Công trình thủy điện Xayaburi nhìn từ trên cao - Ảnh: XPCL
Trong chuyến thăm Nhà máy thủy điện Xayaburi ở miền bắc Lào mới đây, nhiều câu hỏi đặt ra chỉ xoay quanh chuyện chia sẻ thông tin minh bạch.
Ngày 7-2, ban quản lý Nhà máy thủy điện Xayaburi ở Lào đã kết hợp với Ủy hội sông Mekong (MRC) mời 50 đại diện các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, nhà báo... đến quan sát hoạt động của công trình đã hoạt động được hơn ba tháng. MRC cũng nhìn nhận đây là một sự cởi mở hiếm thấy giữa lúc những nghi ngại về các dự án thủy điện lớn trên sông Mekong còn treo lơ lửng.
"Chúng tôi đã thương lượng lâu mới chốt được chuyến tham quan vào phút chót bởi bên nhà máy thủy điện báo đang bảo trì một số bộ phận" - một cán bộ làm việc tại ủy hội nói với Tuổi Trẻ.
Không được chụp ảnh
Những háo hức ban đầu về chuyến tham quan ở công trình từng gây nhiều tranh luận trong thời gian dài từ lúc hình thành đến lúc đi vào vận hành đã gặp "gáo nước lạnh nho nhỏ" khi đại diện của MRC đưa ra những nhắc nhở vào chiều 6-2 để chuẩn bị cho chuyến tham quan. Không được chụp ảnh trong khi tham quan vì bên nhà máy thủy điện sẽ lo việc đó và cung cấp ảnh sau. Phải tuân thủ các quy định của nhà máy để đảm bảo an toàn...
Dẫu vậy mục đích chính vẫn là được tận mắt thấy công trình có công suất phát điện đến 1.260 megawatt này. Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, giám đốc chiến lược và hợp tác thuộc ban thư ký MRC, giải thích: "Chúng tôi muốn chuyến tham quan này sẽ giúp chúng ta tận mắt thấy về tình hình mực nước thấp và hạn hán trên sông Mekong hiện nay. Chúng tôi mong các bên liên quan nhìn tận mắt con đập và hoạt động của nó, đặt câu hỏi cho ban quản lý, rồi tự đưa ra đánh giá tình hình".
Chặng đường dài gần 150km với liên tiếp các cua ngoặt khúc khuỷu từ thành phố Luang Prabang lên nhà máy thủy điện khiến cả đoàn nhừ người. Nhưng sự mệt mỏi cũng nhanh chóng tan biến khi đoàn xe tiến qua cổng của công trình từng được xây dựng mất 9 năm ròng.
Ban quản lý nhà máy thủy điện có buổi nói chuyện ngắn để giải thích về sự vận hành của nhà máy cùng những vấn đề giải quyết về môi trường và an sinh cho nhóm dân địa phương phải di dời. Các câu hỏi đã được đặt ra từ cử tọa là nhà chuyên môn lẫn nhà báo các nước.
Lối đi dành cho cá di cư trên sông Mekong đã được mở rộng đường hành lang gấp đôi sau khi có tham vấn từ các bên liên quan - Ảnh: XPCL
Cốt lõi ở chia sẻ thông tin minh bạch
Đây không phải là lần đầu tiên ban quản lý Xayaburi mở cửa đón các đoàn khách tham quan. Nhưng hẳn các câu hỏi của các bên liên quan cùng chia sẻ dòng Mekong đều như nhau: nguồn nước được chia sẻ thế nào, phù sa có bị nghẽn không, luồng cá được bảo vệ ra sao để đi xuống các quốc gia ở hạ nguồn...
Ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia quản lý lưu vực sông đến từ Việt Nam, nhấn mạnh: "Dữ liệu quan sát, thông tin về phù sa, luồng cá trên và dưới con đập, điện năng sản xuất... đều phải được chia sẻ".
Ông Chea Narin, quan chức Bộ Mỏ và năng lượng Campuchia, đồng quan điểm: "Sự minh bạch và chia sẻ thông tin kịp lúc có thể giúp người dân và các chính phủ liên quan chuẩn bị tốt hơn. Campuchia muốn nhà phát triển Xayaburi giải quyết những bận tâm của chúng tôi và chia sẻ thêm thông tin với MRC".
Nhà nghiên cứu Patchara Jaturakomol, thuộc Đại học Kasetsart (Thái Lan), nhận xét rằng việc dữ liệu dòng chảy của đập Xayaburi không được chia sẻ với công chúng và các nước hạ nguồn khiến bà nghi ngờ rằng đập này âm thầm trữ nước. "Khó mà không nghĩ rằng đập Xayaburi đang trữ nước khi ta chứng kiến mực nước ở thượng nguồn và hạ nguồn khác nhau" - vị chuyên gia Thái Lan nêu ý kiến từ quan sát ở công trình.
Đáp lại thắc mắc này, ông Knut Sierotzki - kỹ sư của Công ty Poyry (Phần Lan) hỗ trợ hoạt động của công trình Xayaburi - lý giải rằng "mực nước trên và dưới đập khác nhau là nhằm để phát điện". Kỹ sư Knut - người đại diện cho ban quản lý Xayaburi - giải đáp các vấn đề kỹ thuật cho đoàn khách tham quan khẳng định: "Không có chuyện đập Xayaburi trữ nước - những gì chảy vào đều sẽ chảy ra".
"Hãy để dữ liệu tự biện minh cho nó một khi phía ban quản lý cung cấp thông tin công khai và minh bạch cho những bên lưu tâm" - bà Jaturakomol chốt lại.
Xayaburi là đập thủy điện đầu tiên xây trên dòng chính của sông Mekong và sắp tới sẽ còn thêm những thủy điện khác nên các câu hỏi vẫn xoáy vào yêu cầu Chính phủ Lào đánh giá thêm về tác động môi trường, xã hội xuyên biên giới của các dự án thủy điện mới.
"Việc chia sẻ thông tin và tham vấn dù kéo dài nhưng có những ích lợi của nó. Chẳng hạn với công trình thủy điện Xayaburi, chúng tôi từng làm việc, đàm phán rất nhiều nên cuối cùng bên Lào cũng đã chấp nhận mở rộng gấp đôi hành lang dẫn đường cho cá di cư đi xuống dưới" - chuyên gia Nguyễn Nhân Quảng, nguyên phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong quốc gia và từng làm việc tại MRC, kể với Tuổi Trẻ.
Lối đi dành cho tàu thuyền qua thủy điện Xayaburi - Ảnh: XPCL
Xayaburi là đập thủy điện đầu tiên xây trên dòng chính của sông Mekong, cách thành phố miền bắc Luang Prabang của Lào khoảng 150km về hạ nguồn. Đập dài hơn 800m, cao 32m này bắt đầu vận hành thương mại từ cuối tháng 10-2019.
Sau quá trình tham vấn cùng nhiều tranh đấu của các nhà khoa học và cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư từ Thái Lan đã buộc phải bổ sung hơn 400 triệu USD cho thủy điện Xayaburi để cải tiến việc xả phù sa; làm thêm âu thuyền cho giao thông thủy (hiện cho tàu tối đa 500 tấn đi qua); mở rộng thêm lối đi cho cá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận