08/07/2013 12:26 GMT+7

Đi tìm người dưng

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Bà tìm đến tôi, nhẹ nhàng bắt đầu một câu chuyện là lạ: “Có một người phụ nữ Việt ở Mỹ đang muốn tìm lại gia đình tại VN".

Bà nói tiếp: "Tôi đã tìm nhiều cách giúp bà ấy nhưng chưa có kết quả nên đến hỏi báo Tuổi Trẻ xem có cách nào giúp bà ấy không?”.

rTjocqgQ.jpgPhóng to
Từ Thị Mẫn (ảnh) tìm mẹ Lê Thị Nương (ảnh), chú Từ Văn Kim Huê, các em: Từ Văn Sáng, Từ Văn Năm, Từ Thị Sáu Sậu (ảnh), Từ Văn Trí, Từ Văn Tám, Từ Thị Út Chín. Hình bên trái là ông Từ Văn Lến (đã mất năm 1971), cha của bà Mẫn - Ảnh: T.Trung

Câu hỏi tự nhiên theo thói quen bật ra ngay: “Bà ấy là ai? Có quan hệ thế nào với bà?”. Người phụ nữ ấy - bà Nguyễn Phương Thu (Q.3, TP.HCM) - hơi lúng túng: “Không. Chỉ là mấy người bạn của tôi ở Mỹ về thăm VN, bà ấy biết một người nên nhờ hỏi giúp xem gia đình có còn ai. Mấy người bạn tôi cũng đi tìm nhưng không thấy, họ phải về nước nên nhờ tôi...”.

Dấu tích mịt mờ

Đó là câu chuyện mịt mờ của bà Từ Thị Mẫn (64 tuổi). Vốn gốc người Tiều (Trung Hoa), trước năm 1971 gia đình bà Mẫn sống ở Dầu Tiếng, Sông Bé. Năm 1971, cha Mẫn là ông Từ Văn Lến mất. Mẹ là bà Lê Thị Nương. Mẫn cùng sáu người em dắt díu nhau lên Sài Gòn, sống vạ vật ở lề đường khu Chợ Lớn.

Nghèo, thất học, không nghề nghiệp, không chỗ ở, lại là con gái lớn trong gia đình, áp lực phải kiếm tiền đẩy Mẫn theo bạn bè xuống Tam Hiệp, Biên Hòa phục vụ trong một quán bar chuyên phục vụ những người lính đánh thuê. Cuộc đời cô gái quê bỗng bị đẩy vào những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, không cần biết ngày mai của thời chiến tranh. Muốn kiếm tìm một cơ hội, năm 1972 cô lấy một người lính Mỹ và theo chồng về nước.

Đến Mỹ, cuộc sống của Mẫn vốn đã tăm tối lại càng lầm lũi hơn vì không biết tiếng Anh. Cô cố gắng học nói nhưng vẫn không thể xin được việc làm, hậu quả của những đêm dài trong quán bar lại khiến sức khỏe tàn tạ. Chồng cô chỉ lao động phổ thông, Mẫn nhận việc trông trẻ ở nhà, tiền lương vừa đủ trang trải cuộc sống của một gia đình nghèo. Như để làm tròn cho nỗi bất hạnh, Mẫn lại không có con. Những hi vọng về một cuộc sống ở thiên đường ngày một lụn tắt.

3 năm tìm kiếm

Bà Thu nhẹ nhàng: “Vâng, là tôi hứa sẽ giúp bà ấy, nhưng chuyện vẫn chưa tới đâu, nói ra lại mang tiếng. Vì đăng số điện thoại của tôi lên báo nên có nhiều người gọi đến, người bảo nạp card điện thoại thì sẽ cung cấp thông tin, người đòi gặp mặt thì mới nói chuyện, lại có người nghĩ tôi đi tìm người để đòi nợ... Nghe đi tìm thân nhân giúp cho người không quen nên họ không tin thì cũng là thói đời thường tình thôi. Ba năm rồi, cũng mệt mỏi nhưng xem báo, truyền hình, thấy nhiều trường hợp ít thông tin hơn mà vẫn tìm ra nhau nên tôi nghĩ vẫn còn hi vọng. Cùng là phụ nữ, nghĩ đến bà Mẫn, nghĩ đến cảnh một người đàn bà suốt mấy mươi năm vò võ cô đơn nơi xứ người, không một niềm vui, tôi xót ruột quá. Cũng là vì chiến tranh thôi. Mỗi ngày, gia đình chúng tôi đều suy nghĩ để tìm cách nào đó”.

Hầu như không ra khỏi nhà, không mối quan hệ, không có tiền để gửi về giúp gia đình, không biết chữ để viết thư, Mẫn đành cam chịu mất liên lạc với mẹ, với em... Tới nay đã 42 năm đằng đẵng.

“Cho tới ngày bà Mẫn tình cờ gặp một người bạn của tôi. Nghe họ nhắc chuyện sắp về thăm VN, bà quýnh lên nhờ giúp. Rồi bà gọi điện thoại cho tôi, lâu lắm mới được nói nhưng tiếng Việt vẫn rành rõ. Bà kể lại cuộc đời, tôi nghe mà thương, trước giờ cứ nghĩ ai ở Mỹ chắc cũng được sung sướng. Thế là tôi hứa giúp bà ấy...”, bà Thu thủ thỉ kể.

Bà bày ra bàn mấy tấm ảnh: “Đây là hình ông Lến, bà Nương ngày xưa. Đây là hình bà Mẫn, chắc chụp khi đám cưới vì thấy đeo vòng vàng, bông tai. Đây là hình của Từ Thị Sáu Sậu, em gái của Mẫn...”. Ngoài ra, còn một bản trích lục khai sinh và hôn thú của bà Mẫn, còn hai lá thư nguệch ngoạc đầy lỗi chính tả, không ngày tháng, không địa chỉ của cô em gái Sáu Sậu và người bạn gái tên Nguyễn Thị Đào gửi cho Mẫn từ năm 1972 với nội dung chính là “ráng gửi tiền về cho má khám bệnh”. Và hết.

Không có một dấu tích nào rõ ràng trừ mấy cái tên. Chúng tôi bối rối, còn bà vẫn nhiệt thành: “Tra cứu trong tàng thư lưu trữ có lẽ sẽ tìm ra, mà tôi chỉ là cá nhân, khó lòng làm được việc ấy nên đến nhờ báo Tuổi Trẻ. Tôi và gia đình tôi đã cố gắng tìm kiếm từ ba năm nay...”.

Bà Thu không biết câu chuyện của bà còn khiến tôi ngạc nhiên hơn cả chuyện thất lạc gia đình của bà Mẫn nữa. Bà hồn nhiên kể tiếp: “Tôi với bà ấy không phải họ hàng, không phải bạn bè, không phải lối xóm, cũng chưa một lần gặp nhau, chỉ là qua mấy người bạn mà tôi nhận lời giúp đỡ. Qua điện thoại, tôi nghe rõ giọng bà ấy mừng như bắt được vàng, như người chết đuối vớ được cọc, nên tôi cố giúp, chỉ là vì tình người...”.

“Chị Thu đã là người thân”

Từ năm 2010 đến nay, bà Thu đã ba lần nhắn tin tìm người thân của bà Mẫn trên báo Tuổi Trẻ, Đài truyền hình Tây Ninh với số điện thoại liên lạc của chính mình. Không có người liên lạc. Bà viết thư trình bày, gửi ảnh, giấy tờ đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, cứ thứ bảy đầu tháng là cả nhà ngóng lên màn ảnh truyền hình, trường hợp của bà Mẫn cũng chưa được nhắc đến.

Sốt ruột, bà cùng chồng đến trụ sở công an khu Bình Tây, Chợ Lớn; đến UBND huyện Dầu Tiếng; đến Tây Ninh, xuống cả khu Tam Hiệp, Biên Hòa nơi có địa chỉ người bạn gái của bà Mẫn 42 năm trước... Đến đâu, bà hỏi tin gia đình ông Lến, bà Nương, Sáu Sậu, bà Đào... đến đó. Chỉ nhận được những cái lắc đầu. Bà thở dài: “Cũng phải thôi, gia đình họ sống lang thang không địa chỉ, mấy năm đó lại chiến tranh loạn lạc, nhưng tôi vẫn tin chắc còn có người nào đang ở đâu đây. Hứa giúp người ta, chưa hết cách thì chưa yên tâm”.

Mỗi lần nghe điện thoại của bà Mẫn, bà Thu lại hỏi về những ký ức: gia đình khi xưa sống ở đường nào trong khu Chợ Lớn? Bà nói còn một người cậu nữa, vậy có nhớ địa chỉ không? Mộ ông Lến chôn ở đâu? Tập tục người Hoa thường đến thăm mộ ngày nào?... Nghe kể, chúng tôi ngỡ bà là một điều tra viên “thứ thiệt”. Vậy nhưng bà lại nói tiếp: “Có lẽ tôi không có nghiệp vụ như nhà báo nên bà ấy vẫn chưa nhớ thêm điều gì. Nhờ các bạn tìm cách hỏi thêm”.

Vài ngày sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại khi đã khuya. Đầu dây bên kia nghe hơi cứng giọng: “Chào cô, tôi là Từ Thị Mẫn. Bà Thu bảo tôi gọi điện...”. Và rồi suốt câu chuyện, tôi lại được nghe bà Mẫn kể về bà Thu. Chuyện bà Thu đã bỏ bao thời gian, công sức để đi tìm người thân cho bà, chuyện bà Thu bị nhiều người làm phiền để xin tiền, đòi trả tiền để đi tìm giúp thông tin... Những chuyện này bà Thu không hề kể với chúng tôi. Chợt giọng bà Mẫn nghẹn ngào: “Có lẽ bà Thu thấy tội nghiệp tôi. Có nhiều người nghĩ Việt kiều thì có nhiều tiền, nhưng hoàn cảnh tôi rất khó khăn. Bà Thu hiểu rất rõ, bà đã cố công giúp tôi tìm gia đình, lại còn hứa sẽ mua cho tôi vé máy bay để về thăm nhà nữa. Thương bà ấy quá. Chưa tìm được mẹ và các em nhưng bà Thu cũng đã là một người thân của tôi rồi”.

Không biết bà Mẫn đã hi vọng và thất vọng thế nào, nhưng gương mặt bà Thu thì đang rạng lên khi tìm đến báo Tuổi Trẻ, hi vọng khi câu chuyện được đăng báo sẽ có người thân của bà Mẫn tìm đến. Kể lại câu chuyện này, chúng tôi cũng hi vọng. Biết đâu sẽ sớm có một cuộc hội ngộ, để thêm nhiều người có niềm vui. Nhưng trước khi có cuộc hội ngộ ấy, tấm lòng của bà Thu cũng đã khiến bà Mẫn và những người được nghe chuyện ấm lòng rồi.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên