Viện Wellcome Sanger (Anh) và các nhà nghiên cứu từ một số trung tâm, bao gồm Hiệp hội Động vật học của London (ZSL) đang đi tìm lời giải cho bí ẩn: Tại sao một số loài tránh được ung thư trong khi những loài khác bị các khối u hành hạ và làm giảm tuổi thọ?
Lời giải đáp toàn diện cho câu hỏi này được kỳ vọng sẽ giúp con người tránh được căn bệnh giết chết 10 triệu người mỗi năm.
Nghịch lý Peto về ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho chó và mèo, nhưng rất ít xuất hiện ở cá voi. Cáo và báo hoa mai dễ mắc bệnh, trong khi cừu và linh dương thì không. Dơi cũng được bảo vệ tương đối tốt khỏi bệnh ung thư, nhưng chuột nhắt hay chuột cống không được bảo vệ.
Trưởng dự án Alex Cagan cho biết ung thư xảy ra khi một tế bào trong cơ thể trải qua một loạt đột biến trong ADN và bắt đầu phân chia không kiểm soát, khiến hệ thống phòng thủ của cơ thể không thể ngăn chặn sự phát triển. Do vậy, theo ông Cagan, một con vật sở hữu càng nhiều tế bào, nguy cơ ung thư của chúng càng cao.
Simon Spiro, nhà bệnh học thú y động vật hoang dã của ZSL, ví von các tế bào như những tấm vé số: càng có nhiều, cơ hội trúng giải độc đắc của bạn càng cao, trong trường hợp này, "giải độc đắc" lại là bệnh ung thư.
Vì vậy, nếu có số lượng tế bào nhiều gấp hàng nghìn lần so với con người, loài vật đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp hàng nghìn lần bình thường.
Từ những quan điểm trên, một số loài cá voi lẽ ra không thể sống đến một tuổi mà không mắc ung thư vì chúng có quá nhiều tế bào - vài nghìn tỉ tỉ tế bào so với con người.
Thực tế, nhiều sinh vật to lớn như cá voi hay voi thường tránh được ung thư, bất chấp số lượng lớn tế bào và mỗi tế bào đều có khả năng gây ra khối u.
Thực tế này đã được nhắc đến trong Nghịch lý Peto, được đặt theo tên của nhà thống kê người Anh Richard Peto - người đầu tiên vạch ra nó. Đây cũng là trọng tâm điều tra của nhóm nghiên cứu do ông Cagan dẫn đầu tại Viện Wellcome Sanger.
Ngăn lão hóa sẽ chặn được ung thư?
Để tìm hiểu rõ hơn nghịch lý này, nhóm Sanger đã nghiên cứu một loạt động vật chết vì nguyên nhân tự nhiên tại Sở thú London. Tất cả đều là động vật có vú gồm sư tử, hổ, hươu cao cổ, chồn sương và vượn cáo đuôi vòng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng các đột biến được tích lũy hằng năm rất khác nhau.
Về cơ bản, các loài sống lâu được phát hiện đang tích lũy đột biến với tốc độ chậm hơn, trong khi các loài sống ngắn lại tích lũy đột biến với tốc độ nhanh hơn. Ví dụ, con người có tuổi thọ trung bình 83,6 năm và có khoảng 47 đột biến mỗi năm, trong khi loài chuột chỉ sống được bốn năm nhưng mỗi năm có tới khoảng 800 đột biến.
Ngoài ra, người ta phát hiện ra rằng, khi kết thúc vòng đời, tất cả các loài động vật khác nhau được nghiên cứu đã tích lũy khoảng 3.200 đột biến.
Nguyên nhân chính xác lý do động vật sống lâu làm chậm thành công tốc độ đột biến ADN của chúng vẫn chưa rõ ràng. Theo nghiên cứu, mối liên hệ giữa tỉ lệ đột biến và tuổi thọ chỉ được thiết lập đối với những động vật có tuổi thọ từ thấp đến trung bình.
Sắp tới dự án sẽ mở rộng nghiên cứu các loài bò sát, thực vật và côn trùng.
Không nên dùng chuột nghiên cứu ung thư?
Nghiên cứu của nhóm ông Cagan cho thấy chuột, loài được sử dụng trong các thí nghiệm ung thư, có thể không phải là mô hình nghiên cứu tốt nhất vì tuổi thọ rất ngắn của nó.
"Hiện tại chúng ta có thể nghĩ đến việc xem xét nghiên cứu các loài sống lâu hơn để phù hợp hơn và là mô hình hữu ích để hiểu về khả năng kháng ung thư", ông Cagan nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận