06/04/2015 09:01 GMT+7

​Di tích Triền Tranh: Nhiều câu hỏi chờ giải đáp

PHAN THÀNH
PHAN THÀNH

TT - Di tíHơn ba tháng nay, hàng chục cán bộ, công nhân Viện Khảo cổ học VN và Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đang gấp rút tiến hành từng công đoạn khai quật di tích Triền Tranh.

Các bờ tường với dày đặc gạch xếp theo lớp ở khu di tích Triền Tranh - Ảnh: Phan Thành

Di tích này thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Trong quá trình khai quật để trả lại mặt bằng thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, một kiến trúc mới lạ đã được phát lộ cùng rất nhiều hiện vật chưa thể thống kê được, có niên đại trùng với niên đại kiến trúc khoảng thế kỷ 9-13.

Di tích Ấn Độ giáo?

Khai quật từ giữa tháng 1-2015, đến nay đoàn chuyên gia khảo cổ cùng các công nhân đã mở được 20 hố với diện tích khoảng 2.000m2. Còn khoảng 10 hố với diện tích gần 1.000m2 sắp được khai quật và dự kiến kết thúc vào tháng 6.

Theo các chuyên gia, trong nhiều vết tích kiến trúc, phát lộ rõ nhất là tường bao hiện diện với chiều dài hơn 70m. Ông Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học VN) - chủ trì khai quật di tích Triền Tranh - cho hay khu vực khai quật nằm ở phía ngoài rìa di tích.

Nếu lấy sông Thu Bồn làm trục quy chiếu, di tích này có mối liên hệ chặt chẽ với các di tích Champa khác như Mỹ Sơn, Chiêm Sơn Tây, Trà Kiệu, cửa Đại Chiêm.

Điểm đặc biệt, kiến trúc này không nằm trong nhóm kiến trúc Champa có dạng tháp, thành hoặc lò gốm đã được tìm thấy trước đó mà đây là một dãy kiến trúc liên hoàn, có nền gạch và được lợp bằng mái ngói.

“Khu vực khai quật bị đổ sập hoàn toàn, những hiện vật tìm được cũng cho thấy đây không phải nơi sinh hoạt mà có khả năng là nơi liên quan đến việc thờ cúng, vua chúa, tăng lữ từ các vùng khác đến tập giảng, học kinh, học các nghi lễ trai giới... từ đó đi theo hướng Mỹ Sơn và các đền khác để làm lễ” - ông Quý đoán.

Trước đó, người dân địa phương đã phát hiện bệ thờ voi bằng sa thạch ở gần khu vực đang được khai quật.

Trong khi đó, TS Lê Đình Phụng - trưởng phòng nghiên cứu khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học VN), trưởng ban cố vấn khoa học cho cuộc khai quật - cho rằng đây là một di tích Ấn Độ giáo với cụm di tích hoàn chỉnh gồm nhiều công trình kiến trúc, những tu phòng làm nơi tập giảng của các giáo sĩ Bà La Môn.

“Vẫn chưa thể khẳng định chính xác. Chúng tôi đang làm rõ hệ thống tường bao phía sau của di tích và những công trình kiến trúc bị sụp đổ xuống, trong đó có gạch, ngói, thanh đá bậc cửa và sân lát gạch phẳng, hệ thống móng kiến trúc...” - TS Phụng nói.

Chưa có phương án bảo tồn

Một số chuyên gia cho rằng hiện tại chưa thể bình luận gì về di tích này bởi khu vực khai quật chỉ bằng 1/10 diện tích và nằm ngoài rìa di tích. Tuy nhiên phương án di dời toàn bộ hiện vật vẫn đang là dấu hỏi cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia.

Theo ông Quý, cuối tháng 4-2015 Viện Khảo cổ học VN phối hợp với Sở VH-TT&DL Quảng Nam sẽ tổ chức hội thảo cùng với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành để tìm giải pháp, thống nhất phương án di dời các hiện vật.

“Hiện tại không thể thống kê được toàn bộ hiện vật. Theo quan điểm cá nhân của tôi, trước hết nên xây dựng cơ sở dữ liệu trên máy tính sau đó đưa về bảo tàng và chiếu trực quan cho du khách, người dân xem vừa tiện lợi vừa gọn nhẹ” - ông Quý đề xuất.

Riêng nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ cho rằng có bao nhiêu hiện vật đào lên được thì phải đưa đi hết. Bên cạnh đó cũng phải đo đạc, quay phim, chụp ảnh thật kỹ để làm tư liệu.

“Khu này sẽ bàn giao lại cho nhà thi công, họ sẽ san ủi bằng phẳng, đổ bêtông nên trước đó mình phải khai quật thật kỹ. Ngoài ra, vấn đề hậu khai quật như thế nào cũng phải được quan tâm. Nếu có nhà trưng bày cạnh đó thì tốt hoặc không thì phải đem về bảo tàng” - ông Hỷ lo ngại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Xuân Tịnh - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam - cho biết trước khi làm đường cao tốc đã tránh di tích Triền Tranh này một lần, tuy nhiên do di tích quá rộng nên việc phát lộ nằm ngoài dự kiến của các nhà khảo cổ.

Ngoài ra, đây là di tích đầu tiên nằm trong diện khai quật để giải tỏa mặt bằng làm đường cao tốc. “Sau khi khai quật sẽ báo cáo và xin ý kiến Bộ VH-TT&DL về việc bảo tồn như thế nào. Nếu di tích quá quan trọng thì phải tính toán phương án, đề nghị bên chủ đầu tư đường cao tốc nắn đường. Trường hợp đây là thành phần nhỏ của di tích lớn thì sẽ phải trả mặt bằng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” - ông Tịnh nói.

PHAN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên