23/03/2015 10:44 GMT+7

Di sản lớn nhất của Lý Quang Diệu là tình cảm người dân

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO - Giống như nhiều người Singapore, Ranjani Rangan theo dõi sát sao những tin tức về sức khỏe của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu mấy ngày gần đây.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, con trai của ông Lý Quang Diệu, bật khóc giữa chừng khi đang phát biểu trong bài điếu văn cho bố, và người tiền nhiệm - Ảnh: AFP

Ngày 22-3, nhân viên ngân hàng 38 tuổi này cảm thấy rất bất an sau những tin tức không tốt lan truyền trên mạng về tình trạng sức khỏe của ông, nên cô đã viết một bài chia sẻ dài trên Facebook về những đóng góp của ông cho Singapore.

Rangan bày tỏ hy vọng những người chỉ trích ông vì cho rằng ông xây dựng nên một “thể chế độc tài” sẽ đánh giá đúng những gì ông và các cộng sự đã làm cho đất nước.

“Chúng ta có thể không mua được nhà lớn và xe lớn, đất nước của chúng ta quá nhỏ cho những chặng lái xe đường dài, tự do ngôn luận có thể bị hạn chế, văn hóa làm việc có thể không thoải mái như ở phương tây, và thời tiết quá nóng để có đủ bốn mùa. Tuy nhiên, với những điều thật sự quan trọng, chúng ta đều đã có”, cô viết, liệt kê ra chất lượng giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, giao thông và an ninh ở Singapore.

“Chúng ta không hiểu được hết những điều tốt đẹp mà chúng ta có ở đây”, Rangan trả lời báo chí khi được liên hệ. Là người Singapore thế hệ thứ tư, có sống và làm việc ở Anh và Mỹ trong 12 năm trước khi trở về quê nhà năm 2008.

Giống như cô, rất nhiều thường dân Singapore đã viết về những di sản mà ông Lý để lại. Một số người nói một số quyết định và quan điểm của ông Lý có thể gây tranh cãi, nhưng nhìn tổng thể, vai trò lãnh đạo của ông có ý nghĩa sống còn với sự tiến bộ của Singapore.

Beverly Murray, lớn lên ở Singapore và đang sống ở Miami, Mỹ, viết về ông Lý trên blog của cô trước đó trong tháng này, gọi ông là “chính trị gia thông minh nhất mà tôi từng biết”.

Một phụ nữ cùng các con bật khóc khi đặt hoa tại góc tưởng niệm ông Lý - Ảnh: Reuters

Trong bài viết, đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội mấy ngày qua, Murray nhấn mạnh việc cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon từng gọi Lee là một người “có thể đạt tới tầm vóc một nhà lãnh đạo thế giới như một Churchill, một Disraeli, hay một Gladstone” nếu như ông sinh ra ở một quốc gia khác.

Murray cũng nói việc ông Lý luôn nỗ lực vì điều tuyệt vời nhất, không chỉ cho mỗi cá nhân, là một triết lý đã thấm đẫm ở các trường học Singapore khi cô lớn lên vào những năm 1980, dù đôi khi cô và bạn bè cũng thấy không thích quan điểm thực dụng và thiếu lãng mạn của đất nước Singapore.

Họ giờ đã tỏa ra khắp thế giới, trở thành những công dân toàn cầu sống ở Thượng Hải, Perth, New York và London, nhưng Murray tin rằng họ cũng biết ơn sâu sắc ông Lý vì những gì ông đã làm được.

Một phụ nữ bật khóc khi đặt hoa và cầu nguyện cho ông Lý Quang Diệu - Ảnh: Reuters

“Mọi sự bày tỏ lòng biết ơn đều xứng đáng với di sản phi thường mà ông đã đẻ lại. Nhưng con là người hạnh phúc nhất khi được thông báo với ông rằng con dân của ông, giờ đã tỏa đi khắp thế giới, vẫn có thể tìm thấy chất thơ và sự lãng mạn trong sự thực tế”, cô viết. “Và như thế, họ đã khám phá ra bản thể Singapore trong trái tim mỗi người”.

Daniel Wagner, Giám đốc điều hành Country Risk Solutions, sinh sống ở Singapore, cũng viết một đoạn tưởng nhớ ông Lý được chú ý trên trang The Huffington Post về thời gian ông còn là một du khách ba-lô ở thành phố-đảo quốc này.

Mời bạn đọc xem:

Kỳ 1:  Kỳ 2: Kỳ 3: 

Lý do rất quan trọng giúp Singapore duy trì hiệu quả và năng suất cực cao, theo Wagner, là “cách mà chính phủ vận hành, và phần lớn điều đó là di sản của nhà sáng lập Singapore, Lý Quang Diệu”.

“Bạn có thể nói những gì mình muốn về nền dân chủ mà LKY đã tạo ra và nuôi dưỡng, nhưng sau khi ông rời cương vị thủ tướng năm 1990, kết quả chung là điều thần kỳ kinh tế ở châu Á không nơi nào sánh được, một quốc gia đã làm hơn sức họ trong nhiều thập kỷ liền”, ông viết.

Wagner thừa nhận nhiều người vẫn chỉ trích hệ thống chính trị của Singapore, nhưng ông Lý và Đảng hành động nhân dân của ông “đã bền bỉ mang tới những điều tốt đẹp cho đất nước, ở quy mô lớn”.

“Nếu bạn hỏi tôi về di sản của LKY, tôi sẽ nói rằng đó là một trường hợp kinh điển về việc tạo ra những điều có ý nghĩa lớn lao từ những cơ sở thật ít ỏi, làm sao để biến một hòn đảo nhỏ xíu thành một gã khổng lồ kinh tế”, Wagner nói.

“Làm sao để tạo ra một nơi trú ẩn an toàn ở một khu vực đầy sóng gió. Và làm sao để tiến lên, để tồn tại và phát triển”.

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên