Đi tìm chế độ ăn “thần thánh”

TRÚC ANH 07/01/2022 19:10 GMT+7

TTCT - Tìm kiếm một hay nhiều chế độ ăn tốt cho cả con người lẫn hành tinh là điều cần thiết, nhưng gần như bất khả.

 
 Nguồn: EAT-Lancet

Tìm kiếm một hay nhiều chế độ ăn tốt cho cả con người lẫn hành tinh ta đang sống đang là tâm điểm của nhiều nhà nghiên cứu, Liên Hiệp Quốc, các quỹ tài trợ quốc tế và nhiều quốc gia, theo một bài viết trên Nature ngày 1-12. Chế độ ăn đó có thể gọi là “thần thánh” theo nghĩa quá khó đạt được, bởi nó yêu cầu phải thỏa rất nhiều điều kiện: dinh dưỡng cho con người, an toàn cho hệ sinh thái, giá phải chăng và phù hợp về mặt văn hóa.

Sự đa dạng và phức tạp của hành tinh chúng ta - nơi có hơn 2 tỉ người, chủ yếu ở phương Tây, thừa cân béo phì và hơn 800 triệu người không nạp đủ dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày, đa số ở các nước thu nhập thấp và trung bình; nơi cấm thịt bò chỗ không ăn thịt heo - khiến tìm ra một chế độ ăn như vậy gần như bất khả.

Trong một báo cáo năm 2019, EAT-Lancet - liên minh gồm 37 nhà dinh dưỡng học, sinh thái học và các chuyên gia khác từ 16 quốc gia - đề xuất một chế độ “linh hoạt”: chủ yếu là ăn thực vật suốt tuần và thỉnh thoảng xen vào một lượng nhỏ thịt (1 tuần không quá 100g thịt đỏ) hoặc cá, vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa không vượt các giới hạn về sử dụng tài nguyên, phát thải carbon, mất mát đa dạng sinh học.

Vấn đề là tính thực tế và thực dụng của nó. Nhiều nhà khoa học cho rằng chế độ ăn nói trên là “chuẩn” với các nước giàu, vốn đã ăn quá nhiều thịt và thức ăn không bổ dưỡng, nhưng không đảm bảo dinh dưỡng cho người sống ở nơi còn thiếu thốn. Một vấn đề khác là chi phí: Hàng triệu người không có tiền để tiếp cận các thực phẩm dù rất cơ bản như các loại hạt, cá, trứng, chế phẩm từ sữa…

Mới đây, một nhóm các cơ sở kinh doanh thức ăn ở Baltimore (Maryland, Mỹ) áp dụng chế độ này khi hỗ trợ thực phẩm cho các gia đình không có điều kiện ăn uống đầy đủ. Khảo sát các gia đình tham gia chương trình sau đó cho thấy 93% trong số 242 người trả lời cho biết họ thích chế độ ăn gồm cá hồi, rau theo mùa này. Có điều mỗi phần ăn này có giá 10 USD, gấp 5 lần mức hỗ trợ của chương trình tem phiếu thực phẩm của Mỹ.

Marco Springmann, nhà khoa học thực phẩm Đại học Oxford có tham gia EAT-Lancet, thừa nhận chế độ mà họ đề xuất không phải là giải pháp phù hợp cho tất cả. Từ nỗ lực của EAT-Lancet, các nhà khoa học y tế cộng đồng khắp thế giới đang tiếp tục nghiên cứu để chế độ ăn này thực tế hơn, phù hợp với cả người thừa cân ở phương Tây lẫn trẻ suy dinh dưỡng ở châu Phi. Chẳng hạn, FAO đã lập một ủy ban để thực hiện một phân tích toàn diện và mang tính bao trùm hơn về chuyện ăn uống, an ninh lương thực và tính bền vững của ngành chăn nuôi.

Lora Iannotti, chuyên gia nghiên cứu y tế cộng đồng Đại học Washington, St. Louis, mô tả nỗ lực của FAO là “đi xa hơn (EAT-Lancet) và đảm bảo rằng chúng tôi có bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới” hầu tìm được giải pháp thực tế và khả thi hơn cho bài toán ăn không chỉ cốt no mà còn để bớt lo về tương lai của Trái đất.

Vấn đề đang rất cấp bách, như cảnh báo của Sam Myers, giám đốc Planetary Health Alliance, liên minh nghiên cứu tác động của các thay đổi về môi trường lên sức khỏe con người: “Chúng ta cần phải đạt được tiến bộ trong việc áp dụng các chế độ dinh dưỡng ít ảnh hưởng môi trường hơn, nếu không chỉ vài thập niên nữa là chúng ta bắt đầu chứng kiến sự sụp đổ toàn cầu về đa dạng sinh học…”. 

Nhưng thực tế không thể tránh khỏi là trước mắt, giới khoa học ở các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn quan tâm đến việc có đủ dinh dưỡng hơn là ngăn tổn hại môi trường - theo Purnima Menon, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế tại Ấn Độ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận