26/07/2024 10:52 GMT+7

Đi theo chú nè, gác chân chống xe lên cháu ơi..., đời sao dễ thương quá đỗi!

'Đi theo chú nè', người đàn ông chạy chiếc xe Dream cũ chậm lại, ngoái đầu nói vội với chúng tôi. Đang lơ ngơ không biết quẹo hẻm hóc nào, được người lạ giúp đỡ như vậy, tự nhiên chúng tôi thấy đời dễ thương quá trời!

Người đàn ông tốt bụng chỉ đường và dẫn chúng tôi từ hẻm ra đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: YẾN TRINH

Người đàn ông tốt bụng chỉ đường và dẫn chúng tôi từ hẻm ra đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: YẾN TRINH

"Đi theo chú nè", người đàn ông chạy chiếc xe Dream cũ chậm lại, ngoái đầu nói vội với chúng tôi. Đang lơ ngơ không biết quẹo hẻm hóc nào để ra đường Phan Xích Long từ hẻm đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận, TP.HCM), chúng tôi rề xe, hỏi một chú lớn tuổi.

Tưởng rằng chú sẽ chỉ quẹo bên nào thôi, ai ngờ chú dẫn đường cho chúng tôi luôn. Buổi chiều giờ tan tầm chộn rộn, xong việc mệt nhừ nhưng được người lạ giúp đỡ như vậy, tự nhiên chúng tôi thấy đời dễ thương quá trời!

Chỉ đường, nhắc cẩn thận điện thoại

Nhiều năm sống và làm việc ở TP.HCM, chúng tôi nhận thấy câu chuyện hành xử trên đường không chỉ có những chuyện ồn ào, cãi vã mà còn có nhiều lối đối đãi tốt đẹp, chân tình. Như ông chú xa lạ kể trên, vừa chạy cách một đoạn ngắn phía trước, vừa ngó chừng xem chúng tôi có rẽ theo kịp không.

Hẻm thành phố nổi tiếng ngoằn ngoèo, chúng tôi lại không giỏi "chặt" hẻm, dù trong lòng muốn né kẹt xe.

Mấy phút sau, chú đã dẫn chúng tôi ra tới đường Phan Xích Long, sau khi quẹo mấy con hẻm mà nhớ lại đứa nào cũng bảo nhau "nhớ chết liền".

Chú còn dừng lại, vẫy vẫy tay chào trước khi chạy tiếp. Chúng tôi chỉ kịp nói với theo: "Con cảm ơn chú nghe". Và chuyện nhỏ này là một kỷ niệm đẹp mỗi khi chúng tôi có dịp ghé qua đường này.

Chắc đây là lần thứ mấy trăm mà chúng tôi được người lạ chỉ đường. Và nếu tiện đường, một số cô chú nhiệt tình còn dẫn chúng tôi qua một vài ngã tư.

Từ cái thời việc xem chỉ đường trên Google Maps chưa phổ biến, tới thời muốn đi đâu thì tra Google Maps trên máy tính rồi xé miếng giấy ghi vắn tắt đường đi, đến bây giờ chúng tôi đã cài app trên điện thoại chỉ đường vèo vèo hoặc tích hợp với đồng hồ đeo tay thông minh.

Thế nhưng lúc bí, tấp vào hỏi chú xe ôm, người dừng đèn đỏ hoặc những người ngồi uống nước ven đường là nhanh nhất.

Một chuyện khác, đó là chúng tôi hay có thói quen thấy gì hay hay trên đường thì lấy điện thoại ra chụp. Như có lần thấy hàng cây trên đường 3 Tháng 2 (quận 10) buổi chiều nắng lấp lánh như mật, chúng tôi cầm điện thoại quay một đoạn video. Sau đó, một người đàn ông trung niên nhắc "cất điện thoại đi cưng ơi, coi chừng bị giật à nghe".

Nhắc quên gạt chống xe, tắt đèn xi nhan,
kéo khóa balo

Tiếp theo là chuyện nhắc người khác khi họ quên gạt chống xe, tắt đèn xi nhan. Chỉ một câu "Anh ơi, chống xe", "Xi nhan" là người kia tự hiểu rồi cảm ơn bằng cách nói với theo. Hoặc gật đầu, giơ bàn tay lên thay cho lời cảm ơn khi đang trong cảnh vội vã, đông đúc.

Hành động nhắc nhở là nhỏ thôi, nhưng đỡ cho người kia biết bao phiền toái.

Hồi còn đi xe số, một người bạn của tôi từng quên gạt chống xe, kết quả bị sủi tróc móng chân đau thấu trời.

Lúc tất bật, một số người quên kéo khóa balo khi chạy xe trên đường. Chúng tôi từng chứng kiến trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), một cô gái trẻ đeo balo nhưng dây kéo phía ngoài hở ra quá nửa.

Chúng tôi định đợi lúc dừng đèn đỏ hoặc chạy gần gần sẽ nhắc cô chứ không dám la lớn sợ cô giật mình. May là có một phụ nữ chạy gần lên tiếng nhắc: "Kéo balo lại em ơi". Ngay cả chúng tôi cũng vài lần quên kéo khóa balo, may có người nhắc nhở và chưa bị rơi rớt đồ đạc bên trong.

Va quẹt xe trên đường ra phà Bình Khánh, tài xế giải quyết bằng đối thoại thay vì cãi vã - Ảnh: YẾN TRINH

Va quẹt xe trên đường ra phà Bình Khánh, tài xế giải quyết bằng đối thoại thay vì cãi vã - Ảnh: YẾN TRINH

Va quẹt, cười nhau rồi xí xóa

Chúng tôi đã từng phản ánh những trường hợp gây gổ khi va chạm trên đường. Thế nhưng cũng có những người cư xử hòa nhã, chuyện lớn hóa nhỏ giúp cho đôi bên không phải mâu thuẫn nhau.

Cách đây hai tuần, khi chúng tôi ngồi taxi từ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ về phà Bình Khánh, gần tới nơi thì giữa xe taxi và xe buýt cùng chiều xảy ra va quẹt. Taxi bị bể cản trước đầu xe, xe buýt thì móp nhẹ bên hông.

Cả hai tài xế xuống xe nói chuyện. Vài người sống gần đó cũng ra phân tích, khuyên cả hai tài xế giải quyết êm đẹp.

Không có sự to tiếng, cãi vã, dù lúc mới va chạm xong hành khách hồi hộp khi thấy mặt tài xế căng thẳng, không biết có giải quyết nhẹ nhàng không.

Có lần, chúng tôi chạy xe máy đến lúc gần dừng đèn đỏ ở thành phố Thủ Đức, lỡ trớn đụng trúng phần sau của xe máy phía trước. Dù giật mình nhưng người thanh niên chỉ quay đầu lại giơ bàn tay, ý nói không sao đâu rồi chờ đèn đỏ tiếp.

Lần khác, chúng tôi thấy người chạy xe máy lúc dừng xe do đường trơn nên suýt ngã xe va vào một cô gái đang dừng xe trong lề. Bất ngờ là cả hai xin lỗi nhau rối rít, cho rằng do lỗi của mình chứ không phải do người kia.

Chuyện tốt và chưa tốt luôn song hành cùng nhau, như hai mặt trái phải của cuộc sống. Nếu nghĩ tích cực, những lối hành xử đẹp trên đường sẽ giúp cho một ngày của chúng ta trôi qua nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Lan tỏa những lối hành xử đẹp

Được nhận những hành xử đẹp của người đi đường, chúng tôi cũng tự nhủ mình sẽ nhân thêm những hành động đẹp trên đường từ chính việc làm của bản thân.

Ngoài tuân thủ việc không phóng nhanh, hạn chế bóp kèn inh ỏi…, khi thấy người khác quên kéo khóa balo, quên gạt chống xe, tắt đèn xi nhan, hoặc làm rơi đồ, chúng tôi đều tìm cơ hội nhắc nhở. Đường phố đông đúc, cách nhắc nhở cũng phải phù hợp, chúng ta tránh la lớn hoặc chạy nhanh để nhắc đối phương.

Va quẹt xe, ứng xử sao cho hợp lý?Va quẹt xe, ứng xử sao cho hợp lý?

Tài xế nói gì về văn hóa giao thông cãi nhau sau va quẹt trên đường? Hiểu đúng về giữ nguyên hiện trường để đảm bảo quyền lợi từ công ty bảo hiểm?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên