17/07/2004 14:59 GMT+7

Đi tìm o Dịu của Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTCN - Bộ phim Vĩ tuyến 17- ngày và đêm như một biên niên sử bi tráng về miền đất đôi bờ Hiền Lương kể từ sau hiệp định Geneve tháng 7-1954 với nhân vật chính là o Dịu (Trà Giang thủ diễn), chỉ huy đội du kích làng Cát.

Kỷ niệm 50 năm Hiệp định Genève (20-7-1954/2004):

z5qi8sss.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Trà Giang và o Thảonăm 1970 tại Vĩnh Giang-Vĩnh Linh
TTCN - Bộ phim Vĩ tuyến 17- ngày và đêm như một biên niên sử bi tráng về miền đất đôi bờ Hiền Lương kể từ sau hiệp định Geneve tháng 7-1954 với nhân vật chính là o Dịu (Trà Giang thủ diễn), chỉ huy đội du kích làng Cát.

Biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh đã dành ra năm năm (1965-1970) thâm nhập thực tế vùng vĩ tuyến để tái hiện cuộc chiến đấu của người dân đòi độc lập, tự do bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Sau khi đã hoàn thành kịch bản phim, đoàn làm phim từ Hà Nội vào Vĩnh Linh đi thực tế để chuẩn bị quay những thước phim đầu tiên, thật bất ngờ khi ở đó cả đạo diễn lẫn diễn viên chính Trà Giang đã gặp một nguyên mẫu: một cô gái Gio Linh rất đẹp, mới ngoài 20 tuổi đã là huyện ủy viên, bí thư kiêm xã đội trưởng xã Gio Hà (huyện Gio Linh, Quảng Trị ). Người con gái giống như nhân vật Dịu trong phim ấy là Hoàng Thị Thảo.

NSND Trà Giang sau này kể lại chính cuộc gặp tình cờ với o Thảo và câu chuyện o kể trong buổi chiều bên bờ giới tuyến ấy đã khiến chị vô cùng xúc động, và chính những cảm xúc ấy khiến Trà Giang vào vai Dịu rất đạt. Vai diễn ấy đã mang lại cho chị giải nữ diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim quốc tế Matxcơva 1973.

Chúng tôi đã tìm về ngôi nhà của o Thảo ở miền cát Gio Linh...

Trên bức tường trước bàn thờ ở ngôi nhà ông Hoàng Xuân Đính, anh ruột o Thảo, là tấm ảnh chụp o Thảo đang ngồi, chiếc mũ tai bèo hất ngược sau vai, mái tóc đen dày đổ xuống vai, bên cạnh là nghệ sĩ Trà Giang đang tựa đầu vào vai o với gương mặt không giấu được sự xúc động. Gần 30 năm sau buổi chiều ấy, đạo diễn và diễn viên của Vĩ tuyến 17... mới có chuyến hành hương tìm lại người con gái chỉ huy đội du kích xứ cát, tất cả dấu vết để tìm là tấm ảnh được nghệ sĩ nhân dân Trà Giang giữ trên tay, vừa đi vừa hỏi. Nhưng o Thảo đã hi sinh từ năm 1971, sau cuộc gặp với đoàn làm phim bên bến Cửa Tùng chưa đầy một năm.

Bà Trần Thị Cháu, chị dâu của o Thảo, cũng là chiến sĩ du kích của xã Gio Hà, kể lại: O Thảo tham gia du kích từ khi 16, 17 tuổi, o rất đẹp mà đánh giặc cũng rất “lì”, mới 20 tuổi o đã giữ những trọng trách ở cái xã vùng ranh ác liệt này.

O nổi tiếng nhất ở làn da rất trắng. Dạo ấy du kích đêm đêm bơi vượt sông Hiền Lương sang Gio Linh, nam nữ gì cũng mặc đồ ngắn cho tiện. Nhưng bởi o Thảo trắng quá, đêm càng đen càng bật lên cái màu da trắng lạ lùng ấy, e rằng địch phục kích khắp các ngõ làng phát hiện nên cứ sang sông o phải vốc bùn đen trát đầy người.

Đạo diễn - NSND Hải Ninh nhớ lại lúc đoàn làm phim nhìn thấy một tốp người từ dưới địa đạo Vĩnh Linh nhô lên. Đấy là nơi căn cứ xuất kích cho các đội du kích Gio Linh khi màn đêm bắt đầu buông xuống. Xen giữa những hình dáng thô ráp, dũng mãnh như tượng ấy là gương mặt cô gái trẻ măng.

“Điểm thu hút đầu tiên đối với mọi người là làn da trắng đến lạ lùng của cô gái. Trắng đến mức nhìn thấy những vệt lông tơ trên làn da mịn màng. Nó còn cho người ta một cảm giác không thật, một ảo ảnh về sự hiện diện của cô gái đẹp ở trận tiền, trên một vùng gió Lào nắng cháy, khô cằn của miền Trung khắc nghiệt... Tôi chợt nghĩ đến nhân vật chị Dịu trong truyện phim và quay nhìn về phía Trà Giang để tìm sự đồng cảm thì bắt gặp một cảnh tượng cũng không kém phần huyền bí: chính “người đẹp sông Trà” cũng đang ngơ ngẩn ngắm nhìn cô gái có lẽ với bao sự liên tưởng, và sự xao động hiện rõ trên gương mặt người nghệ sĩ...”.

Chính câu chuyện đời của o du kích có làn da trắng kỳ lạ kể với Trà Giang mới thật đặc biệt, như nghệ sĩ Trà Giang sau này tâm sự “nhờ có cuộc gặp gỡ với o, cuộc sống của tôi mới trở nên có ý nghĩa...”. Câu chuyện của o Thảo kể với nghệ sĩ Trà Giang chiều ấy chính là những gì mà bây giờ mọi người đang kể lại với chúng tôi. Trên bàn thờ là ba tấm bằng Tổ quốc ghi công, một trong ba tấm bằng đề tên liệt sĩ Hoàng Thị Thảo, huyện ủy viên, nguyên quán xã Gio Quang, huyện Gio Linh, đã hi sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Hai tấm bằng còn lại là hai người anh trai Hoàng Viết Chánh và Hoàng Đình Thí. Cha o Thảo mất sớm, mẹ bị giặc bắn chết khi o chưa đầy một tuổi, mẹ chết rồi bé Thảo vẫn còn bò trên ngực mẹ vừa khóc vừa tìm bú. Lớn lên, giặc chiêm xóm làng, bắt bớ người dân giam cầm tra tân. Khi anh trai bị giặc tra tấn trước mặt, o vẫn cắn răng không khóc để giữ bí mật cho cơ sở. Chính cái khoảnh khắc mà o Thảo và Trà Giang đang thủ thỉ đã được đạo diễn Hải Ninh kịp giữ lại trong bức ảnh.

Sau này Trà Giang có kể rằng năm 1972 nghe tin o Thảo hi sinh nhưng chị không dám tin. Năm 1999 khi tìm về Gio Linh, Trà Giang vẫn hi vọng tìm được o Thảo. Chỉ đến khi gặp những đồng đội cũ của o Thảo ở huyện ủy Gio Linh chị mới dám tin là o Thảo không còn nữa. Một năm sau cuộc gặp tình cờ mà như thể có sự sắp đặt của định mệnh ấy, o Thảo đã hi sinh trong một đêm vượt sông Hiền Lương về làng do rơi vào ổ phục kích của giặc.

* * *

Tôi vẫn hay đi đi về về những làng cát trên hai bờ sông Hiền Lương sau ngày hòa bình. Bao nhiêu người phụ nữ Gio Linh tôi đã gặp đều mang trong họ hình ảnh của quê nhà. Chị Hoàng Thị Chẩm ở Trung Hải, người nữ du kích bắn tỉa trứ danh trên hàng rào điện tử Mc Namara, sau hòa bình trở về làm nữ hộ sinh, một bà mụ mát tay có tiếng ở ngôi làng ngay chân cầu Hiền Lương. Chị Phương Hoa, nữ du kích Trung Hải ngày xưa, nay đang đảm đương trọng trách bí thư huyện ủy huyện Gio Linh... Vùng đất nghèo sau bao máu xương đổ xuống nay đã được kể bằng một âm sắc tươi mới hơn. Ngay trên làng quê khó nghèo xưa kia của o Thảo nay đã mọc lên khu công nghiệp Quán Ngang. Con đường xuyên Á nối Thái Lan, Lào qua quốc lộ 9 về cảng Cửa Việt và khu du lịch Cửa Việt đang chạy ngang Gio Linh người xe tấp nập...

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên