
Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng tại xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG
Ngày 26-4, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu).
Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng, nơi có ngôi tháp cổ nghìn năm tuổi, được phát hiện vào năm 1911. Đây là một công trình độc đáo, mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, có niên đại từ thế kỷ thứ IV, là một trong những kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại ở Tây Nam Bộ với hiện trạng gần như nguyên dạng.
Trong số hiện vật được tìm thấy tại di tích khảo cổ Vĩnh Hưng, có 5 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm tượng nữ thần Laksmi, tượng thần Sadasiva, đầu tượng thần Shiva, tượng Nam thần và phù điêu nữ thần Uma.
Năm 1992, di tích khảo cổ Vĩnh Hưng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia. Đến năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích này.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng việc xếp hạng di tích khảo cổ Vĩnh Hưng là di tích quốc gia đặc biệt khẳng định tầm quan trọng về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và tính thẩm mỹ của di tích.
Theo ông Thiều, di tích khảo cổ Vĩnh Hưng mang tính tiêu biểu và độc đáo, là kiến trúc dạng tháp ở Nam Bộ còn nguyên dạng và mang tính chất duy nhất của một nền kiến trúc còn lại trên mặt đất của văn hóa Óc Eo.
Ông Thiều đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục hoàn chỉnh nội dung trưng bày và phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu, học tập của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh; kêu gọi đầu tư để nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối tour, tuyến để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn.
Cùng ngày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khánh thành dự án trưng bày nội thất Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bạc Liêu.
Dự án có tổng diện tích trưng bày cố định gần 2.000m2, được thiết kế ở 3 tầng thuộc khối nhà B và tầng 2 của khối nhà C của Nhà hát Cao Văn Lầu.
Nội dung bố cục trưng bày được chia thành 10 chủ đề, thể hiện quá trình hình thành vùng đất Bạc Liêu, quá trình đấu tranh góp phần giải phóng dân tộc đến quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận