Phóng to |
Hiện trường vụ cháy đền Nhạn Tháp - Ảnh: Cảnh Phúc |
Chiều 7-7, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Hồng Long cho biết, vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 9g sáng nay (7-7) tại khu vực tòa hậu cung của đền Nhạn Tháp.
Thời gian trên, một số người dân xóm 6 xã Hồng Long phát hiện đám cháy bất ngờ bùng phát trong tòa hậu cung đền Nhạn Tháp.
Nhận được tin báo, chính quyền xã Hồng Long đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, công an xã đến hiện trường cùng người dân tham gia chữa cháy.
Do tòa nhà hậu cung được làm bằng gỗ nên đám cháy bốc lên dữ dội. Người dân phải dùng thau nhựa múc nước, kéo vòi bơm và 5 bình cứu hỏa mini để dập lửa. Khoảng 30 phút sau, đám cháy mới được khống chế.
Ông Nguyễn Văn Toàn (82 tuổi, người trông coi đền Nhạn Tháp) cho biết, sáng 7-7 ông Toàn cùng ông Nguyễn Thanh Bình (73 tuổi) vào đền quét dọn, thắp hương. Đến hơn 8g sáng, sau khi hương tàn thì hai người khóa cửa đền ra về.
“Tôi về nhà thì nghe người dân hô hoán đền cháy dữ dội nên vội vàng chạy xe đến. Khi đến nơi thì hàng chục người đang cố gắng dùng chậu nước, bình cứu hỏa nhỏ để dập lửa”, ông Toàn kể.
Vụ hỏa hoạn làm tòa hậu cung của đền Nhạn Tháp bị thiêu rụi. Phần mái ngói tòa hậu cung đổ sập xuống bên dưới. Các hiện vật bên trong đền như ngai vàng, tượng, sắc phong… cũng bị cháy nham nhở.
Sau khi xảy ra sự việc, cán bộ điều tra công an huyện, phòng văn hóa thông tin huyện Nam Đàn và Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Nghệ An tới hiện trường để thống kê thiệt hại, điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Trưa 7-7, chính quyền xã Hồng Long cử lực lượng bảo vệ hiện trường, ngăn không cho đám cháy bùng phát trở lại.
“Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là chập điện. Hiện chúng tôi đang làm báo cáo lên cấp trên về vụ cháy để có hướng khắc phục, trùng tu lại đền”, ông Sơn cho biết thêm.
Đền Nhạn Tháp có từ thời Lý, được trùng tu lớn vào thời Nguyễn để tưởng nhớ Lý Nhật Quang (con thứ tám của Vua Lý Thái Tổ) – người khai cơ lập làng cho vùng đất Nam Đàn. Kiến trúc đền gồm 2 toà bái đường và hậu cung, được bố trí theo kiểu chữ “Đinh” kết cấu theo kiểu “kẻ chuyền giá chiêng”.
Năm 1993, đền Nhạn Tháp được Bộ Văn văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia. Hằng năm vào ngày rằm tháng ba âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội tại đền để tưởng nhớ Lý Nhật Quang.
Phóng to |
Phần mái ngói đền Nhạn Tháp đổ sập sau vụ cháy - Ảnh: Cảnh Phúc |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận