09/07/2011 07:08 GMT+7

Đi tìm "hàng hiệu" Việt

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Nhắm vào phân khúc người tiêu dùng thu nhập cao, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) VN sau khi khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm bắt đầu đi vào phân khúc cao cấp bằng những thương hiệu mới.

Hàng hiệu VN ở phân khúc cao cấp hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

FvRaOwCR.jpgPhóng to
Ngày càng nhiều thương hiệu Việt xuất hiện tại các trung tâm thương mại cao cấp - Ảnh: T.T.D.

Định vị mới cho hàng Việt

Tạo giá trị cộng thêm cho hàng Việt

Theo bà Vũ Kim Hạnh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, khái niệm hàng hiệu VN có thể mở rộng hơn, không nhất thiết phải mắc tiền nhưng nó đại diện cho đẳng cấp của hàng VN. Vì cái đích cuối cùng của một thương hiệu là gắn bó với người tiêu dùng. Gắn bó tới mức lúc nào họ cũng muốn xài, thường xuyên và thậm chí giới thiệu cho người khác sử dụng. Hàng hiệu hay thương hiệu mạnh đều cần có những yếu tố tăng tính cộng thêm giá trị cho hàng VN.

Ra đời được khoảng sáu năm, thương hiệu Gosto khẳng định chất lượng bằng những đôi giày được thiết kế tỉ mỉ, đơn giản nhưng rất sang trọng. Bà Lê Diễm Thúy, giám đốc Gosto, cho biết để vượt qua được định kiến “hàng Việt giá phải rẻ” không phải là câu chuyện đơn giản. Giá giày Gosto từ 600.000 đồng/đôi trở lên, nằm ở vị trí đẹp của những trung tâm thương mại cao cấp nên nhiều người thắc mắc sao hàng VN mà đắt thế. “Chúng tôi đã gia công cho những hàng hiệu thế giới như Prada, United Colour và kinh nghiệm đó được truyền lại trong những đôi giày của Gosto” - bà Thúy giải thích.

Khi cho ra đời thương hiệu nữ trang Jemma bao gồm trang sức, túi xách, phụ kiện thời trang..., Công ty CAO Fashion đã định vị chỗ đứng là thời trang cao cấp, nên các sản phẩm được chú ý đến nhiều hơn về mức độ sắc sảo, thời trang nhưng không quá đắt để đảm bảo tính cạnh tranh. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, giám đốc nhãn hiệu CAO Fashion, cho biết sau hơn một năm xuất hiện, tăng trưởng của Jemma đạt chỉ tiêu ban đầu. Theo bà Hạnh, cái “lời” nhất chính là nữ trang Việt dần gầy dựng được hình ảnh mới trong lòng người tiêu dùng: cao cấp hơn, sang trọng hơn.

Một thời gian dài khi nói đến hàng hiệu, người ta sẽ nghĩ đến những thương hiệu thời trang quốc tế đang thống lĩnh những mặt bằng đẹp nhất ở TP.HCM. Không chấp nhận thua trên sân nhà, một số DN đã đầu tư vào phân khúc này. Ngày nay, dọc các con đường trung tâm thành phố hay trong những trung tâm thương mại mua sắm sang trọng có thể tìm thấy những thương hiệu cao cấp có nguồn gốc VN như Sanciaro, An Phước, Manhattan, Jemma, Gosto... Vì vậy, việc định vị lại thương hiệu Việt ở một đẳng cấp mới cũng chính là chiếc chìa khóa để hàng Việt có thể “ngồi chung chiếu” với những thương hiệu quốc tế khác.

Không chỉ là cuộc thử nghiệm

Ông Trần Anh Tuấn, giám đốc Công ty tư vấn The Pathfinder, nhận xét: thị trường đang chứng kiến sự ra đời của những hàng hiệu VN, dưới những nhánh thương hiệu khác đang cố gắng len lỏi và định hình ở phân khúc cao cấp với hình ảnh hấp dẫn hơn, rõ ràng hơn. Đây là một quy luật rất tự nhiên bởi đến một lúc nào đó, DN cần lãi nhiều hơn và họ cần xây dựng hình ảnh. Và đến khi DN lên được một phân khúc cao cấp thì họ thành công.

Đến nay, Sanciaro và Parkson ký một hợp đồng chiến lược: Parkson ở đâu thì Sanciaro ở đó. Thương hiệu đã có những thành công nhất định không chỉ về doanh số mà còn về hình ảnh thương hiệu.

Cùng với sự phát triển kinh tế đang hình thành rõ một nhu cầu tiêu dùng mới, họ mong muốn một hình ảnh đẹp hơn, nhu cầu tinh tế hơn không chỉ trong lĩnh vực thời trang, may mặc mà còn trong dịch vụ. Những thương hiệu, dịch vụ chất lượng cao được xem như hàng hiệu lần lượt ra đời để đáp ứng nhu cầu đó. Bà Hạnh cho rằng nếu xét về lịch sử hàng hiệu quốc tế, hàng hiệu VN vẫn còn rất non trẻ, để chinh phục được người tiêu dùng sẵn sàng bỏ số tiền không nhỏ mua một món hàng hiệu “made in VN” vẫn là thách thức của DN.

DN VN còn quá non trẻ, những người có thu nhập cao thì tìm đến những nhãn hiệu quốc tế. Đó cũng là một trong những cái khó của các DN VN khi muốn xây dựng một thương hiệu hàng hiệu đẳng cấp. Bởi vậy, trong chiến lược phát triển sắp tới, Gosto mở rộng số người tiếp cận và sử dụng sản phẩm của mình.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng thách thức lớn nhất của những DN muốn đầu tư hay xây dựng một thương hiệu cao cấp chính là nhận thức để làm sao nhìn ra được thị trường ngách và đo lường được dung lượng thị trường. Làm thương hiệu cao cấp khác biệt hơn những sản phẩm đại trà rất nhiều. Bởi người tiêu dùng cao cấp có những nhu cầu rất tinh tế, họ có cái gu thẩm mỹ riêng đòi hỏi nhà kinh doanh phải nắm bắt được cảm xúc tiêu dùng chứ không đơn thuần là thị hiếu.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên