Mộ chum, trang sức, dụng cụ lao động độc đáo, không gian sinh sống... của nền văn hóa cổ Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh kéo dài từ 2.000 năm trước Công nguyên (thời đại đồ đồng đá) đến cuối thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên (thời kỳ đồ sắt) đang bị lãng quên.
Di sản vô giá lại cất trong kho
Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 ở cồn cát cạnh đầm An Khê (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) với khu mộ chum có rất nhiều hiện vật giá trị.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi - tỏ ra tiếc nuối khi phần lớn hiện vật, đặc biệt là mộ chum độc đáo của người Sa Huỳnh và Tiền Sa Huỳnh đang lẩn khuất trong kho, thay vì có một không gian rộng lớn cho nền văn hóa cổ này "phát quang".
Năm 2012, cuộc khai quật ở thung lũng sông Tang (huyện Trà Bồng và Sơn Hà) kết thúc với hàng loạt mộ chum, nhiều công cụ lao động, trang sức từ thời đồ đá đến đồ sắt được phát hiện và di chuyển về Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi bảo quản.
Mãi đến năm 2022 việc chỉnh lý mới thực hiện, kho tàng di sản của nền văn hóa cổ này thêm một lần nữa khiến giới nghiên cứu choáng ngợp.
Cùng với nền văn hóa Đông Sơn, Óc Eo. Sa Huỳnh được xem là nền văn minh cổ rực rỡ nhất Việt Nam.
Văn hóa Sa Huỳnh không chỉ có mộ chum độc đáo mà trang sức cũng rất tinh tế. Ngàn năm vùi sâu dưới lòng đất nhưng khi phủi đi lớp bụi thời gian, những món trang sức đầy sức hút.
Những chuỗi hạt, vòng tay, khuyên tai, nhẫn phong phú đa dạng về kiểu dáng được chế tác bằng nhiều nguyên liệu đá mã não, nephrit, carnehan, pha lê, vàng, thủy tinh màu làm từ cát và nhựa các loại cây với nhiều màu sắc xanh lơ, xanh đen, đỏ, vàng, nâu xám, tím...
"Theo các nhà nghiên cứu, trang sức trong mộ chum có thể thấy được chủ nhân giàu nghèo, địa vị xã hội khác nhau.
Đồ trang sức của văn hóa Sa Huỳnh có tính thẩm mỹ rất cao. Trong đó, phân tích niên đại thủy tinh thì người cổ Sa Huỳnh là một trong những cộng đồng đầu tiên trên thế giới làm được thủy tinh", ông Khôi nói thêm.
Làm sao để di sản thành... tiền
Năm 1997, di tích Văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng Di tích cấp quốc gia, năm 2022 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt với sáu di tích được khoanh vùng bảo vệ gồm: Long Thạnh, Thạnh Đức, Phú Khương, quần thể di tích Chăm Pa trong không gian Sa Huỳnh, đầm An Khê, sông Cửa Lỗ.
Các điểm di tích tạo nên một không gian văn hóa cổ quý hiếm. Ai cũng thấy quý nhưng phát huy nền văn hóa này vẫn là dấu hỏi. Hiện ngoài hiện vật lưu kho, một số được trưng bày ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh).
Hai không gian này quá nhỏ, không trở thành thực thể sống động của người Sa Huỳnh, không trở thành sản phẩm du lịch hái ra tiền.
Ông Đỗ Tâm Hiển, chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, cho biết thật may mắn khi không gian sinh tồn của người Sa Huỳnh cổ tại di tích quốc gia đặc Sa Huỳnh ở phường Phổ Thạnh vẫn còn vẹn nguyên.
Rất nhiều dấu tích được tiếp nối qua các nền văn hóa Sa Huỳnh - Chăm Pa - Việt cho đến ngày nay, đủ tạo thành một không gian rộng lớn, giới thiệu nền văn hóa Sa Huỳnh đến du khách.
"Quỹ đất rất rộng, đủ làm công viên văn hóa Sa Huỳnh ở cái nôi của nền văn hóa này. Những cảnh điểm trong khu vực cũng rất nhiều, dư sức trở thành vùng du lịch lớn và đa dạng.
Quan trọng nhất lúc này là quy hoạch và thực hiện một khu trưng bày đủ rộng để thu hút du khách như các nước đã làm", ông Hiển nói.
Còn ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng: "Đến nay phần lớn di sản văn hóa Sa Huỳnh vẫn lưu kho, lỗi không phải của riêng ngành văn hóa mà còn cả chính quyền.
Sau khi hoàn thành quy hoạch, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ nguồn vốn, khẩn trương đầu tư một không gian trưng bày xứng đáng với tầm vóc của nền văn hóa này. Bằng mọi giá phải biến di sản thành tiền".
Tuy vậy, việc quan trọng cần làm song song là có phương án và công nghệ bảo vệ những hiện vật khai quật được: "Đây là việc làm rất quan trọng để di sản của nền văn hóa Sa Huỳnh tồn tại mãi mãi về sau".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận