Đi siêu thị mà cũng "cấm sờ vào hiện vật"

TRỌNG NHÂN 16/07/2024 13:58 GMT+7

TTCT - "Chạy vội vào siêu thị mua ít đồ rồi ra ngay" - chuyện tưởng đâu có gì lạ, nhưng lại đang là "mơ ước" của người tiêu dùng ở nhiều nơi, khi trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn trộm cắp trong siêu thị.

Đồ vệ sinh cá nhân được khóa trong tủ mica tại siêu thị Target ở New York. Ảnh: REUTERS

Đồ vệ sinh cá nhân được khóa trong tủ mica tại siêu thị Target ở New York. Ảnh: REUTERS

Ai đi siêu thị có lẽ cũng từng thấy mấy món thực phẩm dễ bị khách táy máy mở ra hay hàng giá trị cao (chưa nói tới chôm chỉa) thường được bỏ trong hộp nhựa hay tủ kính có khóa, ai cần mua thì gọi nhân viên tới lấy cho. Cái này cũng thông cảm được thôi, nhưng khi có quá nhiều món "cấm sờ vào hiện vật", dù giá trị chẳng tới đâu, người mua sắm "chân chính" cảm thấy phiền toái.

"Món nào cũng bị khóa hết, ghét không chịu được" - Corey Potter, biên tập viên video ở Los Angeles (California), bức xúc với báo Los Angeles Times. Ở siêu thị Target gần nhà Potter, chất tẩy rửa, lăn khử mùi, kem đánh răng, dầu gội… cũng được bảo vệ nghiêm ngặt trong tủ kính như kho báu. 

Mà đâu phải gọi là nhân viên tới ngay; có lúc Potter phải đợi tới 15 phút mới thấy người tới mở khóa cho mình. Ấy là chưa kể giờ cũng tạm biệt luôn chuyện cầm món hàng lên xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định mua.

Los Angeles Times cho biết các chuỗi bán lẻ lớn đều đang "tủ đóng then cài" với đủ loại hàng hóa để đối phó với nạn trộm cắp. Chuyện "hai ngón" trong cửa hàng mua sắm không mới. Từ lâu, các cửa hàng hay các chuỗi bán lẻ đều phải chơi trò mèo bắt chuột với những kẻ trộm vặt. 

Thế khó của bên bán là làm thế nào cân bằng được chuyện bảo vệ hàng hóa của mình khỏi tầm với của trộm nhưng vẫn phải trong tầm tay của khách hàng. Nhưng cán cân này ở nhiều nơi đang bắt đầu lệch: các cửa hàng ngày càng sử dụng nhiều biện pháp mạnh để bảo vệ hàng hóa của mình hơn là đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng.

Và không chỉ ở Los Angeles của Mỹ. Tại Anh, siêu thị Co-op ở thành phố Cambridge giờ cho cả mấy món chưa tới 5 bảng như phô mai, sôcôla, sản phẩm tẩy rửa, sữa bột trẻ em, đùi gà, bít tết, xúc xích vào hộp tất, theo báo Peterborough Telegraph. 

Còn ở Tây Ban Nha, Reuters cho biết chuỗi siêu thị Tu Super Suma đã xích các chai dầu ô liu loại 5 lít lại với nhau và khóa vào kệ. Ruben Navarro, giám đốc điều hành Tu Super Suma, công nhận đây là "biện pháp điên rồ và cực đoan", nhưng quan trọng là nó hiệu quả.

Dầu ô liu bị khóa bằng dây xích tại cửa hàng thuộc chuỗi Tu Super Suma ở Malaga, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Dầu ô liu bị khóa bằng dây xích tại cửa hàng thuộc chuỗi Tu Super Suma ở Malaga, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Hiệu quả chống trộm thì có thể, nhưng đổi lại, tất cả đều phiền, từ người mua sắm chân chính tới nhân viên siêu thị. Năm ngoái, một tài khoản TikTok tên @Dr.ems từng đăng đàn bức xúc vì phải tốn đúng một tiếng đồ hồ chỉ để mua những mặt hàng rất cơ bản như sữa tắm, lăn khử mùi và dao cạo râu ở Target, do tất cả những hàng này đều được khóa trong tủ kính. Video này thu hút đến 3,5 triệu lượt xem.

Một số nhân viên siêu thị nói với Los Angeles Times việc gấp rút mở khóa hàng hóa cho những khách hàng thường xuyên khó chịu đã khiến ca làm việc vốn đã đủ mệt của họ bận rộn hơn.

Một số điểm bán lẻ ở Canada còn cực đoan hơn, khách bỏ hàng vào xe rồi mà vẫn chưa yên. Susan Dennison đang mua sắm ở cửa hàng Fortinos (TP Burlington, bang Ontario) thì xe khựng lại vì bị khóa từ xa. 

Ngay sau đó, một nhân viên cửa hàng đã chạy tới và yêu cầu xem hóa đơn của bà. "Tôi cảm thấy như mình bị phục kích" - bà kể với Đài CBS. Dennison trình hóa đơn và được cho đi.

Trên Forbes, cây bút Roger Dooley chuyên viết về các chiến lược kinh doanh chỉ ra 3 cái mất khi "cửa đóng then cài" hàng hóa trong các cửa hàng.

Thứ nhất là mất doanh số. Khi trải nghiệm mua sắm trực tiếp gặp trục trặc, khách hàng sẽ đặt online. Nhưng đáng nói, khách hàng sẽ không đặt hàng online tại cửa hàng này mà có thể quay sang chọn Amazon.

Thứ hai là mất thương hiệu, không chỉ thương hiệu hãng bán lẻ mà còn sản phẩm được bày bán. Thử nghĩ với một chai ô liu bị xích sắt vòng quanh khóa chặt, chắc hẳn hình ảnh có phần tiêu cực này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến ấn tượng của khách hàng đến những lần mua sắm sản phẩm này trong tương lai.

Thứ ba là mất niềm tin. Nhìn thấy các biện pháp bảo vệ hàng hóa nghiêm ngặt của cửa hàng có thể khiến khách nghĩ: "Cửa hàng này không tin tưởng khách hàng của mình". Niềm tin được tạo dựng từ hai phía. Nếu cảm nhận cửa hàng không tin tưởng khách hàng, họ cũng sẽ không tin vào cửa hàng.

Theo Dooley, hầu hết khách hàng sẽ thấy thoải mái hơn nếu các kệ hàng rộng mở như trước đây, dù có thể có thêm sự hiện diện của lực lượng an ninh. Tất nhiên cửa hàng cũng phải đầu tư các công cụ chống trộm khác như thẻ bảo mật, kiểm soát điểm ra vào, camera giám sát…

Và quan trọng nhất, nói như Dennison: "Phương pháp của họ cần phải bắt được những tên trộm chứ không phải những khách hàng trung thực".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận