Dù đó chỉ là một giả thiết nhưng huyền thoại quần vợt John McEnroe đưa ra câu trả lời phũ phàng: Serena sẽ xếp hạng 700.
Tranh cãi về Khelif
Khi trả lời câu hỏi trên, McEnroe rào trước đón sau rằng ông hoàn toàn không có ý định chê bai Serena Williams. Đồng thời khẳng định cô là một VĐV phi thường. Nhưng khác biệt nam nữ là quá lớn.
Giới VĐV đỉnh cao có rất nhiều cơ sở để chứng minh rằng những cô gái ưu tú nhất trong làng thể thao chỉ tương đương với các cậu bé năng khiếu đang tuổi dậy thì. Như ở Việt Nam, tuyển bóng đá nữ quốc gia thường đá giao hữu với các đội U13, U14 nam để tập luyện.
Trường hợp Serena sang thi đấu quần vợt nam chỉ là nói cho vui. Nhưng trường hợp ngược lại mới đang tạo nên một cơn bão tranh luận tại Olympic. Đó là khi những chàng trai, VĐV chuyển giới, hay bất kỳ VĐV nào khác có tranh cãi về hormone nam giới, nhiễm sắc thể XY thi đấu ở nội dung của nữ.
Hai ngày qua, làng thể thao được chứng kiến tranh cãi đó, xoay quanh trường hợp của VĐV boxing nữ hạng cân 66kg Imane Khelif. Ngay ở trận đấu đầu tiên (vòng 16), Imane Khelif đã khiến đối thủ Angela Carini (Ý) phải đầu hàng chỉ sau 46 giây.
Carini bật khóc nức nở sau trận thua, cho rằng cô phải bước vào một trận đấu không công bằng. Hầu hết người hâm mộ đều đồng cảm với Carini. Nhìn vào ngoại hình của Khelif, gần như không khác gì một chàng trai lực lưỡng.
Hơn thế, Khelif từng bị loại khỏi Giải boxing nữ thế giới 2023 vì không vượt qua được bài kiểm tra giới tính. Căn cứ trên xét nghiệm của Hiệp hội Quyền anh quốc tế (IBA), Khelif có nhiễm sắc thể XY (xác định giới tính nam) và có lượng hormone testosterone cao bất thường.
Nhưng luôn tồn tại những mâu thuẫn giữa các cơ quan thể thao. IBA cấm, nhưng Ủy ban Olympic (IOC) lại cho phép. Và Khelif đến Olympic trong ánh mắt kỳ thị của nhiều võ sĩ khác.
"Chàng trai sinh học"
Nhiều năm qua, làng thể thao đã râm ran tranh cãi về vấn đề những "chàng trai sinh học" thi đấu ở nội dung của nữ. Đây là khái niệm được đặt ra bởi một nhóm nữ sinh viên Mỹ thi đấu trong hệ thống NCAA (giải thể thao sinh viên Mỹ), khi họ phải đối đầu với những VĐV chuyển giới.
"Họ có thứ mà chúng tôi không có là cơ thể của một người đàn ông. Về mặt sinh học, họ là nam giới" - năm 2020, VĐV điền kinh Selina Soule đăng đoạn clip có phát biểu này lên YouTube và lập tức thu hút hàng triệu lượt xem. Nhiều năm trời, Soule luôn là chân chạy trong top 5 ở tiểu bang Connecticut.
Nhưng rồi cô đã mất suất học bổng vào một đại học danh giá vì sự xuất hiện của "2 chàng trai sinh học". Ở tầm cỡ giải quốc gia, câu chuyện này càng nhức nhối khi mỗi bang, mỗi vùng lại có luật lệ, quy định khác nhau.
Nhiều người hâm mộ có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng việc quản lý các VĐV chuyển giới ở làng thể thao đỉnh cao vốn vô cùng lỏng lẻo. Đến tận năm 2003, IOC mới đưa ra quy định cụ thể về vấn đề này khi yêu cầu những người chuyển giới phải đáp ứng được nhiều điều kiện mới có thể thi đấu ở nội dung của nữ. Đến năm 2015, IOC lại thay đổi các điều kiện này theo hướng dễ dãi hơn.
Khelif có lẽ không phải là một VĐV chuyển giới, khi cô là người Algeria và theo đạo Hồi. Nhưng Khelif có thể rơi vào trường hợp của những VĐV liên giới tính (intersex) - một trường hợp còn phức tạp hơn so với người chuyển giới.
Thuật ngữ nói trên chỉ những người có đặc điểm giới tính (bao gồm bộ phận sinh dục, cơ quan sinh sản, nội tiết tố sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính) mà theo Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc là "không phù hợp với định nghĩa điển hình của cả nam giới hay nữ giới".
Nhưng điểm chung của các VĐV chuyển giới hay liên giới tính đều đưa về trường hợp tranh cãi mà Soule nói đến: "những chàng trai sinh học" ở sân chơi của nữ giới. Điền kinh là môn thể thao cảm nhận rõ ràng những bất công này.
Allyson Felix - người từng giành 6 HCV Olympic - đạt thành tích tốt nhất sự nghiệp ở nội dung 400m là 49,26 giây. Nhưng dữ liệu cho biết trong năm 2018, có đến 300 học sinh nam vượt qua được thành tích này của cô, chỉ trong phạm vi các giải đấu trẻ, giải của trường học...
Sẽ thế nào nếu trong tương lai, các "chàng trai sinh học" ồ ạt xuất hiện ở Olympic?
Nhưng ít nhất, sân chơi điền kinh không có va chạm giữa các VĐV. Còn trên võ đài boxing, những nhà quản lý thể thao cần đảm bảo rằng không thể để các cô gái phải chịu đòn trước một đối thủ trời sinh đã vượt trội họ về mọi tố chất sức mạnh, tốc độ, hình thể…
Không thể chỉ đo nồng độ testosterone
Ưu thế của nam giới so với nữ giới trong các môn thể thao đòi hỏi sức mạnh và tốc độ là khá rõ ràng. Nam giới khi trưởng thành đều có xu hướng cao hơn với các chi dài hơn. Tính trung bình, các cơ của họ cũng mạnh mẽ hơn, với khối lượng cơ tổng thể nhiều hơn và ít mỡ cơ thể hơn.
Các VĐV nam có trung bình từ 4-12% chất béo trong cơ thể so với 12-23% ở các VĐV nữ. Nam giới cũng có cơ xương lớn hơn, tim, phổi lớn hơn và số lượng tế bào hồng cầu nhiều hơn. Hàng loạt khác biệt đó khiến người ta đặt câu hỏi rằng nếu chỉ đo mỗi nồng độ testosterone liệu có công bằng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận