều qua đây.

Họ giống như một nơi để kết nối người bán với người mua, người có nhà cho thuê và người cần thuê nhà. Giá cả đều có tiêu chí và có mức trần công khai với diện tích, số phòng ngủ, nhà vệ sinh hay view, đồ đạc, nội thất...

Vợ tôi lúc này mắt lại long lanh, vui tươi như chim bồ câu gặp ngày nắng đẹp. Tuy vẫn chưa có tổ ấm riêng hẳn của mình, nhưng mỗi chiều cô ấy đã có thể thanh thản dạo bên bờ cỏ hoa mà nghe chồng huýt sáo bài "Triệu đóa hoa hồng"...

Nên cân nhắc "sức mình"

Bạn tôi nhiều năm ở Hà Nội khuyên: "Ai mua nhà chẳng mộng mơ nhà rộng, 2-3 phòng ngủ, view đẹp. Nhưng cần phải hết sức cân nhắc, đừng để cò nhà "thổi lỗ tai". Giữa căn hộ nhỏ ở ven đô một tí, giá tầm dưới 1 tỉ, vừa sức trả góp của vợ chồng trẻ với căn hộ rộng rãi giá vài tỉ chính là cuộc sống nhẹ nhàng hay gánh nặng nợ nần căng thẳng".

Bạn tôi nói vợ chồng trẻ không có thu nhập cao, lần đầu mua căn hộ chỉ nên chọn cái "vừa sức mình", mỗi tháng trả góp khoảng một đầu lương của vợ hoặc chồng, đầu lương còn lại để trang trải cuộc sống. Mai này có điều kiện hơn, muốn đổi nhà lớn cũng nhẹ nhàng, thoải mái.

"Tôi đã từng thấy nhiều cặp vợ chồng gấu ó nhau suốt ngày chỉ vì gánh nặng nợ nần phải trả cho nhà cửa. Cuối cùng họ phải bán tháo nhà không có lời, thậm chí lỗ để thoát nợ".

QUỐC MINH

_______________________

Nếu không đủ tiền mua nhà, vẫn có thể tìm tổ ấm bằng cách đi thuê. Và ở thủ đô đất chật người đông có 1.001 cơ hội lựa chọn, từ góc ngủ không thể duỗi thẳng chân đến nơi ở sang trọng...

Kỳ tới: Đi thuê... tổ ấm

Đi tìm tổ ấm ở Hà Thành - Kỳ 4: Khóc - cười nhà mới Đi tìm tổ ấm ở Hà Thành - Kỳ 4: Khóc - cười nhà mới

TTO - Thoát cảnh đi thuê nhà ở Hà Nội, nhưng không ít người rơi vào cảnh khổ mới với gánh nặng nợ nần. Sau nhiều ngày buồn hiu vì không xoay nổi nhà mới, vợ tôi giờ lại vui hát theo khi chồng huýt sáo vì chưa phải sa thân trâu kéo cày trả nợ...


VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên