Đi tìm người học ngành chip

HOA KIM 26/09/2024 04:56 GMT+7

TTCT - Đào tạo nhân công cho nhu cầu khổng lồ của các nhà máy sản xuất chip bán dẫn là bài toán khó mà nhiều nước vẫn đang đau đầu tìm lời giải.

Đi tìm người học ngành chip - Ảnh 1.

Kỹ sư tại nhà máy công ty đóng gói chip Unisem ở Ipoh, Malaysia. Ảnh: REUTERS

Tháng 5-2024, Malaysia cho biết nước này dự định dành ra ít nhất 25 tỉ ringgit (hơn 143.000 tỉ đồng) trong vòng 5-10 năm tới để đào tạo nhân tài và gầy dựng các công ty địa phương hoạt động trong ngành chip bán dẫn, là một phần của kế hoạch dài hơi mang tên Chiến lược bán dẫn quốc gia, theo Nikkei Asia. 

Cụ thể, quốc gia Đông Nam Á này muốn đào tạo 60.000 nhân công bán dẫn địa phương tay nghề cao để giúp hiện thực hóa tham vọng trở thành một trung tâm chip toàn cầu.

Malaysia không phải là quốc gia duy nhất theo đuổi mục tiêu này, và chắc chắn sẽ không phải là nước đầu tiên nhận ra đào tạo nhân công làm việc trong các nhà máy sản xuất chip không phải chuyện dễ.

Đỏ mắt tìm người học

Để chuẩn bị đủ nhân lực người Mỹ cho các kế hoạch mở rộng sản xuất chip trong tương lai, Mỹ cần mở rộng đào tạo tại các trường cao đẳng cộng đồng, chương trình dạy nghề ở trường trung học và các chương trình học nghề. Nghe có vẻ dễ, nhưng thực tế không phải vậy.

Theo The Washington Post, ngay cả ở bang Arizona, nơi các nhà máy bán dẫn khổng lồ đang mọc lên trên vùng đất sa mạc xung quanh thành phố Phoenix - cái nôi của kế hoạch đưa công việc bán dẫn trở lại nước Mỹ của Tổng thống Joe Biden, nhiều người chưa bao giờ nghe về ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhu cầu việc làm gần như sẽ bùng nổ, nhưng hóa ra lại có những khó khăn bất ngờ: khó tuyển sinh, khó tìm kỹ thuật viên có kinh nghiệm để giảng dạy, và đáng ngạc nhiên nhất là cơ hội nghề nghiệp tưởng "ngon" nhưng thật ra là bấp bênh. 

Brad Ailor, một người tham gia giảng dạy ngành bán dẫn tại Trường cao đẳng cộng đồng Maricopa ở Arizona, đã phải cảnh báo các học viên của mình rằng họ "có thể mất vài tháng" để được tuyển dụng. "Đã có một số đợt sa thải trong thời gian tôi làm việc tại Intel. Đó là bản chất của ngành bán dẫn rồi" - Ailor nói.

Ailor hiện giảng dạy cho chương trình đào tạo mang tên Quick Start kéo dài 10 ngày được thiết kế để trang bị cho người học đủ kỹ năng làm việc ở mức căn bản trong ngành bán dẫn. Trong số các học viên khóa tháng 3-2024, chỉ duy nhất một người tìm được việc làm trong vòng 1 tháng sau khi hoàn thành đào tạo.

Đi tìm người học ngành chip - Ảnh 2.

Sinh viên trong khóa đào tạo kỹ thuật viên bán dẫn thuộc chương trình Quick Start tại Trường Cao đẳng cộng đồng Mesa trong giờ thực hành. Ảnh: Maria Hollenhorst/Marketplace

Tại một hội chợ việc làm đầu năm nay do nhà trường tổ chức dành cho học viên, chỉ lác đác một vài công ty cử đại diện đến tham dự. "Đúng là có đôi chút thất vọng. Hiện nay bức tranh tuyển dụng không được sáng sủa cho lắm" - Gabriella Medina (28 tuổi), một học viên đang tìm việc, nói với The Washington Post.

Bùng nổ việc làm ngành chip là chuyện gần như chắc chắn, nhưng nhiều sinh viên nói họ không thể chờ mãi. Medina từng là kỹ thuật viên dược, nhưng một người bạn làm việc tại Intel đã thuyết phục cô rằng mức lương sẽ cao hơn và môi trường làm việc sạch sẽ hơn tại nhà máy sản xuất chip. 

Tổng thống Biden đã nói rằng những công nhân như Medina có thể kiếm được sáu con số, nhưng hầu hết các công việc khởi đầu trong nhà máy mà cô nghe đến chỉ trả từ 20 - 25 USD một giờ, tương đương 50.000 USD mỗi năm. Sự sụt giảm tuyển dụng đang làm suy yếu quá trình đào tạo. Ở thời điểm phỏng vấn với The Washington Post (4-2024), cô phải làm tài xế giao đồ ăn cho DoorDash.

Niên khóa 2023, Quick Start đã tiếp nhận và đào tạo hơn 600 học viên. Năm nay, số lượng người học đã giảm gần một nửa, chỉ còn 370. Không có lớp nào được mở trong mùa hè rồi, chờ theo dõi tình hình. Khóa mùa xuân thì cho tới giữa tháng 9 vẫn còn thu thập danh sách chờ chứ chưa có thông tin cụ thể.

Dạy nghề từ trung học

Trung tâm giáo dục Western Maricopa (West-MEC) - một trường trung học công lập ở phía tây Phoenix - đã bắt đầu đưa vào chương trình giảng dạy môn "hệ thống năng lượng và sản xuất", trong đó học sinh dành hai năm để học cách chế tạo và sử dụng máy bơm, van, hệ thống thủy lực, dây điện, máy tính công nghiệp và robot. 

Theo nhà trường, những học sinh lựa chọn môn này có thể tốt nghiệp trung học với hơn 10 chứng chỉ nghề khác nhau có tính thực tiễn cao và được các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực bán dẫn săn đón cho các vị trí chính thức cũng như học việc với thu nhập khởi điểm từ 25 USD/giờ.

Thách thức lớn nhất của West-MEC là làm sao giúp nhiều người trẻ biết đến những chương trình đào tạo như vậy hơn. Trong khi các khóa học định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của West-MEC có danh sách học sinh đăng ký chờ rất dài thì chương trình định hướng ngành bán dẫn của trường chỉ có chưa đến 100 học viên.

Hiếm đứa trẻ nào ước mơ lớn lên sẽ làm việc trong ngành bán dẫn, nhưng West-MEC hy vọng khi được thấy tận mắt phòng thực hành công nghệ cao của nhà trường với những cánh tay robot và máy móc hiện đại, suy nghĩ của học sinh về nghề nghiệp tương lai có thể thay đổi.

Đi tìm người học ngành chip - Ảnh 3.

Ảnh: Getty Images

Tại một trung tâm chuyên đào tạo thợ kim loại tấm, có khoảng 400 người đang vừa làm vừa học theo mô hình học việc + kiếm tiền - tăng mạnh từ con số vỏn vẹn 100 của vài năm trước. Họ là những người giúp lắp đặt đường ống điều hòa và lọc khí phức tạp của các nhà máy sản xuất chip bán dẫn.

Các công ty chip cũng bắt đầu nhập cuộc triển khai các mô hình hợp tác đào tạo nhân lực bằng cách học việc thực tế kiểu đôi bên cùng có lợi. TSMC vừa thành lập một trung tâm học việc theo mô hình này ở Arizona. 

Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là tích hợp các cơ hội thực hành này vào khóa đào tạo tại một trường cao đẳng cộng đồng được công nhận hoặc một tổ chức cấp chứng chỉ nhằm thu hút thêm nhiều người học hơn.

Chưa thật sự hấp dẫn?

"Đài Loan không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Các em chính là 'mỏ chất xám' chất lượng cao của Đài Loan. Đừng phung phí trí tuệ của mình" - Morris Ker, trưởng khoa vi điện tử mới thành lập tại Đại học quốc gia giao thông Dương Minh (NYCU), nói với các học sinh trung học trong một sự kiện tuyển sinh khóa đầu tiên của khoa này.

Hòn đảo 23 triệu dân là nơi sản xuất gần 1/5 số chip bán dẫn của thế giới và chiếm 69% sản lượng chip siêu nhỏ toàn cầu năm 2022, báo Los Angeles Times dẫn số liệu từ Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn (SIA) và công ty tư vấn Boston. 

Khoa vi điện tử tại NYCU được thành lập với sự hỗ trợ từ chính quyền và các tập đoàn bán dẫn nhằm đẩy nhanh việc đào tạo sinh viên cho các vị trí mà lĩnh vực này đang rất cần.

Lian Yu-yan (18 tuổi), một trong những học sinh tham gia buổi tuyển sinh, chưa cảm thấy được thuyết phục hoàn toàn bởi phần trình bày của vị trưởng khoa dù cha cô cũng làm việc trong ngành bán dẫn. 

Trao đổi với Los Angeles Times, Lian cho biết mặc dù ngành học mới có vẻ ấn tượng, cô cũng có hứng thú với các ngành khác như kỹ thuật cơ khí và công nghệ quang tử với mong muốn kiếm được công việc thu nhập cao sau khi ra trường.

Đi tìm người học ngành chip - Ảnh 4.

Các mẫu thiết kế giải pháp bo mạch của Synergie Cad được trưng bày tại triển lãm SEMICON Đài Loan 2022. Ảnh: Ann Wang/Reuters

Trong bài thuyết trình của mình, Ker đưa ra ví dụ về tầm quan trọng của ngành sản xuất chip bán dẫn đối với Đài Loan: khi hòn đảo này hứng chịu trận động đất tồi tệ nhất trong vòng 1/4 thế kỷ hồi tháng 4-2024, các công nhân nhà máy chip đã di tản nhưng rồi lại nhanh chóng quay trở lại nơi làm việc. Theo Ker, đây là chỉ dấu cho khả năng phục hồi cực tốt của ngành công nghiệp này tại Đài Loan.

Nhưng với Su Xin-zheng, một sinh viên năm 2 tại NYCU, phản ứng trước thảm họa thiên nhiên như trong ví dụ của Ker đại diện cho sự vất vả mà các công nhân Đài Loan phải trải qua để trở thành công xưởng chip bán dẫn của thế giới.

"Mọi người luôn phải túc trực. Chúng tôi chứng kiến họ quay trở lại nhà máy để bảo vệ máy móc" - Su nói và cho biết anh ưu tiên có thời gian rảnh rỗi cho bản thân hơn là một mức lương cao. 

Những người kỳ cựu trong ngành ở đây thường nhắc về thời gian làm việc khắc nghiệt và sự hy sinh khi mô tả cách mà Đài Loan đã xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của mình từ con số không. Họ e ngại rằng thế hệ trẻ sẽ ít có xu hướng chấp nhận làm một công việc khó khăn đến như vậy.

Ting Cheng-wei (23 tuổi), một sinh viên cao học, thường xuyên lui tới các diễn đàn trực tuyến ẩn danh để tìm hiểu thêm về mức lương và mô tả công việc tại các công ty khác nhau. Đó là cách anh biết rằng các vị trí trong nhà máy sản xuất chip bán dẫn đòi hỏi công nhân phải mặc đồ bảo hộ toàn thân để chống ô nhiễm, đồng thời ca làm việc có thể kéo dài đến 12 tiếng - đều là những điều kiện làm việc không hấp dẫn đối với anh.

"Làm việc trong nhà máy sản xuất chip có vẻ giống công việc tay chân. Tại sao tôi phải làm việc trong nhà máy trong khi có thể ngồi trong văn phòng với mức lương cao hơn?" - anh nói với Los Angeles Times. Ting cho rằng sự thiếu hụt nhân lực tại các nhà máy chip bán dẫn có thể được giải quyết đơn giản bằng cách chào mời một mức thu nhập cao hơn. 

"Tôi sẵn sàng từ bỏ tự do vì tiền" - Wei Yu-han (19 tuổi) nói dí dỏm sau khi tham quan một nhà máy sản xuất chip trong chuyến đi do nhà trường tổ chức.

Để thu hút người học ngành bán dẫn, một số nơi đã áp dụng mô hình "vừa học vừa kiếm tiền" giúp các học viên không những không tốn tiền học mà còn có thể kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Một trung tâm đào tạo nghề thợ ống phục vụ ngành bán dẫn ở Arizona hiện có hơn 1.000 học viên đang theo mô hình học việc này - gần gấp đôi con số năm 2022.

"Ngay từ ngày đầu tiên, bạn sẽ kiếm được 21,41 USD/giờ và có thể tiết kiệm tiền cho tuổi hưu và chăm sóc sức khỏe. Ở đây không có học phí. Bạn sẽ hoàn thành chương trình mà không nợ một đồng" - Travis Laird, người phụ trách điều hành trung tâm đào tạo này, cho biết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận