Một thời gian dài, những hãng phim từng hoạt động rất mạnh, cho ra đời nhiều phim cả chiếu rạp và truyền hình kinh điển, làm say đắm biết bao thế hệ. "Những người muôn năm cũ, họ ở đâu, bây giờ?".
Di sản phim truyền hình dần biến mất lặng lẽ
Phim truyền hình Việt đang giai đoạn hồi phục với hàng loạt những bộ phim trên nhiều kênh và các nền tảng số. Nhưng phần lớn những bộ phim này ra đời từ các hãng phim tư nhân. Còn hãng phim nhà nước, số phim làm ra ngày càng "teo tóp".
Hiện phía Bắc chỉ có Trung tâm phim truyền hình VFC thuộc Đài truyền hình Việt Nam là hoạt động mạnh mẽ. Phía Nam có Hãng phim truyền hình TFS thuộc Đài truyền hình TP.HCM sau một thời gian gặp khó nay cũng đang trên hành trình tìm lại tên tuổi.
Hãng phim Tây Đô trực thuộc VTV Cần Thơ là hãng phim đầu tiên sản xuất phim truyền hình dài tập, với những bộ phim để đời như Những nẻo đường phù sa, Bình minh châu thổ...
Nhưng sau một thời gian hoạt động cầm chừng, đến nay hãng đã lặng lẽ biến mất. Năm 2022, trong cơ cấu Trung tâm truyền hình Việt Nam miền Tây Nam Bộ của Đài truyền hình Việt Nam đã không còn thấy tên Hãng phim Tây Đô.
Hãng phim truyền hình Bình Dương (BTF) thuộc Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương ra đời năm 1999. Sau hơn 10 năm hoạt động, hãng đã sản xuất hàng chục phim truyện với hàng trăm tập phim.
Đáng chú ý có Một thời ngang dọc, Trường xưa kỷ niệm, Vùng trời bình yên, Những cô gái vùng ven, Cạm bẫy, Sóng tình... Thế nhưng trước loạt khó khăn, hãng cũng đã giải thể vào năm 2012.
Cần đưa di sản phim nhà nước vào giáo dục
Chúng ta từng có nhiều bộ phim chỉn chu, nghiêm túc như: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Tiền tuyến gọi, Con chim vành khuyên... dù thời ấy điều kiện làm phim cực khổ, hạn chế.
Đó là những tác phẩm mang lại cảm hứng về một thế hệ không tiếc xương máu, biết sống, biết nghĩ, hy sinh vì cộng đồng, dân tộc, đất nước.
Những bộ phim kinh điển có giá trị như vậy nên được chiếu thường xuyên cho thế hệ trẻ hôm nay, cho học sinh - sinh viên, đặc biệt là các trường đào tạo nghệ thuật để họ hiểu được những chiến đấu, hy sinh của dân tộc, hiểu được nền điện ảnh Việt Nam thời kỳ phôi thai, cho chúng ta thấy một đường dài lịch sử dân tộc, bước trưởng thành của điện ảnh Việt Nam.
Nên xem để biết, hiểu về quá khứ và cân đối với điện ảnh Việt bây giờ.
NSƯT, nhà giáo Mạnh Dung (người từng tham gia các phim Đất phương Nam, Bão U Minh, Tổ quốc tiếng gà trưa, Dưới cờ đại nghĩa, Bình minh châu thổ...) - Linh Đoan ghi
"Bức tường" nào chặn phim đến với khán giả?
Thông thường, một bộ phim nhà nước sản xuất xong sẽ được lên lịch phát sóng ở các kênh của đài chủ quản. Nhưng khi kết thúc phát sóng, số phận chúng đi về đâu?
"Ngày trước, một cách để phim chính luận của các hãng phim nhà nước không bị cất kho là trao đổi phim với các đài tỉnh trong nước. Đặc biệt, trong những ngày lễ lớn vẫn có nhiều khán giả thích xem dòng phim này" - ông Nguyễn Đức Trường kể.
Dù vậy, kỹ thuật cũng là một rào cản lớn.
Hiện nay, một số nền tảng số ủng hộ phim kinh điển Việt bằng những đợt phát hành phim theo dịp. Tháng 12-2020, VTVgo phát miễn phí 10 bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt trong suốt một tháng.
Galaxy Play có mục Sống lại thời vàng son - Top phim Việt kinh điển với khoảng 20 phim. Mới đây, từ ngày 1-4, Truyền hình Hậu Giang (HGTV) ra mắt loạt Phim Việt thời vang bóng, chiếu vào giờ vàng, phối hợp với Công ty cổ phần Phim Giải Phóng. Trước mỗi tập phim, phát cuộc giao lưu với nhân vật từng gắn bó với bộ phim.
Những cố gắng là vậy nhưng vẫn còn manh mún nhỏ lẻ cho thấy có vẻ như chúng ta vẫn loay hoay. Vẫn rất thiếu những địa chỉ, rạp phim cố định quanh năm để mang phim kinh điển đến với khán giả.
Trong khi ở nhiều nước, bên cạnh hệ thống rạp thị trường ăn nên làm ra, vẫn có những rạp chiếu phim chỉ chiếu toàn phim kinh điển.
Phim kinh điển cần phải gìn giữ
Lứa khán giả ngoài 50 thế hệ tôi có lẽ ai cũng một thời mê mệt những bộ phim kinh điển như Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Nổi gió, Con chim vành khuyên... Tôi nghĩ hồi đó làm phim có lẽ máy móc thiết bị còn thô sơ lắm, nhưng sao phim nào cũng có dấu ấn riêng. Kịch bản được làm rất cẩn thận, chỉn chu.
Lời thoại, chi tiết, thể hiện sự chăm chút. Hình ảnh chắt lọc, diễn viên có đào tạo và giữ đạo đức, sự chuẩn mực. Nhắc đến Cánh đồng hoang, làm sao người ta quên cảnh Đồng Tháp Mười nước mênh mông trắng xóa.
Cảnh vợ chồng Ba Đô (nghệ sĩ Lâm Tới - Thúy An) bỏ đứa con vào bao nhấn xuống nước để che mắt quân địch, đầy xúc động và phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh.
Cuộc sống thay đổi, xuất hiện nhiều loại hình giải trí hiện đại, hấp dẫn hơn. Nhưng tôi nghĩ phim điện ảnh kinh điển có giá trị rất đặc biệt mà chúng ta cần phải gìn giữ.
Những bộ phim không chỉ lưu lại ký ức tươi đẹp của điện ảnh Việt Nam mà phần nào phản ánh lịch sử Việt Nam. Tư liệu đó thật quý giá để giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành và giới trẻ, để họ có thêm kiến thức về điện ảnh, về một giai đoạn gian khổ mà hào hùng của đất nước.
Khán giả Mai Trà Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - L.Đoan ghi
Điện ảnh nhà nước xiêu vẹo, dột nát đến đau lòng
Trở lại câu chuyện di sản điện ảnh nhà nước Việt Nam đã được nhắc đến quá nhiều không chỉ nhân trường hợp Hãng phim truyện Việt Nam. Điện ảnh nhà nước có lịch sử 70 năm với không ít dấu ấn vàng son, để lại những tác phẩm đậm bản sắc văn hóa, lịch sử đất nước.
Đó là những phim về các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, giúp khán giả hiểu thêm về sự hy sinh anh dũng của bao thế hệ cha ông, giúp giáo dục lòng yêu nước và tự tôn tự cường như: Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Em bé Hà Nội, Chị Tư Hậu, Kim Đồng, Nổi gió, Đường về quê mẹ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm...
Bên cạnh đó là những phim lấy cảm hứng từ văn học, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, mang giá trị nghệ thuật cao: Cánh đồng hoang, Làng Vũ Đại ngày ấy, Thị xã trong tầm tay, Đến hẹn lại lên, Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Ván bài lật ngửa, Người đi tìm dĩ vãng, Đêm hội Long Trì, Vị đắng tình yêu, Mê Thảo - thời vang bóng, Mùa len trâu, Đời cát, Thung lũng hoang vắng...
Lịch sử rực rỡ đưa phim nhà nước trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Thế nhưng, di sản điện ảnh nhà nước vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một khi các hãng phim nhà nước liên tục gặp khó, xin giải thể, xuống cấp trầm trọng khi cổ phần hóa...
Diễn viên Hồng Ánh là một trong những "viên ngọc" diễn xuất được điện ảnh nhà nước mài giũa. Chị có nhiều vai kinh điển trong Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du, Trăng nơi đáy giếng... Hồng Ánh nói với Tuổi Trẻ: "Hãng phim truyện Việt Nam đối với tôi giống như là nhà. Khi trở về nhà, thấy nhà dột nát, xiêu vẹo, tôi đau lòng.
Theo dõi dòng chảy của điện ảnh nhà nước, tôi thấy cổ phần hóa và thay đổi cơ chế là đương nhiên. Nhưng thay đổi theo cách như thế và với đơn vị trúng thầu này thì tôi thấy không hợp lý".
Tuy nhiên, Hồng Ánh không phủ nhận nếu mô hình hãng phim nhà nước không còn hiệu quả, nó buộc phải "chết" để những mô hình mới hợp lý hơn được ra đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận