19/11/2003 05:49 GMT+7

Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đang hư hỏng nặng

ĐẶNG HÙNG
ĐẶNG HÙNG

TT (Đà Nẵng) - Thêm một mùa mưa gió nữa lại về, di tích Mỹ Sơn như đang “run rẩy” đối mặt với nguy cơ nghiêng lệch nặng và sập đổ từng mảng tường tháp. Có đến tận nơi mới thấy những di tích đền - tháp đang ngày càng “thấp hơn và nhỏ lại”, bởi từng phần kiến trúc đang tự tách rời và rơi đổ trước những cơn mưa nắng khắc nghiệt...

eOzPUt10.jpgPhóng to
Tháp E7 bị nghiêng lệch nặng đang có nguy cơ sập đổ, do vậy việc tham quan đã phải tạm đình chỉ (bảng thông báo đặt ngay lối vào)
TT (Đà Nẵng) - Thêm một mùa mưa gió nữa lại về, di tích Mỹ Sơn như đang “run rẩy” đối mặt với nguy cơ nghiêng lệch nặng và sập đổ từng mảng tường tháp. Có đến tận nơi mới thấy những di tích đền - tháp đang ngày càng “thấp hơn và nhỏ lại”, bởi từng phần kiến trúc đang tự tách rời và rơi đổ trước những cơn mưa nắng khắc nghiệt...

Sự đe dọa của mưa lũ

Những đêm vừa qua, tại Mỹ Sơn, trời mưa rất to. Nước Khe Thẻ dâng cao. Trời mùa đông, mưa gió là chuyện thường tình của đất trời nhưng đối với những người làm công tác ở Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn (gọi tắt là BQL), cứ mỗi trận mưa gió lớn như vậy là họ lại “ăn chẳng ngon, ngủ chẳng yên”.

Hơn ai hết, họ là những người ngày đêm gắn bó với các đền - tháp di tích Mỹ Sơn nên biết rất rõ cứ sau những trận mưa lớn thì các đền tháp càng nghiêng lệch dần và nguy cơ sập đổ cũng càng đến gần. Như những trận mưa lũ các năm 1996, 1997, một số di tích đã sập đổ đến nay cũng chưa thể trùng tu, phục chế được.

Theo chân anh Lê Văn Minh, tổ trưởng tổ bảo tồn thuộc BQL, chúng tôi có mặt tại tháp E7, được xem kiến trúc di tích duy nhất của khu E còn khá nguyên vẹn so với các đền tháp khác trong nhóm.

Do lanhtô và trụ vòm (phần chịu lực quan trọng nhất) ở cửa phía bắc đã sập, nhiều năm qua và đến nay, ngay tại cửa ra vào phần tường không còn biết dựa vào đâu đã nghiêng lệch hơn 5 độ. Dầm giá không còn tác dụng, tạo vết nứt lớn và kế tiếp là tháp E3, E4... tường rạn nứt nhiều chỗ, nghiêng lệch.

Đặc biệt, tại tháp E3 đoạn tường dài 0,8m đều bị nghiêng, nhiều chỗ nứt và đoạn giữa đã bị đổ. BQL phải cắm bảng cấm không cho du khách vào các tháp E7, E3 tham quan bởi không đảm bảo an toàn tính mạng do nguy cơ sập đổ bất ngờ.

Không riêng ở nhóm E, tại khu nhóm di tích A và B cũng đang bị nghiêng lệch nặng, chuyện ngã đổ cũng không thể nói trước. Đối với tháp B2, hiện nay mảng tường phía bắc đã bị tách đôi, vòm cửa phía tây đang bị nghiêng, ở tháp B3 đỉnh tháp đang bị nghiêng 5 độ về phía tây nam. Đây là tháp có nguy cơ đổ sập cao nhất. Thân tháp rạn nứt nhiều chỗ, có những khe nứt sâu 5-7cm, rộng 3-4cm, toàn bộ khung cửa chính chệch về phía nam.

Di tích... không ráng chờ được nữa!

XzuYuIaq.jpgPhóng to
Các di tích đền - tháp tại Mỹ Sơn mỗi ngày mỗi xuống cấp nhanh
Mới đây, để chuẩn bị cho công tác lập dự án trùng tu, tôn tạo khu di tích, BQL đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai lộ tại tháp F1 nhằm trả lại mặt bằng, thu gom hiện vật phục vụ việc gia cố bước đầu về kiến trúc.

Trong quá trình phát lộ tại chân tháp, đoàn đã phát hiện tại chân và thân đền tháp có nhiều vết rạn nứt quá rộng, nghiêng lệch nặng đến mức báo động đỏ, đòi hỏi phải cấp thời có ngay giải pháp xử lý chống đỡ.

BQL đã lập phương án, giải pháp tạm thời dựng nhà vòm che mưa nắng và gia cố, gia cường bằng các thanh sắt, chân trụ đổ bằng bêtông để chống đỡ. Nhưng để các bộ ngành, hội đồng khoa học chấp thuận cho phép triển khai phương án này cho tháp F1 cũng phải mất vài ba tháng.

Ông Nguyễn Công Hường, trưởng BQL, bùi ngùi cho biết đến nay công tác nghiên cứu lập dự án trùng tu gia cố, bảo tồn di tích Mỹ Sơn vẫn còn nhiều điều bất cập.Vẫn chưa có tiến triển khả quan, mới chỉ dừng lại ở việc thu thập cứ liệu. Các nhà khoa học, chuyên gia vẫn chưa phân tích, chưa tìm được chất liệu và phương pháp kiến trúc xây tháp của người Champa cổ trước đây một cách chân xác. Do vậy, việc trùng tu di tích còn phải chờ đợi thời gian dài mới mong hội đủ các cứ liệu khoa học.

Trong khi đó các di tích đền - tháp tại Mỹ Sơn lại mỗi ngày xuống cấp nhanh, khó có thể ráng chờ được nữa. Đành rằng, việc triển khai phương án xây dựng hệ thống chống đỡ tạm thời như ở tháp F1 đã làm sẽ ít nhiều làm mất đi vẻ mỹ quan của không gian kiến trúc tại quần thể di tích tháp Mỹ Sơn, nhưng đó cũng được xem là phương án tối ưu, giải pháp duy nhất và tạm thời hữu hiệu để chống nghiêng lệch, ngăn chặn nguy cơ sập đổ di tích.

Được biết, hiện BQL đang có văn bản tiếp tục đề nghị các bộ ngành cho phép đầu tư triển khai phương án gia cố, gia cường tạm thời như với tháp F1 để chống nghiêng lệch, giữ cho thân tháp không đổ ụp, tạm thời bảo vệ nguyên vẹn hiện trạng di tích. Đây cũng là điều kiện cho công tác trùng tu về sau. Nhưng ngay cả việc này đến nay cũng vẫn đang chờ.

Cách đây khoảng 100 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện quần thể tháp Chăm Mỹ Sơn và đã xác định còn 70 di tích đền - tháp. Đến bây giờ, trải qua chiến tranh, thiên tai và tác động tàn phá của thời gian, khu di tích này chỉ còn đôi chục di tích đền - tháp.

Từ những đánh giá, kiểm chứng thực tế nhiều lần, giới chuyên môn từng xác định và cảnh báo rằng những gì còn hiện hữu hôm nay của Mỹ Sơn cũng đã đến lúc sớm được gia cố chứ không thể giữ mãi nguyên trạng như vậy.

Nói nôm na, tuổi thọ của công trình đền tháp nổi tiếng này đã hết. Liệu trong thời gian tới số lượng di tích đền tháp ở khu di tích này sẽ còn bao nhiêu? Câu hỏi như thách thức khi phần lớn di tích đền - tháp đang bị nghiêng lệch nặng.

Và một mai... khi đặt chân đến di sản văn hóa thế giới này, nếu tôi và bạn có chứng kiến những ngổn ngang, đổ nát của những ngọn tháp hiếm hoi từng sót lại, điều đó cũng không phải là bất ngờ.

ĐẶNG HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    di t\u00edch M\u1ef9 S\u01a1n nh\u01b0 \u0111ang \u201crun r\u1ea9y\u201d \u0111\u1ed1i m\u1eb7t v\u1edbi nguy c\u01a1 nghi\u00eang l\u1ec7ch n\u1eb7ng v\u00e0 s\u1eadp \u0111\u1ed5 t\u1eebng m\u1ea3ng t\u01b0\u1eddng th\u00e1p. C\u00f3 \u0111\u1ebfn t\u1eadn n\u01a1i m\u1edbi th\u1ea5y nh\u1eefng di t\u00edch \u0111\u1ec1n - th\u00e1p \u0111ang ng\u00e0y c\u00e0ng \u201cth\u1ea5p h\u01a1n v\u00e0 nh\u1ecf l\u1ea1i\u201d, b\u1edfi t\u1eebng ph\u1ea7n ki\u1ebfn tr\u00fac \u0111ang t\u1ef1 t\u00e1ch r\u1eddi v\u00e0 r\u01a1i \u0111\u1ed5 tr\u01b0\u1edbc nh\u1eefng c\u01a1n m\u01b0a n\u1eafng kh\u1eafc nghi\u1ec7t..." />