10/02/2020 11:07 GMT+7

Đi tìm 'bụng 6 múi' - Kỳ 7: Đẹp mà khỏe thì đời mới tươi

DIỆU QUÍ - MẠNH DŨNG
DIỆU QUÍ - MẠNH DŨNG

TTO - Hồi xưa, nhiều người quan niệm cái đẹp giới nữ là 'liễu yếu đào tơ'. Nhưng ngày nay đã thay đổi hẳn: đẹp mà khỏe thì đời mới tươi vui. Những ngày dịch bệnh do virus corona này, cái đẹp lại càng gắn liền với sức khỏe để nâng sức đề kháng...

Đi tìm bụng 6 múi - Kỳ 7: Đẹp mà khỏe thì đời mới tươi - Ảnh 1.

Thành chăm chỉ tập để có cơ thể đẹp và sức khỏe tốt vào mùa dịch bệnh như hiện nay - Ảnh: NVCC

Thậm chí, đi du lịch gia đình tôi cũng tranh thủ tập luyện đi bộ. Còn gì thú vị bằng buổi sáng cùng bên nhau đi bộ ngắm mặt trời lên trên bãi biển và cảm thấy cơ thể thật nhẹ nhàng, sảng khoái.

TRẦN THÙY HƯƠNG

Đẹp hơn nhờ gym

Bốn năm trước, Nguyễn Thị Thành (24 tuổi, quê Bắc Ninh, ngụ Q.4, TP.HCM) đến với gym sau khi ngắm body siêu đẹp của những nữ gymer (người tập môn gym) khiến cô rất thích thú. Thành bắt đầu tìm hiểu gym và tự tập ở nhà. 

"Được thời gian, tôi thấy ở nhà bị hạn chế nên đến phòng tập nhờ PT (huấn luyện viên) hướng dẫn. Việc tập cũng tốt hơn, có động lực tập hơn", Thành kể.

Cao 1,72m nhưng chỉ nặng 53kg, ban đầu Thành tập gym là để có sức khỏe. Cô quan niệm khỏe từ bên trong thì mới đẹp bên ngoài, có sức sống hơn. 

Cô chia sẻ: "Hồi đấy tôi cũng thi Hoa hậu VN 2016. Ý thức mình thi sắc đẹp nên tôi tập luyện và ăn uống lành mạnh, bởi hành trình thi rất dài, đòi hỏi phải chuẩn bị sức khỏe tốt".

"Từ khi tập, tôi thấy cơ thể khác hoàn toàn so với lúc chưa chạm đến gym. Từ 53kg, tôi lên được 58kg phù hợp chiều cao, mừng lắm! Cảm nhận mình khỏe ra, ít bị ốm, giảm stress, da dẻ cũng đẹp hơn. 

Tập gym khiến tôi ngủ sâu nên tinh thần thoải mái, minh mẫn, nhanh nhẹn hơn trước. Thật sự, gym đã hướng tôi đến lối sống lành mạnh, khỏe đẹp, giúp tự tin rất nhiều", Thành khẳng định.

Mỗi tuần Thành dành thời gian cho ba buổi gym và hai buổi yoga. Cô cho biết hôm nào không tập được thì cảm giác như chuỗi hoạt động trong ngày bị thiếu mất một đoạn, khiến người khó chịu. 

"Bận việc, nghỉ một thời gian rồi tập trở lại thì sẽ đau khoảng 2-3 ngày đầu, nhưng tôi luôn nghĩ ngày mai sẽ hết. Bây giờ không tập thì sẽ đau mãi, muốn khỏe đẹp phải chịu khó, đừng lười. Thế là có động lực lao vào tập và nghiện lúc nào không hay", Thành cười...

Chạy để khỏe và xả stress

Là người làm truyền thông, Trần Hồ Nguyên Thảo (quê Lâm Đồng, ngụ Q.3) luôn chịu áp lực công việc dày đặc. 

Mỗi ngày của Thảo trôi qua rất dài, cô nhận ra mình không hợp việc văn phòng nhưng loay hoay không biết mình thích điều gì. Stress, Thảo ra công viên chạy bộ cho thư giãn đầu óc.

"Sau vài lần thì gặp được nhiều người chạy chung với mình, họ chạy lâu rồi nên hướng dẫn tôi chạy sao cho đúng cách. Tôi thấy mình vui sau mỗi lần chạy, rồi dần dần yêu bộ môn này, tôi nghĩ đã đến lúc thay đổi hướng đi", cô gái 26 tuổi nhớ lại cơ duyên tìm thấy đam mê thể thao.

Năm ngoái, Thảo bắt đầu bước vào hành trình sống với những gì mình thích khi đã 25 tuổi. Mỗi ngày cô tập một buổi, thời gian tùy vào số kilômet mà mình muốn chạy. "Tôi chạy 10km nên mỗi buổi sẽ tập khoảng một tiếng đồng hồ". 

Ngoài những lúc chạy một mình ở công viên, nhà thi đấu, mỗi tuần cô tham gia chạy cùng nhóm 1-2 lần. Hiện Thảo tăng cường tập luyện kết hợp chế độ dinh dưỡng để duy trì năng lượng, tăng khả năng miễn dịch với dịch bệnh. 

Thảo kể: "Hồi còn làm văn phòng, mỗi ngày tôi phải dậy từ 4h30 để 5h bắt đầu, chạy tầm 30 phút rồi ăn sáng và đi làm. Nếu không có đam mê thì chắc tôi đã bỏ cuộc vì nó thay đổi cả thói quen của mình", cô cười nói.

Thấy Thảo có khiếu với chạy bộ nên chỉ sau 6-7 tháng kể từ lúc bước chân vào thể thao, cô được huấn luyện để tham gia hai giải đấu. Cuộc thi gần nhất là Rivise Marathon, tổ chức ở TP.HCM.

"Lần đầu tiên tôi thi giải chạy 10km, nhưng chạy được 6km thì đã quá mệt, lúc đó chỉ muốn bỏ cuộc. Các bạn chạy lên động viên. Nhìn thấy ai cũng lướt qua, tôi nghĩ tại sao người ta làm được còn mình thì không, chạy được tới chừng này rồi không lẽ bỏ ngang? 

Vậy là tôi đi bộ dưỡng sức chốc lát rồi chạy tiếp, chậm hơn người khác cũng được, miễn sao về đích thì thôi". Và thành quả cho bao nỗ lực của Thảo là cô đoạt giải nhì cự ly ngắn 10km của nữ.

Chia sẻ cảm nhận khi chạy bộ ở cự ly ngắn 10km, Thảo hồ hởi nói: "Khi về đến đích, tôi hạnh phúc vô cùng. 

Những giọt mồ hôi mình đổ ra rất xứng đáng, dù về nhà phải nằm trên giường mấy ngày liền vì quá đau nhức, nhưng cái đau ấy đưa tôi vượt qua giới hạn bản thân để làm những điều mới mẻ hơn".

Đối với Thảo, cô lấy chạy bộ làm niềm vui: "Kể từ đó, cứ lần nào muốn nghỉ chạy thì tôi lại động viên mình, nếu bây giờ mà bỏ cuộc dễ dàng sẽ có lỗi với bản thân, cho nên mệt cỡ nào tôi cũng cố. 

Chạy bộ rất tốn sức nhưng khi về đích thì mệt mỏi gì cũng tan biến, vui mấy ngày luôn, tinh thần cũng sảng khoái".

Từ một cô gái nội tâm, u uất, hay suy nghĩ tiêu cực (như cô tự nhận), Nguyên Thảo giờ khiến người đối diện cảm nhận nguồn năng lượng dồi dào, vui tươi, đúng với tinh thần của người chơi thể thao. 

Cô cho biết đang tập chạy quãng đường dài hơn, hoàn thiện kiến thức chuyên môn để thực hiện ước mơ trở thành một huấn luyện viên giỏi.

Đi tìm bụng 6 múi - Kỳ 7: Đẹp mà khỏe thì đời mới tươi - Ảnh 3.

Niềm vui thể thao ánh lên gương mặt của Nguyên Thảo - Ảnh: NVCC

Đi bộ là thú vui mỗi ngày

Từng chạy bộ nhiều năm, sau một lần bị tai nạn giao thông, Trần Thùy Hương (39 tuổi, ở Q.Bình Tân) không chạy được nữa, nhưng chị vẫn không rời bỏ cuộc sống thể thao. Cô giáo này kể từ chạy mỗi ngày đã chuyển sang đi bộ. 

"Lúc đầu đi bộ tôi cũng cảm thấy hơi buồn, rồi cũng dần quen với nhịp độ tập luyện chậm rãi, nhẹ nhàng hơn so với chạy", Hương tâm sự.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng tập luyện, chị lại đâm nghiện đi bộ. Mỗi ngày chị đi bộ 45 phút vào buổi sáng và 30 phút vào buổi tối. 

Riêng thứ bảy và chủ nhật, chị đều đi bộ liên tục suốt 2 giờ để rèn luyện độ bền và đốt mỡ thừa nhiều hơn. 

Theo Hương, đúng là đi bộ thì hiệu quả đốt mỡ thừa, săn chắc cơ thể và độ bền thể lực có vẻ đều chậm hơn người tập chạy hay tập gym.

"Nhưng đi bộ cũng có thú vui riêng là rất dễ tìm thấy người cùng sở thích ở bất cứ công viên nào hiện nay, đặc biệt là những người đã dần đứng tuổi như tôi. 

Ngoài ra, tôi có cảm giác không biết chính xác hay không là đi bộ cũng như một dạng thiền. Hoạt động cơ xương nhẹ nhàng, đầu óc thanh thản, sảng khoái", chị chia sẻ.

"Bí quyết rèn luyện thể thao của Hương là gì?". "Bí quyết của tôi là không có bí quyết gì hết!", Hương cười cho biết thêm thời gian đầu mỗi người chỉ cần cố gắng rải chân trên đường vài kilômet một ngày cũng được, sau đó sẽ dần "đâm nghiện" và tự tăng cường độ tập như rải bước chân nhanh hơn, đường đi dài hơn. 

Gia đình Hương giờ ai cũng là fan ruột của môn đi bộ, từ con trai út mới 12 tuổi đến cô con gái đầu 14 tuổi và người chồng là kỹ sư đã 53 tuổi.

Buổi sáng, chồng con không tập chung với Hương được, nhưng buổi tối gia đình họ đều cùng nhau trên đường đi bộ 30 phút. Riêng hai ngày thứ bảy và chủ nhật, cả nhà đều đi đủ suốt 2 giờ ở công viên...

___________________________

"Con gái mà luyện võ thì coi chừng có ngày manly - thành đàn ông lúc nào không biết đó". Nhưng những người đẹp mê luyện võ đã cho thấy quan niệm này quá sai khi họ càng ngày càng khỏe và càng đẹp thêm...

Kỳ tới: Thục nữ luyện võ

Đi tìm Đi tìm 'bụng 6 múi' - Kỳ 6: Những cô nàng mê leo núi

TTO - Xưa nay, leo núi được cho là môn thể thao quá sức và nguy hiểm với con gái. Nhưng với những cô nàng chọn lối sống khỏe đẹp, mê khám phá thì trekking (leo núi và đi bộ đường dài) giữa thiên nhiên hoang dã có sức quyến rũ rất lớn .


DIỆU QUÍ - MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên