Bà Hà Thị Vân (bìa trái) - chủ tịch UBND P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - cùng đại diện Công an P.19, Q.Bình Thạnh nói lời xin lỗi người dân - Ảnh: Hữu Khoa |
Chị V. không được rời khỏi trụ sở công an phường, kể cả đi mua thức ăn trưa, gây nhiều bức xúc cho chị và gia đình...
Theo trình bày của chị V., ngày 9-1 chị đến UBND P.19, Q.Bình Thạnh nộp hồ sơ chứng thực bản sao từ bản chính bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Đồng Nai cấp) để làm hồ sơ học tập.
Bất ngờ chị V. được mời gặp chủ tịch UBND P.19, đồng thời lập biên bản làm việc.
Không được đi mua thức ăn trưa
Trong biên bản làm việc lập tại UBND P.19, Q.Bình Thạnh ghi rõ: qua quá trình tiếp nhận hồ sơ sao y chứng thực bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của bà N.T.P.V. thấy có điểm nghi vấn về dấu mộc nổi giáp lai hình và tem chống giả bên góc trái phía trên của bằng tốt nghiệp không rõ.
“Do vậy, UBND phường tạm giữ văn bằng trên và chuyển công an phường đề nghị xác minh làm rõ...”.
Ngay sau đó, chị V. phải đến Công an P.19, Q.Bình Thạnh để ghi lời khai, lập hồ sơ ban đầu và bị giữ tại đây xuyên trưa, kéo dài đến chiều, không được đi bất kỳ nơi đâu, kể cả ra khỏi trụ sở công an phường mua thức ăn trưa.
Theo lời chị V., quá buổi trưa chị đói và có nhu cầu ra ngoài mua thức ăn thì được yêu cầu đưa tiền sẽ có người đi mua giúp, không được tự đi... Chị V. đưa tờ 100.000 đồng, được mua giúp một chai nước lọc và một chiếc bánh bao.
Sự việc chưa dừng lại ở đây, chị V. phải lên xe công vụ của công an phường để chuyển đến Công an Q.Bình Thạnh tiếp tục làm việc vào buổi chiều và sau đó được đưa trở lại phường.
Hết buổi chiều, chị V. mới được cho phép rời khỏi công an phường, khi đó người chị đã rã rời sau gần một ngày đối diện với nhiều phiền muộn và tâm trạng vô cùng ức chế.
Song kết quả xác minh tại Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Đồng Nai cho thấy chị V. có tham gia thi và nằm trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chị V. cũng cho biết trước đó hơn một năm (13-1-2014), chị từng được chứng thực bản sao đúng với bản chính tại UBND P.19, Q.Bình Thạnh, do phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Tiến Phước ký.
Xin lỗi
Trả lời Tuổi Trẻ việc lập hồ sơ ban đầu đối với trường hợp chị V., bà Hà Thị Vân - chủ tịch UBND P.19, Q.Bình Thạnh - khẳng định UBND phường lập biên bản và chuyển sự việc đến công an phường để xác minh đối với trường hợp người dân này là không sai.
Tuy nhiên, bà Vân nhìn nhận: “Khi biết được công an giữ chị V. thì tôi thấy tôi đã sai rồi mặc dù ban đầu tôi làm đúng”.
Bà Vân cũng cho biết đối với trường hợp chị V., phía thực thi công vụ đã nhận ra cái sai trong quy trình tiếp nhận, xử lý và xác minh thông tin quá lâu làm ảnh hưởng đến người dân.
Những điều được rút ra sau vụ việc này, theo bà Vân, là việc xử lý thông tin tố giác tội phạm cần phân biệt từng loại hành vi, từng sự việc chứ không áp dụng chung một quy trình.
Phường đang chờ chỉ đạo của quận về quy trình này, đồng thời sẽ điều chỉnh cách xử lý đối với những trường hợp nghi vấn (về các loại giấy tờ cần chứng thực bản sao từ bản chính).
Bà Vân cùng đại diện Ban chỉ huy Công an P.19, Q.Bình Thạnh, cán bộ thụ lý vụ việc, Mặt trận Tổ quốc đã đến xin lỗi chị V. và gia đình do có sai sót trong quá trình xử lý vụ việc nói trên.
Không thuộc trường hợp giữ người Hiện nay, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải tuân thủ quy định tại nghị định 19 (năm 2009) sửa đổi một số điều quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính (gọi tắt là quy chế) ban hành kèm theo nghị định 162 (năm 2004) và thông tư 42 (năm 2010) của bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi hành nghị định 19. Trường hợp chỉ vì nghi ngờ chị V. dùng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả để sao y, UBND phường đã báo thông tin này cho công an phường và sau đó chị V. bị giữ tại công an phường từ khoảng 11g đến hơn 16g là chưa phù hợp với điểm b, khoản 2, điều 2 quy chế. Nói cách khác, chị V. không thuộc trường hợp bị tạm giữ hành chính theo quy định pháp luật. |
Ứng xử cho phù hợp Công chứng viên Hoàng Mạnh Thắng - trưởng Phòng công chứng số 7, TP.HCM - cho biết theo quy định tại điều 9 của nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì người thực hiện chứng thực có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực. Khi phát hiện giấy tờ văn bản được cấp sai thẩm quyền, giả mạo thì người thực hiện công chứng được quyền lập biên bản tạm giữ và chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. Đó là về quy định thẩm quyền của người thực hiện chứng thực. “Tuy nhiên, cần lưu ý người thực hiện chứng thực cần ứng xử cho phù hợp, tôn trọng người đi chứng thực...” - ông Hoàng Mạnh Thắng nhấn mạnh. Bởi lẽ người đi chứng thực (đến UBND cấp xã hoặc chứng thực giao dịch tại phòng công chứng) là công dân, là khách sử dụng dịch vụ công. Vì thế, người thực hiện chứng thực cần có thái độ tôn trọng cần thiết đối với người đi chứng thực. Trong trường hợp phát hiện giấy tờ văn bản của người đi chứng thực là giả cũng cần cư xử cho đúng mực. Người thực hiện chứng thực có quyền lập biên bản tạm giữ, chuyển cơ quan có thẩm quyền (công an) xác minh. Nếu kết quả xác minh là giả thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy định để xử phạt hành chính, tịch thu tiêu hủy giấy tờ, văn bản giả đó. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, số lần vi phạm của người chứng thực thì có thể xử lý trách nhiệm hình sự. Nếu sau khi xác minh mà giấy tờ, văn bản nghi là giả mà thật ra là văn bản, giấy tờ thật thì người thực hiện chứng thực phải xin lỗi, thậm chí bồi thường thiệt hại (nếu có) cho người đi chứng thực về các bất tiện mà mình đã gây ra. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận