Mới đây khi lấy ý kiến đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây tại khu vực liên quan đến hai công trình này, Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho rằng nên lựa chọn vị trí phù hợp để phục dựng mô hình kiến trúc hiện trạng và trình chiếu phim bằng công nghệ 3D, chính quyền địa phương lại tha thiết mong muốn gìn giữ hai công trình này.
Di tích 200 năm tại Đà Nẵng năm ra sao khi địa phương xin giữ, sở muốn dời?
Bất ngờ với di tích ít sứt mẻ
Ngoài Hải Vân Quan trên đỉnh đèo có thể tiếp cận bằng xe, còn lại tất cả các điểm di tích phòng thủ phía nam đèo Hải Vân nằm trong khu vực hoang vu hiểm trở, không có đường đi.
Nhiều năm làm cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội UBND phường Hòa Hiệp Nam, ông Nguyễn Hữu Xinh là một trong số ít những người biết vị trí chính xác của các di tích phòng thủ trong khu vực này.
Theo ông Xinh, làng Vân vừa ở vị trí "ốc đảo", lớp dân cư ở đây chủ yếu hình thành vào những năm 1960 khi ra đây điều trị bệnh phong (toàn bộ làng đã được dời từ năm 2012) nên việc tìm hiểu các di tích ở đây có thời gian bị gián đoạn theo "yếu tố lịch sử".
Có lẽ đó cũng là điều may mắn khi nhờ khuất lấp trong khu vực hoang vu mà những viên gạch đá đầu tiên tiền nhân xây đắp căn cứ vẫn chưa sứt mẻ dù đã qua hai thế kỷ.
Ông Xinh cho biết vị trí đồn Chơn Sảng được xác định khi ông cùng đoàn khảo sát của bảo tàng đi thực địa nhiều năm trước. Cách đây mấy năm, ông lại dẫn đoàn đi khảo sát đồn Chơn Sảng thì nhớ tới di tích thành hào gần biển mà người dân làng Vân hay kể.
Khi lội vào xem, các nhà văn hóa phát hiện đây là trạm Nam Chơn được sách sử triều Nguyễn nhiều lần nhắc tới. Điều khiến mọi người bất ngờ là công trình phòng thủ bề thế này dù cây mọc um tùm bên trên nhưng vẫn còn nguyên.
Theo chỉ dẫn của ông Xinh, phóng viên Tuổi Trẻ băng rừng tiếp cận di tích trạm Nam Chơn. Dù xây dựng đã hơn 200 năm nhưng công trình này vẫn còn khá nguyên vẹn khi thành hào xếp lớp bằng đá xẻ, thiết kế kiểu chữ V hai tầng.
Nhìn từ trên cao, trạm hình vuông, mỗi cạnh dài hơn 100m với diện tích tổng thể khoảng 13.000m2. Khu vực này hiện đã quy hoạch nên không còn bóng người, cây cối mọc um tùm trên thành và bao phủ xung quanh nhưng đường hào vẫn đi lại dễ dàng.
Đi dưới lòng hào chữ U của hình vuông khá dễ dàng, riêng cạnh phía trước do nằm gần biển nên sập một số đoạn.
Ông Nguyễn Nhường, phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết hiện tại khu vực làng Vân phường Hòa Hiệp Bắc đang tồn tại ba công trình quân sự của triều Nguyễn gồm:
- Đồn Chơn Sảng (nằm trên một đồi núi lưng dựa vào dãy núi Hải Vân).
- Trạm Nam Chơn (nằm gần bờ biển).
- Đài Định Hải trên đỉnh Hòn Hành (mũi Isabelle).
Qua khảo sát và dựa vào các cứ liệu lịch sử thì đây là các công trình có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự của triều Nguyễn được xây dựng để bảo vệ Đà Nẵng cùng với Thành Điện Hải và Thành An Hải.
Sở đề nghị làm mô hình 3D
Ông Nguyễn Hữu Xinh cho biết từ năm 2012, toàn bộ làng Vân đã được di dời vào đất liền. Khu vực di tích mới phát hiện nên việc lập hồ sơ di tích gián đoạn.
Mới đây, khi lấy ý kiến đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây (khu vực dự án làng Vân) Sở VH-TT TP Đà Nẵng nhìn nhận vị trí hai nền móng công trình phòng thủ quân sự triều Nguyễn tại khu vực làng Vân có ảnh hưởng trực tiếp đến bố cục và định hướng phát triển không gian cũng như tiến độ thực hiện của đồ án.
Do vậy cần cân nhắc đưa ra các giải pháp ứng xử phù hợp đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững hài hòa với quy hoạch của khu sinh thái.
Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị ngành văn hóa nên nêu quan điểm cụ thể "giữ hay xóa". Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho rằng cần ưu tiên thực hiện dự án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây để đảm bảo tiến độ dự án nhằm làm động lực phát triển kinh tế của thành phố.
Sở VH-TT TP Đà Nẵng trả lời: "Lựa chọn vị trí phù hợp để phục dựng mô hình kiến trúc hiện trạng và trình chiếu phim bằng công nghệ 3D về hai công trình nói trên nhằm lưu giữ ký ức lịch sử về các công trình phòng thủ ven biển của triều Nguyễn tại Đà Nẵng".
UBND quận Liên Chiểu đã có công văn khẳng định hai di tích trên dấu vết rất rõ ràng và còn nguyên giá trị lịch sử sâu sắc về cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của cha ông, Cơ quan này có văn bản kiến nghị căn cứ theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, đề nghị các cơ quan chức năng cần giữ lại và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các công trình quân sự của triều Nguyễn tại khu vực làng Vân để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Di tích cuối cùng trên đường Cái Quan
Theo tiến sĩ Lưu Anh Rô, tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, trạm Nam Chơn không chỉ là nơi diễn ra trận "thư hùng đích thực" giữa quan quân nhà Nguyễn với quân xâm lược mà còn mang ý nghĩa là trạm duy nhất còn sót lại trên đường Cái Quan.
"Di tích Nam Chơn được ghi chép rất rõ trong chính sử về vai trò lịch sử, diễn biến các trận đánh trong buổi đầu kháng Pháp. Tôi tin rằng khi tổ chức khai quật xung quanh chúng ta sẽ còn tìm thấy rất nhiều di vật để hiểu một thời lịch sử của đất Việt" - ông Rô tha thiết.
Trạm Nam Chơn gắn với nhiều trận đánh lớn
Theo PGS.TS Ngô Văn Minh - khoa dân tộc và tôn giáo, Học viện Chính trị khu vực III, trạm Nam Chơn gắn với hai trận đánh được ghi chép rất rõ trong sách sử. Đó là trận đánh ngày 18-11-1859 khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha với 300 người từ vịnh Đà Nẵng tấn công bằng thuyền chiến và đánh chiếm nơi đây.
Trận đánh thứ hai vào đêm ngày 1-3-1886, nghĩa quân kháng Pháp cùng dân địa phương tấn công và tiêu diệt đoàn công binh của Pháp do đại úy Besson chỉ huy, dừng chân ở trạm này.
"Di tích này gần như nguyên vẹn vậy mà cách đây mấy năm mới phát hiện. Nếu được trùng tu, kết hợp với du lịch thì ý nghĩa lịch sử rất to lớn" - ông Minh nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận